Xung đột Mỹ-Houthi làm sáng tỏ nhiều điều!

Xung đột Mỹ-Houthi không chỉ tác động tích cực đến giá dầu thô, giá xe hơi thế giới, mà còn làm sáng tỏ cả những vấn đề về địa-chính trị toàn cầu.

Bình luận về các cuộc không kích của Mỹ vào Yemen, tờ tạp chí Anh Financial Times (FT) đã nhận xét rằng, không chỉ “giao chiến bằng lời nói”, Hoa Kỳ và các đồng minh đã ra đòn đánh thực tế bằng các cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu của lực lượng phiến quân Houthi.

Thế giới vốn đã đi vào ngõ cụt dường như tìm thấy động lực mới cho hoạt động trong bối cảnh “cuộc đối đầu vô nghĩa ở Biển Đỏ”.

Tại thời điểm này, người ta biết khá chắc chắn rằng cả cuộc tấn công lần đầu tiên và lần thứ hai đều không mang lại kết quả đáng kể nào cho các bên trong cuộc xung đột ở Biển Đỏ, nhưng cuộc khủng hoảng xung quanh eo biển Bab el-Mandeb đã mang đến “những lợi ích bất ngờ” cho thị trường dầu mỏ thế giới.

Tạo động lực cho giá dầu thế giới

Financial Times cho biết, trong mấy ngày qua, thị trường dầu mỏ toàn cầu “đang bị kích động”, giá dầu thô đã vượt quá 80 USD/thùng, điều mà rất lâu rồi nó chưa đạt tới.

Giá dầu có thể đạt đến con số như trên, mặc dù trước đó các chỉ số của nó không thể thay đổi ngay cả nhờ những nỗ lực to lớn của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và đối tác ngoài khối).

Tuy nhiên, không chỉ các nước xuất khẩu của OPEC và đối tác của hiệp hội này được hưởng lợi từ việc tăng giá nguyên liệu thô, mà chính các nhà cung cấp dầu đá phiến của Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ việc tăng giá mặt hàng xuất khẩu chính của mình.

Các nhà phân tích thị trường năng lượng thậm chí còn cảnh báo rằng, giá dầu vẫn có thể tiếp tục tăng trong tương lai, do nguy cơ tiềm tàng từ sự leo thang xung đột, gây ra sự gián đoạn hơn nữa đối với chuỗi cung ứng trên thị trường dầu mỏ thế giới, vốn có liên quan chặt chẽ đến eo biển Bab el-Mandeb bên bờ biển Yemen và eo biển Hormuz nằm ngoài khơi Iran.

Ngoài ra, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng phụ tùng công nghiệp từ các quốc gia châu Á sang, đã cho phép các nhà sản xuất thiết bị và ô tô chủ chốt của châu Âu tuyên bố thiếu hụt vật tư, linh kiện và tất nhiên làm tăng giá thành sản phẩm cuối cùng, cao hơn mức hoàn cảnh yêu cầu.

Nói cách khác, những người phụ trách chuyên mục của tờ báo Anh Financial Times gần như công khai ám chỉ rằng, nhìn chung, hoạt động phô trương của Mỹ và Houthi ở Biển Đỏ, vốn không có kết quả thực tế nào đối với xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza, nhưng trên thực tế lại rất có lợi cho nhiều quốc gia và công ty trên khắp thế giới.

Lộ rõ một phần bức tranh địa-chính trị

Ngoài ra, điều trớ trêu là các cuộc tấn công của Houthi đã khiến họ có lẽ trở thành những nhà đưa tin hữu ích nhất thế giới, biến các hoạt động phá hoại thành hoạt động sinh lợi nhiều nhất trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn làm sáng tỏ cả bức tranh địa-chính trị.

Về mặt địa-chính trị, người ta đã thấy nhiều quốc gia, gồm cả đồng minh, đối tác và cả đối thủ của Mỹ, cả trong và ngoài khu vực Trung Đông-châu Phi, đã đưa ra các sáng kiến, cả hòa bình và không hòa bình, thể hiện rõ nét tham vọng và cả tầm nhìn của các nước đó trong bản đồ chính trị thế giới.

Việc Houthi tấn công tàu thương mại trên Biển Đỏ và Mỹ khởi xướng thành lập “Liên minh bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đỏ” (với tên gọi là “Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng - OPG), cũng cho Mỹ thấy được một vấn đề đáng chú ý trong các mối quan hệ đồng minh, đối tác của mình.

Mỹ một lần nữa tập hợp liên minh để nỗ lực khẳng định vị thế bá quyền của mình và như thường lệ, Anh đã nhanh chóng hưởng ứng, nhưng các nền quân chủ Trung Đông vốn là đồng minh thân cận của Mỹ như Saudi Arabia hay UAE, vốn đang củng cố và đang trải qua thời kỳ phát triển vị thế của mình, đã đã không mấy mặn mà đối với sáng kiến của Washington.

Ngoài ra, một số đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, không tham gia liên minh này, số khác thì tham gia chiếu lệ dưới dạng cử quan sát viên, hoặc có cử tàu đến Biển Đỏ nhưng lại từ chối đặt dưới sự chỉ huy của Mỹ trong Đơn vị chuyên trách số 153 - lực lượng quân sự của OPG.

Các cuộc tấn công lẫn nhau của Mỹ và Houthi cũng tạo ra căng thẳng ở bên ngoài, làm xao lãng các vấn đề nội bộ cấp bách của các nước, giúp cho các chính trị gia tránh được những chỉ trích vì các vấn đề trong nước và có cớ để đổ lỗi ra bên ngoài nếu một chính sách nào đó của họ thất bại

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xung-dot-my-houthi-lam-sang-to-nhieu-dieu-post668734.html