Xung đột Israel - Hamas có thể làm vỡ tung 'siêu bong bóng USD'

Theo phân tích của nhà kinh tế độc lập Andy Xie trên tờ SCMP, xung đột tại Trung Đông leo thang có thể khiến 'siêu bong bóng USD' vỡ tung.

Theo nhà kinh tế độc lập Andy Xie, xung đột tại Trung Đông leo thang có thể khiến "siêu bong bóng" USD vỡ tung. (Nguồn: Shutterstock)

Theo SCMP, khi giá dầu tăng và thâm hụt ngân sách của Mỹ nới rộng, lợi suất trái phiếu sẽ tăng mạnh. Điều này có thể khiến bong bóng cổ phiếu và bất động sản tại Mỹ và sau đó là những nơi khác vỡ.

Thặng dư thương mại và lạm phát lương của Trung Quốc tăng vọt sẽ chỉ gây thêm sức ép lên việc neo không chính thức đồng NDT vào đồng USD. Một khi mối quan hệ này bị phá vỡ, đồng USD sẽ lao dốc.

Thay đổi cục diện

Mỹ có thể đang trải qua tình trạng siêu bong bóng. Tài sản tại Mỹ đang bị định giá quá cao, nợ không bền vững và bất đồng chính trị khiến bất kỳ điều chỉnh lớn nào về chính sách cũng gặp khó khăn. Thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện đã gần 2.000 tỷ USD.

Khi cam kết của Trung Quốc trong việc duy trì đồng NDT trong biên độ giao dịch hẹp với đồng USD đã tạo tấm chắn bảo vệ trước những lo ngại trên thị trường tiền tệ về nguy cơ mất giá mạnh của đồng USD, thị trường trái phiếu đang hứng chịu toàn bộ sức ép.

Tuy nhiên, xung đột tại Trung Đông leo thang có thể làm thay đổi cục diện.

Tùy thuộc vào mức độ gián đoạn đối với nguồn cung dầu mỏ từ vịnh Ba Tư, giá dầu Brent có thể sẽ tăng. Lạm phát sẽ tăng và các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), phải tập trung trở lại vào nhiệm vụ hạ nhiệt lạm phát, khiến cho việc giải cứu thị trường nợ khó khăn hơn.

Trong khi đó, nguồn cung tiền tệ toàn cầu có thể tăng hàng nghìn tỷ USD. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2011, Mỹ đã chi ước tính 6.000 tỷ USD cho các cuộc xung đột tại Trung Đông nổ ra sau đó. Các khoản chi này có nghĩa nợ của Mỹ nhiều hơn, lợi suất trái phiếu có thể tăng lên mức hai con số.

Hiện lợi suất vẫn thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa khoảng 6% của Mỹ. Tuy nhiên, lợi suất đang tăng lên có thể không làm giảm tốc độ vay tiền của Mỹ, khi có những sức ép chính trị trong việc duy trì việc chi tiêu mạnh và Mỹ có thể tiếp tục phát hành trái phiếu.

Nếu các nhà đầu tư dừng mua trái phiếu của Mỹ, Fed có thể phải mua vào, điều sẽ tạm thời ổn định thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, những lo ngại về việc lạm phát tăng mạnh sẽ lại trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư. Diễn biến tiếp theo trên thị trường trái phiếu của Mỹ có thể khiến sự ổn định tài chính của toàn cầu bị ảnh hưởng trong nhiều năm.

Điều quan trọng là nếu lợi suất trái phiếu của Mỹ có tăng lên mức hai con số, giá cổ phiếu và thị trường bất động sản được định giá quá cao của Mỹ sẽ lao dốc. Thị trường trái phiếu Mỹ được định giá ở mức 180% GDP. Giá trị bất động sản của nước này ở mức 170% GDP. Nếu giá tài sản có sự điều chỉnh, mức giảm có thể tới 150% GDP.

Hệ thống tài chính của Mỹ đang ít ổn định hơn sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi neo đồng NDT vào đồng USD. Chỉ riêng lĩnh vực sản xuất ô tô ngày càng gia tăng năng lực cạnh tranh có thể chứng kiến xuất khẩu tăng lên 20 triệu chiếc trong 10 năm, mang lại thặng dư thương mại, từ đó khiến việc neo đồng NDT vào đồng USD không bền vững.

Tình trạng thiếu lao động tại Trung Quốc cũng gây lạm phát lương. Nếu Trung Quốc thả nổi tỷ giá, nước này có thể chứng kiến lạm phát lương mạnh trong 5 năm. Trung Quốc sẽ buộc phải dừng neo đồng NDT vào USD. Điều này sẽ cho phép đồng USD biến động mạnh hơn nữa.

Nguy cơ tiềm ẩn

Khi Trung Quốc áp dụng mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu nhiều thập kỷ trước, nước này cũng như các nền kinh tế khác ở Đông Á đã quyết định thực hiện việc neo đồng tiền vào đồng USD vào năm 1994. Điều này chính thức kết thúc vào năm 2005, nhưng đồng NDT vẫn là đồng tiền được gắn với đồng USD, dù đã có những điều chỉnh và những biến động trong tầm kiểm soát.

Một nền kinh tế nhỏ với việc neo đồng tiền vào đồng USD không làm thay đổi thế giới của đồng USD. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc với quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh đã làm thay đổi tình hình.

Sau đợt bong bóng đầu tiên vỡ vào năm 2008, các ngân hàng trung ương lớn đã thực hiện việc nới lỏng định lượng, khiến bong bóng càng lớn hơn. Nguồn cung tiền M2 của Trung Quốc tăng 5,6 lần trong giai đoạn 2007-2022, trong khi bảng cân đối kế toán của Fed tăng 9 lần. Hai con số này giải thích cho việc giá trị tài sản tính trên GDP tăng nhanh với nhiều loại tài sản và trên khắp thế giới.

Tăng trưởng tiền tệ nhanh trong thời gian quá dài do nguồn cung tiền không còn gắn với lạm phát. Điều này là do hàng trăm triệu lao động của Trung Quốc đã tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và các công ty chuyển sản xuất tới Trung Quốc.

Mỹ đã bước vào con đường vay mượn và chi tiêu. Chính sách nới lỏng định lượng mà Cựu Chủ tịch Fed, Ben Bernanke, thực hiện đã mở đường cho điều này. Kể từ năm 2007, nợ công của Mỹ đã tăng lên khoảng 9.000 tỷ USD, lên gần 33.000 tỷ USD, khi GDP chỉ tăng một nửa mức này.

Việc đi vay đã dễ dàng trở thành một thói quen. Nếu thị trường không gióng lên hồi chuông cảnh báo, nợ của Mỹ có thể nhanh chóng gấp đôi trong 10 năm. Cuối cùng, việc đi vay có khả năng dẫn nền kinh tế đến chỗ không lối thoát.

(theo SCMP)

Lê Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-hamas-co-the-lam-vo-tung-sieu-bong-bong-usd-247699.html