Ý kiến trái chiều về giảm thuế VAT cho ngân hàng

Chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần tính toán xem ngành nghề nào được giảm thuế là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó có quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 43/2022. Thời gian áp dụng chính sách này từ ngày 1-7 đến 31-12.

Tuy nhiên, chính sách giảm thuế trên không áp dụng với một số nhóm hàng hóa, trong đó có nhóm ngân hàng (NH). Theo đó, Hiệp hội NH Việt Nam đã kiến nghị nên giảm thuế VAT cho cả ngành NH để người đi vay, sử dụng dịch vụ NH được hưởng lợi.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị nên giảm thuế VAT cho cả ngành ngân hàng để người đi vay được thụ hưởng. Ảnh: T.LINH

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị nên giảm thuế VAT cho cả ngành ngân hàng để người đi vay được thụ hưởng. Ảnh: T.LINH

Cần cân đối ngân sách

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động NH sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp (DN) hết sức khó khăn, gần như các nguồn lực dự trữ không còn… Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp.

Từ thực tế trên, ông Hùng đề nghị giảm thuế VAT cho các NH thương mại như các DN khác để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ DN.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị nên giảm thuế VAT cho cả ngành ngân hàng để người đi vay, sử dụng dịch vụ ngân hàng được hưởng lợi.

Bình luận về đề xuất này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: “Những người làm chính sách đã cân nhắc từ mấy lần giảm thuế VAT trước đây rồi và thấy rằng trong lĩnh vực tài chính NH, việc giảm thuế VAT không kích cầu hoạt động tiêu dùng cũng như không kích thích tăng trưởng của ngành NH. Vì thế, Quốc hội không đồng tình việc đưa ngành NH vào nhóm ngành nghề cần được giảm thuế VAT.

Thực tế, mong muốn giảm thuế là nguyện vọng chung của tất cả ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Thế nhưng, chúng ta phải hiểu rằng không có thuế thì không có ngân sách để phục vụ cho vấn đề về an sinh xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải tính toán xem ngành nghề nào cần được giảm thuế là phù hợp, chứ không thể giảm ào ào được”.

Theo ông Thịnh, các DN, hiệp hội hoàn toàn có quyền đề xuất giảm thuế cho ngành nghề, cho lĩnh vực hoạt động của mình. Tuy nhiên, người quyết định chính sách lại phải cân đối cái chung của toàn bộ nền kinh tế, của tất cả lĩnh vực, trên cơ sở cân đối nhiều yếu tố của nền kinh tế. Bởi mục tiêu quan trọng của việc giảm thuế VAT là nhằm kích cầu, khuyến khích hoạt động tiêu dùng. Đồng thời cũng cần phải tính toán cân đối ngân sách để đảm bảo nền kinh tế hoạt động một cách tốt nhất, ít bị ảnh hưởng nhất.

“Nói cách khác, chính sách giảm thuế VAT cần phải cân đối giữa các ngành nghề trong nền kinh tế, phải phù hợp với tình hình thực tiễn của nền kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Một đại biểu Quốc hội cũng cho rằng: Trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn nhưng các NH vẫn liên tiếp báo lãi lớn. Do đó, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý.

Về tác động của chính sách, theo tờ trình của Chính phủ, áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT trong sáu tháng cuối năm nay thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỉ đồng.

Cần xem xét chính sách tài khóa hướng đến ai

Trong khi đó, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: Vừa qua Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT đối với dịch vụ của ngành tài chính NH. Thuế VAT không tác động trực tiếp lên người sản xuất, kinh doanh mà thực chất là tác động lên người tiêu dùng. Do đó, việc giảm thuế VAT cho ngành NH thì chính người sử dụng dịch vụ NH được hưởng lợi.

Theo TS Long, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều DN đã sa thải số lượng lớn công nhân do bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng khiến đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn thì người tiêu dùng được giảm chút gì khi sử dụng dịch vụ đều tốt cả.

“Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là cần phải xem xét nguồn thu của ngân sách có ổn định hay không. Nếu ngân sách có điều kiện thì vẫn nên xem xét giảm thuế VAT cho cả ngành NH nữa. Bởi như vậy sẽ giúp cả người đi gửi tiền lẫn người đi vay, người sử dụng dịch vụ NH đều được hưởng lợi” - TS Long nêu quan điểm.

Lãnh đạo một NH thương mại cho rằng: Ngay cả khi việc giảm thuế VAT được áp dụng cho cả ngành NH thì chưa chắc NH đã là đối tượng được thụ hưởng từ chính sách giảm thuế VAT, bởi lẽ họ chỉ là đơn vị thu hộ thuế VAT.

Ngược lại, chính những DN sử dụng dịch vụ, nguồn vốn từ NH mới là đối tượng được thụ hưởng. Vậy nên cần phải nhìn nhận xem chính sách tài khóa có hướng đến những khách hàng đang đi vay vốn hay đang sử dụng dịch vụ NH hay không.•

Với khách hàng cá nhân, số tiền giảm không đáng kể

Phó tổng giám đốc một NH quốc doanh nhìn nhận: VAT là thuế gián thu nên người tiêu dùng sau cùng là người được hưởng lợi nhờ chính sách giảm thuế này của Nhà nước.

Tuy nhiên, với ngành NH thì tất cả khoản vay đều không tính thuế VAT mà chỉ các dịch vụ như chuyển tiền liên NH, chuyển tiền ra nước ngoài, phí duy trì tài khoản, phí SMS Banking, phí rút tiền tại ATM… mới phải chịu thuế VAT. Cho nên nếu ngành NH được giảm thuế VAT thì đương nhiên những người sử dụng dịch vụ NH cũng được hưởng lợi.

Song mức giảm 2% thuế VAT đối với dịch vụ NH không mang nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng. Bởi nếu họ chuyển tiền liên NH trên ứng dụng NH số thì đang được miễn phí 100%.

Còn với các loại phí cũng khá thấp. Đơn cử như phí dịch vụ SMS Banking đang là 11.000 đồng/tháng (thuế VAT 10%), giờ nếu ngành NH được giảm 2% thuế VAT thì mức phí trên giảm xuống còn 10.800 đồng/tháng. Với việc người dân được giảm 200 đồng/tài khoản/tháng là mức giảm vô cùng nhỏ, không đáng kể.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/y-kien-trai-chieu-ve-giam-thue-vat-cho-ngan-hang-post743489.html