Xuyên đêm săn 'tàu ngầm'

Từ lâu, câu cá là một thú vui được nhiều người ở mọi lứa tuổi đam mê. Trong giới mê câu cá thì câu trắm đen mà dân câu thường gọi vui là săn 'tàu ngầm' là khó nhất.

Nhọc nhằn câu đêm

Là lao động tự do, anh Trần Văn Nam, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) có nhiều thời gian dành cho thú vui câu cá. Ban ngày bận rộn với công việc nên anh thường đi câu vào ban đêm. Trước đây, anh Nam cũng hay la cà ở các con sông, dòng suối để câu cá ngoài tự nhiên như cá lăng, chiên, nheo, chạch chấu, chép… Tuy nhiên, những năm gần đây, sông, suối bị người dân dùng kích điện đánh bắt nhiều, nên những loại cá này dần cạn kiệt, anh dần chuyển hướng sang câu ở hồ dịch vụ.

Anh Nam chia sẻ: Theo suy nghĩ của nhiều người thì câu dịch vụ mất tiền, nên việc được cá là khá dễ, thậm chí là những con cá to, ngon, nặng hàng chục kg. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm, bởi hồ câu dịch vụ thường rất rộng, nhiều người câu nên cá to thường ít cắn. Nếu thiếu kinh nghiệm và không kiên trì, việc câu thất bại là hoàn toàn có thể xảy ra với các cần thủ.

Mặc dù đi câu cá được coi là thú vui, thoải mái và không ảnh hưởng đến ai, nhưng những cần thủ đam mê, thậm chí được gọi là “nghiện” câu đêm như anh Nam thì lại khác, nhiều khi rất vất vả và mệt mỏi, thậm chí còn khiến bố mẹ, vợ con khó chịu. “Trước khi đi câu, tôi phải thu xếp xong công việc gia đình, chuẩn bị đồ nghề cẩn thận như ô che mưa, ghế ngồi, cần câu, lưỡi câu, cước, phao đèn… Tôi rất thích câu vào ban đêm, bởi khi đó quanh hồ có không gian yên tĩnh, cá đi ăn mồi nhiều. Tuy nhiên, đi câu ban đêm rất vất vả, nhất là những đêm mùa đông trời mưa rét, nhiều khi ngồi co ro căng mắt nhìn phao cũng thấy mệt. Nhưng trót “nghiện” câu đêm rồi, bỏ khó lắm” - anh Nam tâm sự.

Vào các dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, quanh các hồ câu trên địa bàn thành phố Lào Cai luôn có rất đông cần thủ. Ban ngày họ vừa câu vừa nói chuyện vui vẻ, nhưng khi màn đêm buông xuống, tất cả đều im lặng, hướng mắt về những phao điện đang sáng rực trên mặt hồ như những chiếc đèn hoa đăng.

Để được tham gia câu cá tại các hồ dịch vụ trên địa bàn thành phố Lào Cai, mỗi cần thủ thường phải bỏ ra 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng cho 1 ca câu 5 tiếng. Các cần thủ còn phải bỏ tiền mua mồi, đồ ăn đêm, nước uống… tính ra mỗi buổi đi câu ít nhất cũng mất khoảng 500 nghìn đồng. Bỏ ra một số tiền khá lớn, lại phải thức đêm, nên mục tiêu nhắm đến của các cần thủ thường là những con trắm đen có trọng lượng trên dưới chục kg.

Kỹ năng săn “tàu ngầm”

Để có thể “săn” được những con cá trắm đen trên dưới 10 kg, các cần thủ phải trang bị cho mình bộ đồ nghề hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, ít thì dăm ba triệu đồng, nhiều thì hàng chục triệu đồng. Anh Nguyễn Thế Anh, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai), người có gần 3 năm theo nghề săn “tàu ngầm” bật mí: Để săn được những con trắm đen to, tôi phải đầu tư hơn chục triệu đồng mua đồ nghề!

Chỉ cần nhìn bộ lưỡi câu của anh Thế Anh đã thấy rất chuyên nghiệp. Anh Thế Anh cho biết: Cá trắm đen rất khỏe, khi bị mắc câu, với bản năng sinh tồn, chúng vùng vẫy rất mạnh, nếu không có bộ đồ nghề “xịn” thì việc để trượt cá là hoàn toàn bình thường.

Thông thường, cần thủ thích săn “tàu ngầm” bằng hình thức câu lục (một kiểu câu có thể dùng loại 3 lưỡi, 4 lưỡi, 5 lưỡi, thậm chí 8 lưỡi, nhưng phổ biến nhất là 6 lưỡi nên kỹ thuật này mới có tên là câu lục). Không như cách câu truyền thống là mắc mồi vào lưỡi thả câu chờ cá cắn, câu lục có sự khác biệt, nhất là đi câu trắm đen. Mỗi lần đi câu, cần thủ phải chuẩn bị rất kỹ từ cần, lưỡi câu, đến mồi câu. Mồi câu được làm rất cầu kỳ gồm trứng gà, thóc mầm, ngô nghiền, ngô mầm… tất cả được nghiền nhuyễn rồi đem trộn đều với ốc ao nguyên con làm “mồi dụ”. Mỗi lần câu, cần thủ phải thả từ 7 - 10 kg mồi vào ổ, sau đó thả lưỡi câu vào ổ và chờ. Khi cá đến ăn mồi sẽ cọ vào cước làm phao chìm, cần thủ sẽ nhanh tay giật để lưỡi câu găm vào thân con cá. Việc dong cá lên bờ cũng phải có kỹ năng, nhiều cần thủ đã để cá thoát khi nhấc cần câu lên chỉ được cái… vảy trong tiếng xuýt xoa tiếc nuối.

“Khi đóng lưỡi câu vào cá, trước tiên phải nhanh tay thả cước, thời gian này dưới 1 giây, nếu chậm hơn nguy cơ mất cá càng cao. Sau đó giữ cước câu để cho cá vùng vẫy đến khi mệt, ngửa bụng thì nhẹ nhàng kéo vào bờ. Được cá thì cần thủ vui, nhưng chủ hồ lại buồn. Vì thế, khi đi câu nên tự làm mồi, hoặc mua mồi ở ngoài, không nên mua mồi của chủ hồ, cá rất ít ăn” - anh Thế Anh “bật mí” thêm.

Với những dân câu chuyên nghiệp như anh Nam, anh Thế Anh thì việc bị “móm” rất ít khi xảy ra. Trước khi câu, anh Nam và anh Thế Anh đi một vòng quanh hồ, nếu thấy có nhiều tăm nổi lên là hôm đó cá đi ăn mạnh, buông cần sẽ thắng lớn. Có những hôm thời tiết đẹp và may mắn, mỗi ca câu cần thủ chuyên nghiệp như anh Nam, anh Thế Anh bắt được 3 - 4 con trắm đen, trọng lượng từ 7 - 13 kg/con. Vì thế, khi thấy các cần thủ chuyên nghiệp khoác đồ đến câu, các chủ hồ thường không vui mà lắc đầu ngao ngán. Câu được lượng cá lớn, các cần thủ thường bán lại cho chủ hồ hoặc những người quen đặt trước để lấy tiền bù cho chi phí bỏ ra…

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cần thủ, với đủ thành phần từ nông dân, công nhân đến cán bộ, công chức, viên chức, nhưng chỉ một phần nhỏ đam mê săn cá trắm đen, phần còn lại là câu cho vui, được cá nào cũng tốt, không được cũng chẳng sao.

Dù nắng hay mưa, mỗi ngày vẫn có hàng chục cần thủ miệt mài ôm cần bên hồ câu, bởi với họ cái được lớn nhất không phải là những con cá, mà là được hòa mình với thiên nhiên, quên đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362140-xuyen-dem-san-tau-ngam