Xung đột Nga - Ukraine: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói 'cánh cửa hòa bình nên được mở ra', Kiev tiếp tục pháo kích vùng Belgorod

Ngày 5/1, THX đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Ankara sẵn sàng đứng ra làm trung gian và chủ trì tiến trình đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Binh sĩ thuộc lữ đoàn pháo binh riêng biệt số 45 của Ukraine bắn pháo tự hành Archer do Thụy Điển sản xuất vào các vị trí của lực lượng Nga ở khu vực Donetsk, ngày 16/12/2023. (Nguồn: Reuters)

Theo Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đưa ra phát biểu trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ “lệnh ngừng bắn ở Ukraine nên được thiết lập càng sớm càng tốt và cánh cửa hòa bình nên được mở ra”.

Cho rằng, cần phải tái cơ cấu và mở lại hành lang ngũ cốc, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy hướng đến mục đích này thông qua kênh ngoại giao.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas.

Trong diễn biến khác, cùng ngày 5/1, trên kênh Telegram, Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho hay, quân đội Ukraine đã pháo kích thành phố Shebekino thuộc tỉnh Belgorod, khiến 1 người bị thương.

Cũng theo Thống đốc Gladkov, thiệt hại được ghi nhận trong khu vực của 3 doanh nghiệp công nghiệp. Lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường, không có vụ hỏa hoạn nào xảy ra.

Trước đó, ngày 29/12/2023, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã tấn công khu vực Belgorod bằng 3 tên lửa HARM do Mỹ sản xuất.

Liên quan xung đột, cũng trong ngày 5/1, Bộ Quốc phòng Bỉ xác nhận, trong tháng 3 tới sẽ gửi 2 máy bay tiêm kích F-16B phiên bản 2 chỗ ngồi đến Đan Mạch và khoảng 50 nhân viên phụ trách công tác đào tạo sử dụng loại chiến đấu cơ này cho phía Ukraine.

Máy bay và đội ngũ nhân sự của Bỉ sẽ ở lại Đan Mạch cho đến tháng 9/2024 để huấn luyện các phi công quốc gia Đông Âu.

Nhiệm vụ huấn luyện nêu trên là một phần của “Liên minh F-16”, quy tụ 13 quốc gia, trong đó có Bỉ, dưới sự lãnh đạo của Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ, với mục đích cung cấp cho Không quân Ukraine những chiếc tiêm kích F-16 A/B được chế tạo vào những năm 1980 và 1990, đồng thời đào tạo các phi công sử dụng loại chiến đấu cơ này.

Chương trình đào tạo phi công cho Kiev được triển khai ở Romania, Đan Mạch, Mỹ và Anh, trong đó, 6 phi công có kinh nghiệm đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản.

Trước đó, Na Uy xác nhận đã gửi 2 chiếc F-16 tới Căn cứ không quân Skrydstrup nằm ở miền Nam Đan Mạch để đào tạo các phi công Ukraine. Tại Trung tâm huấn luyện F-16 châu Âu (EFTC) ở Romania, 5 chiếc F-16 của Hà Lan đã được triển khai từ hồi tháng 11/2023.

Về phần mình, Copenhagen đã cam kết cung cấp 19 tiêm kích F-16 cho Kiev, theo từng giai đoạn và tùy thuộc vào quá trình đưa mẫu chiến đấu cơ tàng hình F-35 hiện đại hơn vào sử dụng. Hà Lan cũng cam kết chuyển giao 18 chiếc F-16 cho Ukraine.

Trong khi đó, Na Uy, quốc gia đã ngừng sử dụng những chiếc tiêm kích F-16 sau khi thay thế bằng phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35, cũng hứa hẹn sẽ cung cấp cho Ukraine một số máy bay F-16.

Không quân Bỉ đang vận hành 43 tiêm kích F-16A/B. Chính phủ nước này đã đưa ra quyết định về nguyên tắc sẽ cung cấp F-16 cho Ukraine từ năm 2025. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ thuộc về chính phủ đương nhiệm tại thời điểm đó, sau khi diễn ra những cuộc bầu cử.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-tong-thong-tho-nhi-ky-noi-canh-cua-hoa-binh-nen-duoc-mo-ra-kiev-tiep-tuc-phao-kich-vung-belgorod-256387.html