Xung đột Israel - Hamas: Nguy cơ bùng phát cuộc chiến khu vực, đừng đổ thêm dầu vào lửa

Cuộc chiến giữa Hamas và Israel làm đậm nét sự chia rẽ, phân mảnh của thế giới.

Vụ tấn công vào bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở Dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. (Nguồn: Al Jazeera)

Tình thế “bên miệng hố chiến tranh”

Sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10, Israel lập tức không kích dữ dội hàng trăm mục tiêu; huy động hơn ba trăm ngàn binh sĩ cùng nhiều vũ khí hiện đại bao vây, sẵn sàng tiến công vào Dải Gaza.

Bị đánh trả dồn dập, Hamas vẫn tiếp tục phóng tên lửa, giam giữ con tin Israel. Sau 2 tuần diễn ra xung đột, hơn 5.500 người thiệt mạng, phần lớn là thường dân của cả Palestine và Israel. Nhưng các bên vẫn không từ bỏ ý đồ chiến lược của mình.

Hamas chủ trương vũ trang giành lại các vùng đất từng thuộc Palestine. Họ muốn vấn đề Palestine gây chấn động, ngăn cản sự thỏa hiệp giữa một số nước Arab với Nhà nước Do Thái; lôi kéo các tổ chức Hồi giáo vũ trang khác vào mặt trận chống Israel.

Phe cực hữu Israel chủ trương loại bỏ tận gốc mối đe dọa, phá hủy tiềm lực quân sự, làm Hamas mất chỗ đứng, không còn khả năng kiểm soát Dải Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không che giấu quyết tâm khi tuyên bố “chúng tôi sẽ thay đổi Trung Đông” và tin chắc vào thắng lợi. Thay đổi có ý nghĩa quyết định nhất là loại bỏ các lực lượng chống đối Israel, buộc các nước Arab chấp nhận vai trò của Tel Aviv ở khu vực.

Hamas xây dựng được hệ thống công trình ngầm rộng khắp, kết nối nhiều khu dân cư, xuyên qua biên giới. Không kích kết hợp sử dụng bộ binh tấn công với quy mô nhỏ và vừa khó tiêu diệt lớn lực lượng Hamas. Tấn công tổng lực không - bộ, quy mô lớn là phương thức phù hợp, nhanh chóng thực hiện mục tiêu đề ra.

Israel phong tỏa, cắt điện nước, hạn chế viện trợ nhân đạo, yêu cầu người dân Palestin rời khỏi Dải Gaza để tránh thương vong. Nhưng chuyên gia quân sự lại cho rằng đó là chiến thuật “tát nước bắt cá”, tách Hamas khỏi người dân, không để mục tiêu dân sự cản trở tiến công.

Đối với Hamas, Hezbollah, Iran, Syria..., việc Israel mở cuộc tấn công tổng lực, kiểm soát Dải Gaza là vượt quá “lằn ranh đỏ”. Hezbollah tuyên bố cứng rắn “khi thời cơ đến, chúng tôi sẽ hành động”. Iran không thừa nhận đứng sau Hamas, không muốn xung đột trực tiếp với Mỹ và Israel. Nhưng họ cũng điều động lực lượng Vệ binh cách mạng đến sát biên giới với Israel, sẵn sàng đối phó tình huống xấu.

Trong lúc các bên đang toan tính, chuẩn bị, chờ thời cơ, thì xuất hiện tình huống bất ngờ. Đêm 17/10, xảy ra vụ không kích bệnh viện Baptist Al-Ahli, làm ít nhất 471 người chết (Cơ quan Y tế Hamas công bố tối 18/10). Dư luận tranh cãi gay gắt về “tác giả” vụ không kích; Israel, Hamas, Hezbollah hay một nhóm Hồi giáo vũ trang khác? Tấn công có chủ đích, tạo chứng cứ kết tội, kích động dư luận hay “đạn lạc”?

Tất cả mới là suy đoán, phải mất nhiều thời gian mới có thể tìm ra chứng cứ, thậm chí khó đưa ra kết luận “tâm phục khẩu phục”. Nhưng điều nguy hiểm là nó có thể được sử dụng làm cớ trả đũa. Xung đột kích thích xung đột, có thể tạo ra phản ứng dây chuyền. Dù do ai, thì vụ không kích bệnh viện cũng là lời cảnh báo xung đột đã đến mức khó kiểm soát, khó tìm đường lui, Trung Đông có nguy cơ rơi vào tình thế “bên miệng hố chiến tranh”.

Vụ không kích bệnh viện khiến Trung Đông có nguy cơ rơi vào tình thế “bên miệng hố chiến tranh”.

Cuộc chiến toàn khu vực và còn hơn thế

Cuộc tiến công tổng lực vào Dải Gaza sẽ là “phát pháo hiệu” khơi mào cuộc chiến toàn Trung Đông. Cuộc chiến giữa Israel được Mỹ và phương Tây ủng hộ với Hamas, Hezbollah được Iran hỗ trợ và một số tổ chức Hồi giáo vũ trang khác tham gia. Nó có thể mở rộng thành đối đầu giữa Hồi giáo với Do Thái giáo, giữa cộng đồng người Arab với nhà nước Israel.

Người Palestine không đồng nhất với Hamas, nhưng bom đạn lại giáng lên đầu họ. Đau thương, chết chóc, mất nhà cửa, quê hương, càng khiến hận thù chồng chất. Với bản năng sinh tồn, người Palestine buộc phải tiếp tục phản kháng, bằng cách này hay cách khác.

Hamas có thể bị tổn thất lớn, buộc phải rút một phần lực lượng khỏi Dải Gaza, chuyển sang tác chiến du kích. Hezbollah bị tuyên bố giải giáp sau cuộc chiến tranh Israel - Lebanon năm 2006. Nhưng họ vẫn tồn tại, phát triển, trở thành một trong những lực lượng hàng đầu chống Israel. Ở Palestine cũng vậy, diệt Hamas này lại nảy ra Hamas khác.

Israel nhiều khả năng giành thắng lợi quân sự ở Dải Gaza. Nhưng họ có thể phải đối mặt với một cuộc chiến dai dẳng, không phân tuyến, “vô hình” và “hữu hình”. Theo Giáo sư chính trị hàng đầu của Mỹ, ông Stephan Walt, Israel có thể thắng ở Dải Gaza, nhưng sẽ thất bại trong toàn bộ cuộc chiến.

Cuộc tấn công tổng lực vào Dải Gaza sẽ giáng đòn chí mạng vào sáng kiến “hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình”. Người dân Israel cũng không dễ duy trì cuộc sống của “một ốc đảo bình yên” trong một Trung Đông bất ổn. Nó cũng sẽ đình trệ xu hướng khôi phục quan hệ, mới nhen nhóm giữa một số nước Arab với Israel.

Israel được ủng hộ vì Hamas khởi xướng tấn công gây thương vong cho dân thường. Nhưng khi chiến sự lan rộng ở Dải Gaza, số lượng người Palestine thương vong lớn, thì cộng đồng quốc tế có thể thay đổi cách nhìn. Nhiều nước ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Á sẽ đồng cảm hơn với người Palestine. Cuộc chiến giữa Hamas và Israel làm đậm nét sự chia rẽ, phân mảnh của thế giới. Xung đột ở Trung Đông càng lan rộng, kéo dài, càng làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới.

Mỹ lo ngại tác động tiêu cực của cuộc chiến, nên cũng tìm cách dàn xếp. Nhưng Mỹ đứng hẳn về Israel, nên khó khách quan, khó được tin cậy. Vai trò trong các vấn đề quốc tế phức tạp bị suy giảm. Trung Quốc, Nga quan hệ cân bằng với các bên, có thể đóng góp thiết thực hơn, gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Mâu thuẫn, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc càng phức tạp hơn. Như vậy, xung đột Hamas-Israel không những có nguy cơ bùng phát toàn khu vực, mà còn tác động nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trên phạm vi thế giới, gây hậu quả vô cùng khó lường.

Các nhà báo xem màn hình lớn chiếu cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế tại Cairo, Ai Cập vào ngày 21/10. (Nguồn: AFP)

Đừng “đổ thêm dầu vào lửa” và việc cần làm ngay

Liên hợp quốc nỗ lực họp khẩn cấp về vấn đề Palestine, nhưng dự thảo của Nga bị bác bỏ. Lý do Nga phản đối hành vi bạo lực, nhưng không lên án đích danh Hamas. Dự thảo của Brazil lên án Hamas, kêu gọi ngừng bắn, cũng bị trì hoãn. Mấu chốt là bất đồng quan điểm, nhất là giữa các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về lập trường đối với Hamas và cách thức giải quyết xung đột.

Quan điểm thiên lệch của một số nước không hoàn toàn dựa trên luật pháp quốc tế, mà chủ yếu xuất phát từ quan hệ đồng minh và những tính toán lợi ích quốc gia, dân tộc. Lên án, tập trung loại bỏ Hamas mà không tính đến các mâu thuẫn cơ bản và nguyên nhân sâu xa, thì khó giải quyết vấn đề Palestine một cách lâu dài. Vô hình trung đã cản trở việc tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt xung đột.

Mỹ và phương Tây ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel. Trước căng thẳng ở Trung Đông, Việt Nam thể hiện quan điểm rõ ràng, nhất quán “lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu”. Đó cũng là quan điểm chung của nhiều nước. Một số nước nhấn mạnh, hành động đáp trả gây thương vong lớn cho người dân, buộc họ phải rời bỏ quê hương là vượt quá phạm vi tự vệ, cũng là vi phạm luật pháp quốc tế về chiến tranh.

Lãnh đạo quốc gia, cả Israel, Palestine và các nước khác, có quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc mình. Nhưng điều quan trọng nhất là họ cần hành động hết sức tỉnh táo, thận trọng, khôn khéo, càng hạn chế đổ máu càng tốt.

Trong khi cộng đồng quốc tế còn bất đồng quan điểm thì xung đột vẫn tiếp diễn, số người thương vong tiếp tục tăng. Đặc biệt việc 471 người thiệt mạng trong vụ không kích bệnh viện ở Dải Gaza đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng quốc tế không thể chậm trễ nữa, cần hành động thiết thực, hiệu quả hơn.

Giải pháp “hai nhà nước” là chuyện rất lâu dài, phức tạp, không thể giải quyết “một sớm một chiều”. Nguyên nhân chủ yếu bởi xung đột phức tạp về chính trị, an ninh, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… giữa hai dân tộc, hai nhà nước; mâu thuẫn phe phái nội bộ của Palestin và Israel; tác động bên ngoài từ sự cạnh tranh địa chính trị và ý đồ chiến lược của một số nước, nhất là các nước lớn.

Vấn đề cần thiết nhất, cấp bách nhất lúc này là tìm cách để các bên kiềm chế hành động quân sự, tiến tới ngừng bắn, chấm dứt hành động vũ lực; khôi phục cứu trợ nhân đạo, trao đổi con tin, tù binh; tạo môi trường tiếp xúc, nối lại đàm phán, từng bước giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc; tìm kiếm giải pháp công bằng, thỏa đáng, lâu dài, các bên có thể chấp nhận được.

Đó chính là tinh thần câu trả lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 18/10 về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Bà Phạm Thu Hằng còn thể hiện mạnh mẽ, cụ thể cam kết của Việt Nam: “ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế chính là động lực thúc đẩy giải quyết xung đột ở Trung Đông. Đặc biệt, Liên hợp quốc cùng Bộ tứ (Liên hợp quốc, Mỹ, Nga và EU) và các nước có ảnh hưởng lớn như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-hamas-nguy-co-bung-phat-cuoc-chien-khu-vuc-dung-do-them-dau-vao-lua-246539.html