Xung đột Israel-Hamas sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá dầu?

Khi thị trường mở cửa trở lại sau giao tranh bất ngờ bùng nổ ở Israel, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu xung đột sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá dầu. Người ta vẫn chưa quên, đúng 50 năm trước, thế giới Ảrập và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ sau cuộc chiến Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Hệ thống phòng thủ Mái vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza. Ảnh: ABC News

Giá dầu giảm nhẹ đầu ngày 10.10

Giá dầu giảm nhẹ vào đầu ngày 10.10 sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước khi thị trường lo ngại khả năng gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, Reuters đưa tin.

Cả 2 mức giá chuẩn này đã chốt phiên hôm 9.10 với mức tăng hơn 3,50 USD, tương đương 4,2-4,3%, do tin tức về cuộc xung đột sau khi lao dốc trong giao dịch đầy biến động vào tuần trước đó.

Mức giảm nhẹ vào đầu ngày 10.10 có thể là nhờ điều chỉnh kỹ thuật, tờ Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia cho biết. Tuy nhiên, giá dầu vẫn có thể sẽ được tiếp đà tăng bởi căng thẳng đang tiếp diễn gay gắt ở Dải Gaza và nguy cơ xung đột leo thang ra khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.

Ít có tác động ngắn hạn

Các nhà giao dịch dầu thô không kỳ vọng giá hàng hóa này sẽ tăng mạnh vì không có mối đe dọa ngay lập tức về nguồn cung. Nhưng mọi con mắt đều đổ dồn vào Iran, một nhà sản xuất dầu lớn và là nước ủng hộ Hamas – lực lượng đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel vào cuối tuần qua.

Nếu cuộc xung đột lan rộng ra toàn khu vực, với nguy cơ một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran, sẽ làm dấy lên lo ngại về eo biển Hormuz, tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng mà trước đây Tehran đã đe dọa đóng cửa. Ngoài ra còn có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn dòng xuất khẩu dầu đang trỗi dậy của Iran.

“Kịch bản gián đoạn dầu mỏ sẽ xảy ra nếu xung đột lan sang Iran. Nhưng hiện tại, điều đó có vẻ khó xảy ra”, ông Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan và cựu quan chức Nhà Trắng, cho biết.

Ảnh hưởng trong dài hạn

Tuy nhiên, mối đe dọa đang treo lơ lửng khi nguồn cung dầu thô toàn cầu cạn kiệt sau nhiều tháng Ảrập Xêút và Nga bắt tay nhau cắt giảm sâu sản lượng, nhanh chóng đẩy giá dầu Brent kỳ hạn lên gần 100 USD/thùng vào tháng trước.

Trong khi đó, cuộc xung đột mới nhất giữa Israel-Hamas cũng có thể làm chệch hướng những nỗ lực của Mỹ trong việc làm trung gian hòa giải giữa Ảrập Xêút và Israel cũng như bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào liên quan vào năm tới như một phần của thỏa thuận, theo Reuters.

Tình trạng hỗn loạn còn có thể khiến Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran, các nhà phân tích nhận định.

“Nó khó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn”, nhà giao dịch quỹ phòng hộ Pierre Andurand, người sáng lập Andurand Capital Management LLP, cho biết. “Nhưng cuối cùng nó có thể có tác động đến nguồn cung và giá cả”.

Giao tranh dữ dội giữa Hamas và Israel bùng phát đúng 50 năm sau lệnh cấm vận dầu mỏ của thế giới Ảrập. Vào thời điểm đó, Ảrập Xêút và các nhà sản xuất OPEC khác cắt đứt dòng chảy sang phương Tây sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), một thành viên chủ chốt của OPEC, đã nói rõ hôm 8.10 rằng cuộc xung đột Israel-Hamas sẽ không ảnh hưởng đến việc ra quyết định của tổ chức này.

“Chúng tôi không tham gia vào chính trị, chúng tôi quản lý theo cung và cầu, và chúng tôi không xem xét từng quốc gia đã làm gì”, Bộ trưởng Năng lượng Suhail Al Mazrouei nói với các phóng viên ở Riyadh.

Trong khi đó Iran – nước cũng là thành viên OPEC – đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của người Palestine. Nếu Israel đáp trả bằng cách tấn công bất kỳ cơ sở hạ tầng nào của Iran, “giá dầu thô sẽ ngay lập tức tăng vọt do có nguy cơ bị gián đoạn”, đại diện Iran nói.

Dầu Iran ngày càng trở nên quan trọng đối với thị trường khi xuất khẩu tăng trở lại mức cao nhất trong 5 năm. Điều đó đi kèm với sự ủng hộ ngầm của Washington khi hai bên đã tiến hành các biện pháp ngoại giao thăm dò nhằm thiết lập lại các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Trong một kịch bản cực đoan hơn, Iran có thể đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích trực tiếp nào bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz, một điểm nghẽn hàng hải ngay phía bắc Biển Ảrập.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/xung-dot-israel-hamas-se-anh-huong-nhu-the-nao-den-gia-dau--i345943/