Xứng tầm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (DTLSQGĐB) Đền Hùng thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương...

Cổng chính vào Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

(baophutho.vn) - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (DTLSQGĐB) Đền Hùng thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng”, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Gìn giữ, lan tỏa, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện ý chí mạnh mẽ bảo tồn truyền thống cố kết cộng đồng quý báu, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư tôn tạo, xây dựng Đền Hùng xứng tầm là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đền Hùng ngày càng được đông đảo đồng bào và du khách hành hương về thăm viếng, thắp hương tri ân công đức tổ tiên và đóng góp tu bổ, tôn tạo để không gian cảnh quan di tích thêm trang nghiêm, khang trang. Trở về Đền Hùng hôm nay, đồng bào sẽ cảm nhận được diện mạo đổi thay của quần thể di tích, xứng đáng là “công viên lịch sử” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Đền Hùng năm 1962.

Cầu đi bộ Mai An Tiêm được khánh thành và đưa vào sử dụng, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở khu di tích.
Thực hiện Dự án quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 552-QĐ/TTg, ngày 21 tháng 4 năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 và Quyết định số 2260-QĐ/TTg, ngày 31 tháng 12 năm 2021 về phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025; Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng được quy hoạch thành hai khu vực. Khu vực I bao gồm các đền, chùa, tháp, Lăng Vua Hùng trên núi Nghĩa lĩnh và toàn bộ khu rừng nguyên sinh với diện tích 32ha được bổ sung tôn tạo. Khu vực II là vùng bảo vệ cảnh quan được bố trí các công trình phục vụ lễ hội. Trong những năm gần đây, nhiều hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới khang trang, bề thế đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào hành hương về lễ Tổ. Các nhóm dự án đã và đang được triển khai đầu tư như: Nhóm dự án các công trình du lịch dịch vụ; nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật; nhóm dự án phát triển kinh tế các xã vùng ven. Trong đó, để xây dựng Đền Hùng ngày một quy mô, bề thế, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân khi về thăm viếng tổ tiên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan Trung tâm lễ hội; dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu Di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016-2020; nhiều hạng công trình đã đầu tư tôn tạo như: Cải tạo Bảo tàng Hùng Vương và cảnh quan đồi Công Quán để thực hiện việc lưu giữ, trưng bày các tư liệu hiện vật về thời đại Hùng Vương và môi trường phục vụ khách tham quan; cảnh quan khu vực Ngã 5 Đền Giếng và cầu đi bộ Mai An Tiêm; mở rộng bãi đỗ xe Trung tâm lễ hội và hạ tầng cảnh quan đường trục hành lễ; cải tạo, mở rộng tuyến đường chân đồi Công Quán, tuyến đường chân đồi Phân Bùng, cải tạo Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Hùng Vương thành điểm dịch vụ và lưu niệm phục vụ lễ hội, du lịch… Xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan không gian Khu Di tích lịch sử Đền Hùng theo quy hoạch, kết nối hài hòa với không gian cảnh quan chung nhằm tạo không gian Trung tâm lễ hội đa diện phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội.
Trong thời gian tới, các công trình như: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và phát triển rừng Quốc gia Đền Hùng; tôn tạo, chỉnh trang khu vực Ao Sen trước Đền Giếng; lắp đặt hệ thống chiếu sáng xung quanh Hồ Mai An Tiêm; tu bổ tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với đại đoàn quân tiên phong”; xây dựng, cải tạo bổ sung, tôn tạo một số hạng mục kiến trúc, công trình phụ trợ khu vực núi Nghĩa Lĩnh; cải tạo cảnh quan khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh đã và đang được tiếp tục đầu tư triển khai thực hiện. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ các phân khu chức năng trong Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 sẽ thu hút đầu tư liên doanh, liên kết xây dưng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát huy giá trị Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng.Cùng với việc đầu tư tu bổ tôn tạo các công trình kiến trúc, công tác giữ gìn hệ sinh thái, môi trường được đặc biệt quan tâm. Về Đền Hùng, đồng bào và du khách sẽ hưởng thụ không gian cảnh quan xanh mát như công viên với hệ thống cây rừng, các loại cây bản địa, hoa, cây cảnh phong phú, đặc sắc. Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với những thay đổi diện mạo mới như hiện nay, sẽ xứng đáng là một Khu du lịch Quốc gia hấp dẫn, là điểm đến đặc sắc không thể thiếu trong hành trình du lịch về nguồn của thành phố lễ hội - cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Lê Trường Giang - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/den-hung/202204/xung-tam-di-tich-lich-su-quoc-gia-dac-biet-183567