Xung quanh việc tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia, dịch COVID- 19 chưa thể chấm dứt trước năm 2023, vì vậy với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Về chiến lược chống dịch, Việt Nam vẫn thực hiện theo tinh thần Nghi quyết 128 của Chính phủ là 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19'. Trong đó, tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12- 18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 18 tuổi của Ninh Bình đạt trên 93,1%.

Thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và cả nước, đặc biệt khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, trong đó tỷ lệ trẻ em chưa tiêm chủng mắc bệnh tăng nhanh và nhiều đòi hỏi phải có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả. Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đang được tổ chức lấy ý kiến từ cha mẹ có con trong độ tuổi và ý kiến của người dân.

Chị Trần Thị Bích Hà, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) nêu quan điểm, tôi lo ngại về tình hình dịch bệnh luôn có những diễn biến bất ngờ và nguy hiểm, nên để an toàn cho sức khỏe của con, tôi đồng ý cho con tiêm phòng. Quan điểm của tôi, tôi tin Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn cũng như các ngành hữu quan có trách nhiệm đều đã tham khảo, căn cứ vào các nghiên cứu khoa học để quyết định vấn đề này, nên tất nhiên là phải đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho trẻ em.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến còn băn khoăn, chị Phạm Thị Thu, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) khi được hỏi về việc nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho con đang học Tiểu học hay không. Chị cho rằng, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và một vài người bạn có con đã mắc bệnh thì thấy, trẻ em nếu mắc bệnh thường nhẹ và không có triệu chứng, chỉ sau thời gian ngắn là khỏi bệnh, thậm chí không cần phải uống thuốc, do đó theo tôi chưa cần thiết phải tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo báo cáo của Bộ Y tế thống kê thực tế điều trị trẻ em mắc COVID-19 thời gian qua trong cả nước cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chuyển biến nặng và tử vong rất thấp. Cụ thể là, tỷ lệ trẻ dưới 17 tuổi mắc COVID-19 tử vong chỉ chiếm 0,34% trong tổng số F0 tử vong ở nước ta.

Mặc dù đa số trẻ nhiễm bệnh có triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, tỷ lệ tử vong thấp nhưng trẻ nhiễm bệnh vẫn là nguồn lây lan vi rút SARS-COV-2, và sẽ nguy hiểm nếu lây cho đối tượng nguy cơ cao như: người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai… nên việc tiêm phòng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là cần thiết.

Theo các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương và một số bệnh viện tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội.., thực tế qua quá trình khám hậu COVID-19 ở trẻ, các bác sĩ phát hiện tình trạng trẻ khi là F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ, nhưng sau khi khỏi bệnh, một số lại gặp các biểu hiện như: đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, tiêu chảy, đau khớp… Một số lại bị ảnh hưởng hoạt động thể lực, thể chất suy giảm, ho kéo dài, hồi hộp… Đáng nói, có những trẻ khi đang là F0 dương tính, đều ở thể nhẹ, nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, trẻ vào viện với nhiều triệu chứng hậu COVID-19, xét nghiệm cho thấy mắc bệnh ở tình trạng nặng mà người nhà không hề biết. Khi chụp chiếu, xét nghiệm, phát hiện tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim...

Do đó, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng bảo vệ trẻ em trước vi rút SARS-CoV-2. Hiện nay, cả nước có trên 95% học sinh 12-18 tuổi được tiêm mũi 1 và 88,5% tiêm 2 mũi. Đối với tỉnh Ninh Bình, tỷ lệ tiêm cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12-18 tuổi, mũi 1 đạt 98,88% và mũi 2 đạt 93,15%. Hiện Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Đến nay, có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các đánh giá đều cho thấy, vắc xin an toàn và không làm tăng các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở nhóm tuổi này. Bộ Y tế cũng đã tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và kinh nghiệm từ các nước.

Đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và có hơn 37 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có kế hoạch và triển khai (có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ trong nhóm tuổi này, có quốc gia chỉ tiêm cho những trẻ nguy cơ cao).

Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trước đó, Chính phủ quyết định đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Lô vắc xin này phải đáp ứng các điều kiện như Nghị quyết số 09 ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin không bắt buộc, nhưng ngành Y tế khuyến khích tất cả người dân đủ điều kiện nên thực hiện tiêm chủng. Bởi cùng với các biện pháp phòng chống dịch, việc tiêm phòng COVID-19 đủ các mũi vắc xin chính là yếu tố quyết định đến việc kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất và hiệu quả.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xung-quanh-viec-tiem-phong-cho-tre-tu-5-den-duoi-12-tuoi/d20220215202047488.htm