Xung đột ở Trung Đông gây hiệu ứng mạnh trên các thị trường

Các nhà kinh tế và chiến lược gia thị trường đang tập trung theo dõi tác động có thể lan rộng từ cuộc xung đột ở Trung Đông khi xung đột có khả năng đẩy giá dầu tiếp tục tăng và khiến dòng vốn đầu tư chảy nhiều hơn vào các loại tài sản trú ẩn an toàn.

Cơ sở lọc dầu El Segundo của Công ty Chevron tại El Segundo, California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Israel, ngày 14/10, thông báo đang chuẩn bị các bước tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Dải Gaza, đồng thời lần thứ hai đưa ra cảnh báo sơ tán với người dân Palestine sinh sống tại đây.

Chuyên gia Ben Cahill, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định một cuộc xung đột quy mô lớn vào Dải Gaza có thể xảy ra, gây thiệt hại nhân rộng cho khu vực. Nguy cơ xung đột càng cao thì các thị trường sẽ càng phản ứng mạnh mẽ hơn.

Trong tuần qua, những lo ngại về xung đột ở Trung Đông đã ảnh hưởng đến giá trị của nhiều loại tài sản, đẩy các thị trường chứng khoán chìm trong “sắc đỏ". Vàng - tài sản trú ẩn an toàn - đã chứng kiến giá tăng vọt, hơn 3% chỉ trong một phiên 13/10 và USD - đồng tiền thanh toán phổ biến nhất thế giới - đã chạm ngưỡng cao nhất trong một tuần.

Dầu mỏ - loại hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp nhất với những biến động đang diễn ra ở Trung Đông - đã tăng gần 6% trong ngày 13/10, sau khi các nhà đầu tư đánh giá xung đột Israel - Hamas có thể leo thang và lan rộng sang các quốc gia khai thác dầu mỏ lớn trong khu vực.

Chuyên gia Michael Englund, nhà kinh tế trưởng tại công ty Action Economics ở Boulder thuộc bang Colorado (Mỹ), đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, giá dầu sẽ tiếp tục tăng.

Tương tự, chuyên gia Bernard Baumohl, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại The Economic Outlook Group ở Princeton thuộc bang New Jersey (Mỹ), nói xung đột ngày càng mở rộng cũng có thể gây ra lạm phát và do đó, lãi suất trên toàn cầu sẽ tăng tốc.

Tuy nhiên, ông Baumohl tin rằng, trong trường hợp xấu nhất, khi lạm phát và lãi suất ở các quốc gia khác sẽ tăng, thì Mỹ vẫn có thể là một ngoại lệ, do các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vốn vào thị trường mà họ cho là nơi trú ẩn an toàn vào lúc xung đột xảy ra trên toàn cầu. Chuyên gia của The Economic Outlook Group thậm chí cho rằng lãi suất có thể giảm nhờ kỳ vọng đồng USD mạnh lên.

Bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Trung Đông, nhà sản xuất năng lượng khổng lồ Chevron (Mỹ) mới đây đã tuyên bố dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua đường ống dẫn khí ngầm nối Israel và Ai Cập. Động thái này có thể đẩy giá khí đốt tăng cao, cùng với giá dầu. Chuyên gia Cahill của CSIS nhận định rủi ro lớn hơn đối với thị trường dầu mỏ là cuộc xung đột ở Trung Đông đang kéo theo các nước láng giềng bên ngoài Israel.

Tại Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở Marrakesh, Morocco từ ngày 9 -15/10, các bộ trưởng tài chính và giới quan chức đã cảnh báo cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông có thể gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu, ngay khi thế giới vừa thoát khỏi những cú sốc do đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine gây ra.

Điều này không chỉ có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư mà còn tạo ra một làn sóng lạm phát nữa cho các nền kinh tế mới chỉ bắt đầu phục hồi sau một loạt cú sốc giá cả.

IMF tin rằng giá dầu sẽ tăng 10%, nhiều khả năng sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu khoảng 0,4 điểm phần trăm. Bà Gita Gopinath, Phó tổng giám đốc IMF, cho biết nợ toàn cầu đang ở ngưỡng kỷ lục và thế giới chìm trong môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Ông Paschal Donohoe, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurogroup), chia sẻ câu hỏi kinh tế lớn hiện nay là liệu xung đột ở Trung Đông tác động như thế nào đến triển vọng lạm phát và làm thế nào để có thể giảm áp lực giá cả vào năm 2024. Tuy nhiên, ông Donohoe tin rằng kinh tế Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn dự báo trước đó.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà vẫn kiên trì với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”. Bà nói thêm Mỹ đang giám sát tác động kinh tế tiềm tàng của cuộc xung đột đang leo thang tại Israel, nhưng không cho rằng đây có thể là yếu tố chính ảnh hưởng tới triển vọng toàn cầu.

Diệu Linh/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/xung-dot-o-trung-dong-gay-hieu-ung-manh-tren-cac-thi-truong-20231016064950891.htm