Ý đồ thực sự của Elon Musk với cha đẻ ChatGPT

Việc Elon Musk góp sức xây dựng OpenAI dường như chỉ là cách để vị tỷ phú gọi vốn nhằm vực dậy một Tesla lúc ấy đang trên bờ vực sụp đổ.

Elon Musk đã cùng Sam Altman cùng thành lập phòng nghiên cứu phi lợi nhuận OpenAI vào 2015, với hàng chục triệu USD tài trợ đến từ vị tỷ phú.

Cả 2 đã xây dựng "liên minh" nhằm ngăn chặn sự thống trị của Google trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI).

Dù vậy khi thời thế thay đổi, Musk đã tuyên chiến với Altman và chính OpenAI. Musk cáo buộc Altman "phản bội" sứ mệnh ban đầu của OpenAI để theo đuổi lợi nhuận. Tuy nhiên, những tiết lộ từ phía cha đẻ ChatGPT lại cho thấy điều ngược lại.

Tham vọng độc chiếm

Không khó để nhận ra hai mong muốn của Musk vào thời điểm đầu tư cùng Altman: Cứu Tesla và giành quyền kiểm soát OpenAI.

Theo mô tả của Business Insider, vị tỷ phú chưa bao giờ tiếp cận OpenAI và những người sáng lập với tư cách là một đối tác kinh doanh được tôn trọng.

Elon Musk có toan tính riêng khi tiếp cận OpenAI. Ảnh: Vanity Fair.

Thậm chí, việc Elon Musk tức giận với OpenAI đơn giản chỉ là vì ban lãnh đạo startup này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác cơ hội đầu tư vào công ty, thứ vốn dĩ mà ông muốn giữ cho riêng mình.

Bài đăng do chính OpenAI xuất bản trên blog đã nêu chi tiết về mối quan hệ và liên lạc của công ty với Musk kể từ khi thành lập vào năm 2015.

Cụ thể, CEO Tesla đã thúc đẩy hai đồng sáng lập OpenAI là Greg Brockman và Sam Altman phải huy động được nhiều tiền hơn mức họ cảm thấy cần thiết để duy trì dự án.

Bộ đôi này muốn bắt đầu dự án AI bằng cách huy động 100 triệu USD từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Elon Musk cho rằng 1 tỷ USD mới là con số đủ để OpenAI cạnh tranh với các công ty lớn như Google hay Meta.

Trong đơn kiện nộp ngày 29/2, Musk cáo buộc Altman "phản bội" sứ mệnh ban đầu của OpenAI để theo đuổi lợi nhuận.

Tuy nhiên, các email nội bộ do OpenAI lại kể câu chuyện khác, khi từ năm 2017, Elon Musk hoàn toàn không có vấn đề gì với việc startup này hoạt động vì lợi nhuận, miễn là ông được quyền kiểm soát công ty.

Tham vọng thật sự của Elon Musk là nắm quyền kiểm soát hoàn toàn OpenAI. Ảnh: Shutterstock.

Tháng 2/2018, Elon Musk thậm chí còn đề xuất sáp nhập OpenAI với Tesla. Quan điểm của vị tỷ phú khi đó rất đơn giản: Tesla là con đường duy nhất để OpenAI có thể sánh ngang Google.

Mặc dù vậy, thực tế là khi đó Tesla đang rất cần một chiếc phao cứu sinh. Musk nhìn thấy rõ tiềm năng huy động vốn của OpenAI và thật trùng hợp, đó cũng chính là điều ông cần.

Một Elon Musk trong cơn tuyệt vọng

Đã từng có một Elon Musk ở trạng thái tuyệt vọng vào năm 2018. Khi đó, Tesla đang cận kề bờ vực sụp đổ. Hãng quyết định dồn hết vào Model 3, chiếc xe được cho là sự cứu rỗi của cả thương hiệu.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của Model 3 lại bị chậm trễ và phát sinh chi phí vượt ngân sách, buộc Elon Musk phải tìm mọi cách để xoay sở nguồn vốn.

OpenAI chính là lựa chọn tối ưu nhất của vị tỷ phú khi đó. Elon Musk đưa ra đề nghị OpenAI huy động 1 tỷ USD, hợp nhất với Tesla và bổ nhiệm ông làm Giám đốc điều hành.

Tiếp cận OpenAI là cách để Elon Musk cứu dự án xe điện Tesla Model 3. Ảnh: Financial Times.

"Elon muốn có phần lớn cổ phần, quyền kiểm soát hội đồng quản trị ban đầu và trở thành Giám đốc điều hành. Sau đó, ông ấy đề xuất sáp nhập OpenAI vào Tesla", bài đăng trên blog của OpenAI tiết lộ.

Bất chấp sự hỗn loạn của Model 3, Musk vẫn tiếp tục khẳng định mình là vị cứu tinh của OpenAI. Trong một email vào tháng 12/2018, CEO Tesla ngụ ý với Altman và các Giám đốc điều hành khác rằng nếu không có ông và Tesla, công việc của họ sẽ không bao giờ thành hiện thực.

"Đánh giá của tôi về việc OpenAI có khả năng cạnh tranh với DeepMind của Google mà không có sự thay đổi đáng kể về điều hành và phân bổ tài nguyên là 0%. Công ty cần hàng tỷ USD mỗi năm ngay lập tức hoặc quên nó đi", Elon Musk tuyên bố.

Rõ ràng là không ai có thể quên điều đó, đặc biệt là Musk. Trái ngược với lời tuyên bố của vị tỷ phú, sự bùng nổ của OpenAI kể từ khi ChatGPT ra mắt đã giúp startup nhỏ bé ngày nào vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực thú vị nhất của giới công nghệ hiện nay.

Trong khi đó, Tesla lại một lần nữa rơi vào sự yếu kém. Cổ phiếu của Tesla đã trải qua giai đoạn thăng hoa rực rỡ từ năm 2019, sau khi nhà máy Thượng Hải khai trương cho đến năm 2023.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng qua, Tesla đã tách biệt khỏi phần còn lại của tập đoàn, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hồi phục, còn thị trường xe điện của Mỹ lại đang phát triển rất chậm.

Mối quan hệ của cả 2 rạn nứt từ khi OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11/2022. Ảnh: Semafor.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng qua, Tesla đã tách biệt khỏi phần còn lại của tập đoàn trong bối cánh nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hồi phục, còn thị trường xe điện của Mỹ lại đang phát triển rất chạm.

Điều này đẩy nhà sản xuất xe điện vào cuộc chiến về giá với tỷ suất lợi nhuận ngày càng mỏng dần và doanh số bán hàng giảm. Bên cạnh đó, Musk vẫn phải trả khoản nợ kinh doanh cho dự án mạng xã hội X.

Sau tất cả, Musk đang quay trở lại với OpenAI, với hy vọng rằng cuộc "tấn công" mới nhất có thể giúp củng cố đế chế của mình.

Niềm tin của vị tỷ phú rằng một mình ông có thể sửa chữa bất cứ điều gì, kết hợp với mong muốn kiểm soát không ngừng, cuối cùng đã biến những người từng góp sức xây dựng OpenAI không còn có thể hợp tác.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/y-do-thuc-su-cua-elon-musk-voi-cha-de-chatgpt-post1464830.html