Xung đột Nga-Ukraine: Nạn nhân đầu tiên của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây

Trong 'chảo lửa' Nga-Ukraine và những lệnh trừng phạt, trả đũa qua lại giữa Nga với phương Tây, Công ty Nord Stream 2 trở thành nạn nhân đầu tiên - doanh nghiệp thuộc 'gã khổng lồ' Gazprom của Nga vừa phải nộp đơn xin phá sản. Điều đáng nói là các công ty khác của Nga có thể cũng sẽ phải làm điều tương tự.

Xung đột Nga-Ukraine: Nạn nhân đầu tiên của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên, 106 người mất việc trong chốc lát. (Nguồn: Getty Images)

Biểu tượng rạn nứt

“Sau những diễn biến địa chính trị gần đây dẫn đến việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), Công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về điều này”. Đó là vài dòng thư điện tử ngắn gọn nhưng đủ để “chôn vùi” một câu chuyện kéo dài đã hơn 10 năm, biểu tượng của sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Nga và phương Tây.

“Đã không có cuộc tham vấn nào, 106 người mất việc trong chốc lát”, Silvia Thalmann-Gut, Bộ trưởng Kinh tế bang Zug ở miền Trung Thụy Sỹ, đã phát biểu trên kênh truyền hình SF vào ngày 1/3 vừa qua.

Nói tóm lại, Nord Stream 2 đang trong tình trạng phá sản.

Bị đình chỉ hoạt động từ ngày 22/2 theo quyết định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và bị chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa vào danh sách trừng phạt một ngày sau đó, Nord Stream 2 là nạn nhân đầu tiên của vòng vây cô lập đối với kinh tế Nga mà các nước phương Tây bắt đầu siết lại.

Hoàn thành vào tháng 12/2021, đường ống dẫn khí đốt ngầm dưới nước dài 1.230 km chạy qua biển Baltic có tên Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất so với đường ống đầu tiên được đưa vào hoạt động 10 năm trước.

Tuy nhiên theo những gì đang diễn ra, Nord Stream 2 sẽ không còn cơ hội cung cấp thêm khí đốt Nga cho các hộ gia đình và đặc biệt là cho các ngành công nghiệp Đức, cũng như châu Âu, mà đường ống này đã được thiết kế như một ưu tiên.

Dự án trị giá 11 tỷ USD này là tài sản của Tập đoàn khí đốt Gazprom, một “cánh tay đắc lực” trong chính sách năng lượng của Điện Kremlin. Các đối tác châu Âu liên kết với gã khổng lồ Gazprom đều gồm những tên tuổi lớn như Wintershall và Uniper của Đức, ÖMV của Áo, Dutch Shell của Anh và Engie của Pháp.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU), nhận thức được sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, vẫn chưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt đối với các tập đoàn năng lượng có liên hệ với Điện Kremlin, thì chính phủ Mỹ đã không cần chờ đợi thêm để thể hiện sự đối kháng đối với dự án vốn dĩ sẽ càng làm tăng thêm sự phụ thuộc của châu Âu vào dòng khí đốt Nga này.

Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia tăng áp lực buộc Đức phải làm chậm lại hoặc từ bỏ dự án. Và khi các mặt trận trở nên gay gắt hơn trước những căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đường ống này đã trở thành biểu tượng của cuộc đối đầu mới.

Nord Stream 2 không phải nạn nhân cuối cùng

Theo phân tích của một chuyên gia châu Âu về lĩnh vực này, việc loại bỏ hoàn toàn dự án không phải là tin xấu đối với Mỹ, bởi “nước này đủ sức thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình sang châu Âu”.

Nord Stream 2 là công ty vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, được điều hành bởi Matthias Warnig, một cựu điệp viên Stasi (Đức), đồng thời là bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Warnig hiện làm Chủ tịch một công ty con khác của Gazprom và còn có ghế trong Hội đồng quản trị của cả hai tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga là Transneft và Rosneft và thậm chí là cả ngân hàng VTB.

Mặc dù vậy, sự phá sản của Nord Stream 2 không đánh dấu sự kết thúc của dòng chảy khí đốt giữa Nga và châu Âu. Khi mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt nào, các hoạt động kinh doanh này vẫn tiếp diễn.

Xuất khẩu thông qua ba đường ống dẫn khí đốt lớn khác của Nga là Nord Stream 1, Druzhba (qua Ukraine và Slovakia) và Yamal-Europe (qua Ba Lan) thậm chí còn gia tăng ngay cả khi bắt đầu xuất hiện những hành động quân sự.

Đây cũng sẽ không phải là đòn kinh tế ngay lập tức đối với Nga, mà điều có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc hủy bỏ dự án này là Đức cuối cùng đã ra tín hiệu sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế và chính trị đáng kể.

Nguy hiểm hơn nữa là điều này diễn ra trong trạng thái chờ chính sách trừng phạt chuyển sang mặt trận dầu mỏ và khí đốt của Nga. Theo các nhà buôn bán ở Geneva, nhiều công ty Nga đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc đưa các lô hàng dầu thô của họ ra thị trường trong những ngày gần đây. Trong số 8 triệu thùng dầu được Nga xuất khẩu mỗi ngày, có khoảng 2 triệu thùng không còn tìm được người mua. Con số này hoàn toàn có thể tăng gấp đôi và hơn nữa trong những tuần tới.

Xem xét vấn đề ở một mặt khác, Nga có sức mạnh độc quyền, nhưng với tư cách là một khách hàng lớn, châu Âu cũng có một số quyền lực độc quyền để cân bằng lại. Tất nhiên, cái giá phải trả để Tây Âu thực sự chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sẽ rất cao, gồm việc phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt tiền từ nơi khác, một điểm mà Tổng thống Putin đã nắm rất rõ. Thật khó để đưa ra các biện pháp trừng phạt hiệu quả đối với một quốc gia đã sẵn sàng để người dân nước mình phải chịu thiệt hại thay vì tự gánh chịu thiệt hại đó.

Tại thành phố Zoug, Thụy Sỹ, nơi tập trung rất nhiều công ty kinh doanh các mặt hàng nguyên liệu nhờ chính sách thuế doanh nghiệp dễ thở, trong đó có khoảng 30 công ty của Nga, tác động của các lệnh trừng phạt chống Nga rất có thể sẽ gây hiệu ứng domino.

“Tôi cho rằng, về nguyên tắc, sẽ rất nhanh thôi, các công ty khác của Nga sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính”, Silvia Thalmann-Gut, Thống đốc bang Zoug dự đoán.

(theo Le Monde, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-nan-nhan-dau-tien-cua-cac-lenh-trung-phat-kinh-te-tu-phuong-tay-175769.html