Ý nghĩa quá khứ của bạn là gì?

Bất luận chúng ta đã trải qua điều gì, cách chúng ta nhìn nhận những tổn thương mà gia đình gốc đã gây ra cho chúng ta trong quá khứ là rất quan trọng.

Nhà Tâm lý học cá nhân Alfred Adler từng nói: “Điều quyết định bản thân chúng ta không phải là những trải nghiệm trong quá khứ, mà là ý nghĩa chúng ta đặt vào những trải nghiệm này.”

Bất luận chúng ta đã trải qua điều gì, cách chúng ta nhìn nhận những tổn thương mà gia đình gốc đã gây ra cho chúng ta trong quá khứ là rất quan trọng, và những tổn thương đó có ý nghĩa gì cũng quyết định liệu chúng ta sẽ buông bỏ hay chôn chặt nó.

Nếu ta chỉ coi những gì đã xảy ra trong quá khứ là tổn thương, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân, có thể chúng ta sẽ sống mãi trong vai nạn nhân này, thậm chí có khi phải trả giá cho điều đó cả cuộc đời. Nếu chúng ta chọn buông bỏ, cũng có nghĩa là chúng ta đang tha thứ cho chính mình, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa mới cho mọi việc đã từng xảy ra, đối mặt với đủ mọi thực tế, có được những trải nghiệm và lựa chọn mới.

Hãy thử nghĩ xem, chúng ta nên gán ý nghĩa gì cho quá khứ? Nếu chúng ta có thể tìm được ý nghĩa khiến chúng ta chấp nhận và an yên, thì tác động của tổn thương trong quá khứ đối với chúng ta sẽ hoàn toàn khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nothing Ahead/Pexels.

Có người tìm được ý nghĩa từ trong quá khứ đau đớn, “Tôi thấy được cha mẹ trong quá khứ đã tạo thành ảnh hưởng như thế nào đối với bản thân, cho nên tôi sẽ làm một người cha tốt hơn.” Có người tìm được ý nghĩa “Quá khứ đau khổ khiến tôi trở nên mạnh mẽ kiên cường, cho nên tôi mới vững ý chí, nỗ lực sống tốt cuộc sống hôm nay.”

Vậy lựa chọn của bạn là gì?

Con người thường dễ dàng bị bó buộc bởi niềm tin cũ. Những tổn thương từ gia đình gốc như một cái lồng giam to lớn, bạn có thể lựa chọn chấp nhận sự tồn tại của những vết thương kia, nhưng bạn sẽ đánh mất tự do khi bị tổn thương giam cầm. Hãy nhớ rằng, nội tâm bạn đã dần trưởng thành, và bạn có thể thoát khỏi bó buộc đau khổ của quá khứ. Bạn tự do, bạn được lựa chọn cuộc sống mà bạn muốn, làm những gì bạn thích, có một cuộc đời do mình quyết định.

Tuy nhiên, buông bỏ thực sự không nhất thiết là phải từ bỏ hay ép mình lựa chọn quên lãng hoặc tha thứ, mà là nhận thức rõ ảnh hưởng của tổn thương đến quá trình trưởng thành của bản thân, nhận thức chính mình một cách toàn diện, qua đó hóa giải những mâu thuẫn nội tâm.

Nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng phần lớn nguyên nhân khiến con người đau khổ là do họ không hiểu chính mình. Mà những điều không nhìn thấy, không chạm vào được, không rõ ràng sẽ ẩn sâu vào tiềm thức và tâm hồn con người. Chỉ khi không ngừng xoáy sâu vào tiềm thức, con người mới dần dần hiểu rõ bản thân, làm quen lại với chính mình, tháo gỡ khúc mắc nội tâm từ tận gốc rễ.

Ngoài ra, chỉ khi nhận thức sâu sắc về chính mình mới có thể chữa lành những tổn thương trong quá khứ. Trải nghiệm trong quá khứ không thể gây tổn thương cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Điều thực sự gây tổn thương là cách mà chúng ta lý giải về những trải nghiệm đó.

Vì vậy, bằng cách nhận thức lại bản thân một cách toàn diện, bạn không chỉ có thể hiểu và giải thích đầy đủ các sự kiện trong quá khứ, mà còn tận dụng cơ hội này để chữa lành bản thân, hoàn toàn lột xác, giúp bạn sống vui sống khỏe hơn, từ đó nhận được hạnh phúc, cảm giác thành tựu và niềm thỏa mãn trọn vẹn.

Việc chữa lành đứa trẻ bên trong vô cùng quan trọng. Thông qua việc tập thiền, chúng ta kết nối được với tiềm thức, lấy được manh mối mà nó cung cấp để tìm ra điều đau khổ của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện ra nỗi đau đó.

Để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương, con người thường khoác lên mình nhiều lớp áo, dưới những lớp áo này, vết thương sẽ không còn “sức sát thương” nữa. Tâm lý học gọi đây là “cơ chế phòng ngự”. Tuy nhiên, những vết thương chưa lành đó giống như dung nham nóng bỏng cuộn trào trong núi lửa, bề ngoài trông có vẻ yên bình nhưng một khi phun trào sẽ là hủy diệt.

Hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong cũng giống như việc giúp nó cởi bỏ những lớp áo này. Quá trình này sẽ không thoải mái, thậm chí có người sẽ phản kháng. Nhưng bằng cách vượt qua hàng phòng thủ một cách có chiến lược và mang tính xây dựng, chúng ta sẽ dần dần có được sự tin tưởng của đứa trẻ bên trong mình và cuối cùng giảng hòa với nó.

Bài tập thực hành

1. Hãy liệt kê những tổn thương hoặc những quan tâm bố mẹ từng mang tới cho bạn, những cảm xúc tiêu cực tương ứng với sự việc đó, chẳng hạn xấu hổ, phẫn nộ, lo âu, đau buồn, khủng hoảng v.v... ; và cảm xúc tích cực như vui vẻ, tự tin, quan tâm, thư thái, cảm nhận được tình yêu v.v... vào bảng dưới đây.

Bố mẹ quan tâm mình (Nêu sự việc điển hình)

1

2

3

2. Chuẩn bị một cuốn nhật ký chữa lành để ta có thể ghi lại những thay đổi mà ta cảm nhận được trong quá trình luyện tập. Nếu có quá nhiều cảm xúc tiêu cực, bạn hãy trao đổi với cha mẹ mình bằng cách viết thư. Nội dung bao gồm những gì cha mẹ đã nói, đã làm với bạn, cảm nhận của bạn vào thời điểm đó, cùng với việc nó đã ảnh hưởng đến quá khứ và cuộc sống hiện tại của bạn ra sao. Còn có phần quan trọng nhất là yêu cầu hiện tại của bạn với cha mẹ.

Sau khi viết xong, tùy theo tình hình cá nhân mà bạn có muốn chia sẻ với cha mẹ hay không. Điều kiện tiên quyết để chia sẻ là bạn cần biết phản ứng của cha mẹ và kế hoạch ứng phó của bạn. Bạn cũng có thể giấu bức thư đi như một lối thoát cho cảm xúc của mình, như một sự khởi đầu để buông bỏ.

Ceci Từ Vũ/Nanubooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/y-nghia-qua-khu-cua-ban-la-gi-post1470405.html