Xung đột Israel - Hamas: Chuyện khó chẳng của riêng ai

Xung đột Israel - Hamas đặt Nhà nước Do Thái và các nước Arab, khối Hồi giáo trước nhiều bài toán khó khăn.

Xung đột Israel - Hamas diễn biến ngày một phức tạp, khi binh sĩ IDF đang tiến sâu vào Dải Gaza. (Nguồn: AP)

Xung đột Israel - Hamas diễn biến ngày một phức tạp, khi binh sĩ IDF đang tiến sâu vào Dải Gaza. (Nguồn: AP)

Vừa giống, vừa khác

Hội nghị thượng đỉnh chung bất thường giữa Liên đoàn Arab (AL) và Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) về xung đột Israel - Hamas diễn ra ngày 11/11 là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất của hai khối này kể từ khi đụng độ bùng phát vào ngày 7/10. Chính vì thế, cuộc họp nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Kết quả sự kiện này cho thấy những chỉ dấu không kém phần đáng lưu ý.

Một mặt, bản nghị quyết 31 khổ nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình “công bằng, kéo dài, dựa trên giải pháp Hai nhà nước” tại Dải Gaza. Các nước Hồi giáo và Arab thể hiện sự nhất trí khi sử dụng từ ngữ mạnh mẽ nhất để chỉ trích Israel. Nghị quyết bác bỏ lập luận rằng, các đợt tấn công của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) là nhằm tự vệ và có cơ sở.

Đồng thời, hai khối này kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết có tính ràng buộc nhằm ngăn chặn hành vi “quyết đoán” của Israel. Một điểm nhấn khác là nghị quyết kêu gọi các nước ngừng xuất khẩu vũ khí, đạn dược tới Israel để IDF có thể sử dụng trong các chiến dịch quân sự.

Mặt khác, nghị quyết không đề cập các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị cụ thể với Israel. Các biện pháp này bao gồm: ngăn chặn chuyển vũ khí Mỹ tới Israel từ các căn cứ Mỹ tại khu vực; đóng băng mọi quan hệ ngoại giao và kinh tế với Israel; đe dọa sử dụng dầu mỏ như một đòn bẩy; ngăn các chuyến bay của Israel đến hoặc quá cảnh qua không phận khối Arab và đưa một đoàn đại biểu tới Mỹ, châu Âu và Nga để thúc đẩy ngừng bắn.

Các nước phản đối đưa đề xuất này vào nghị quyết cuối cùng là Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, Morocco, Mauritania, Djibouti, Jordan và Ai Cập.

Nhận định về tình trạng này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhận định: “Nếu như chúng ta không có công cụ thực sự để gây áp lực, mọi bước tiến hay phát biểu của chúng ta đều trở thành vô giá trị”. Nhà báo Hashem Ahelbarra của Al-Jaazera (Qatar) viết: “Khi nhìn vào bản tuyên bố, bạn thấy rằng lãnh đạo Arab và Hồi giáo không có cơ chế để thúc đẩy ngừng bắn và lập hành lang nhân đạo”.

Sự đồng nhất trong quan điểm về Israel, song chia rẽ trong cách đối xử với quốc gia này tiếp tục là bài toán đeo đẳng khối Arab và Hồi giáo trong thời gian tới.

Trước áp lực mới

Ở góc nhìn khác, The Economist (Anh) nhận định, Nhà nước Do Thái cũng đối mặt với nhiều câu hỏi và ít lời giải đáp. Trước hết, IDF đang đạt bước tiến đáng kể về mặt quân sự khi loại bỏ thành công nhiều tướng lĩnh, chỉ huy cấp cao của Hamas và giành quyền kiểm soát Tòa nhà Quốc hội Dải Gaza của phong trào Hồi giáo này. Đồng thời, binh sĩ Israel đã tới bệnh viện Al-Shifa, tâm điểm của các đợt đụng độ và tranh cãi.

Cùng lúc đó, ngày 14/11, tờ Washington Post (Mỹ) dẫn lời một quan chức cấp cao đưa tin Israel và Hamas sắp đạt được thỏa thuận trao đổi 70 con tin đang bị giam giữ ở Dải Gaza lấy 275 người Palestine bị giam giữ ở Nhà nước Do Thái. Theo quan chức yêu cầu giấu tên, cánh vũ trang Hamas thông báo với nhà trung gian Qatar rằng họ sẵn sàng thả 70 phụ nữ và trẻ em để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài năm ngày, cùng 200 trẻ em và 75 phụ nữ Palestine bị giam giữ ở Israel.

Ở chiều ngược lại, Israel đang đối mặt không ít bài toán khó. Chiến dịch của IDF càng tiến triển, Nhà nước Do Thái càng hứng chịu sức ép từ khối Arab, Hồi giáo và phương Tây. Ngoại trưởng nước này Eli Cohen khẳng định, áp lực ngoại giao từ cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng trong 2-3 tuần tới. Vừa qua, Pháp đã kêu gọi Israel dừng chiến dịch tấn công. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, nước này “không muốn thấy màn đấu súng ở bệnh viện, nơi người dân vô tội, bệnh nhân đang tiếp nhận điều trị, bị kẹt giữa làn đạn”.

Hiện Israel đã nhất trí ngừng bắn nhân đạo kéo dài 4 giờ/ngày và mở một số hành lang nhân đạo. Song, chừng đó rõ ràng chưa đủ để giảm bớt áp lực nêu trên.

Quan trọng hơn, viết trên Foreign Policy (Mỹ), ông Raphael S. Cohen, Giám đốc chương trình Chiến lược và Tuyên truyền tại Dự án Không quân của Tập đoàn RAND (Mỹ), nhận định, một khi dừng chiến dịch trên bộ, IDF sẽ khó loại bỏ hoàn toàn chiến binh Hồi giáo, vốn ẩn náu và chiến đấu dưới 500 km đường hầm ở dải Gaza.

Bên cạnh giải cứu các con tin và đáp trả đợt tấn công của Hamas, đây là một trong những mục tiêu hàng đầu của liên minh cầm quyền cực hữu ở thời điểm hiện tại. Do đó, thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu này có thể khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu, vốn đã hứng chịu chỉ trích sau ngày 7/10, sẽ rơi vào thế “đã khó nay càng khó hơn”. Với kinh nghiệm dày dặn, liệu chính trị gia này có tìm được “cái khôn” cần thiết?

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-hamas-chuyen-kho-chang-cua-rieng-ai-250226.html