Xung đột Hamas - Israel: Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sắp chiến thắng Hamas

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phát biểu họp báo đêm 7/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sắp 'hoàn toàn chiến thắng và chiến thắng trong tầm tay' chỉ trong vài tháng nữa.

Khói bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống TP Khan Yunis, Dải Gaza ngày 15/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhà lãnh đạo này, quân đội Israel đã giành được những thắng lợi “chưa từng có” và gây thiệt hại nặng nề cho Hamas.

Ông Netanyahu khẳng định Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sắp kiểm soát được TP Khan Yunis và ông đã ra lệnh cho quân đội bắt đầu tấn công vào thành trì cuối cùng của Hamas ở thị trấn Rafah.

Nhà lãnh đạo cũng bác bỏ yêu cầu của Hamas về một lệnh ngừng bắn kéo dài 135 ngày và cam kết sẽ thúc đẩy cuộc chiến ở Dải Gaza cho đến khi “hoàn toàn chiến thắng”.

Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trình một đạo luật nhằm tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với quân nhân chuyên nghiệp và lực lượng dự bị nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh kéo dài và tổn thất chưa từng có.

Trước đó, các nam binh sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 32 tháng, nay sẽ được nâng lên thành 36 tháng. Các binh sĩ đã hoàn thành chương trình huấn luyện cũng được nâng thời hạn xuất ngũ, từ 40 lên 45, 45 lên 50 và 49 lên 52 tuổi, tùy vào vị trí công tác. Tuy nhiên, thời hạn phục vụ của nữ binh sĩ vẫn được giữ nguyên.

Lực lượng dự bị vốn phải tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu 25 ngày mỗi năm, nay được nâng lên thành 40 ngày/ năm. Cùng với những điều chỉnh này, chế độ lương thưởng cũng được tăng thêm, trong đó các đơn vị quan trọng sẽ được tăng lương cao hơn các đơn vị khác.

Bộ tư lệnh quân dự bị cũng chia lực lượng này thành 3 cấp độ khác nhau, trong đó cấp độ 1 luôn trong tình trạng sẵn sàng được huy động tái ngũ khi cần thiết. Cấp độ thứ 2 là lực lượng tình nguyện tham gia bảo vệ các cộng đồng dân cư nơi họ cư trú và cấp độ 3, với khoảng 70.000 người, chủ yếu tham gia thị trường lao động và có thể huy động nếu có tình huống chiến tranh khẩn cấp.

Theo IDF, hiện có khoảng 10% quân số đang chiến đấu là lực lượng dự bị, so với con số khoảng 2% trước khi nổ ra chiến tranh.

Năm 2015, IDF đã giảm thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nam binh sĩ từ 36 tháng xuống còn 32 tháng. Tuy nhiên, động thái điều chỉnh thời gian quân ngũ ngay đầu năm 2024 cho thấy Israel đang đề phòng kịch bản chiến tranh leo thang và kéo dài nhiều tháng nữa.

Trong diễn biến liên quan, Osama Hamdan - quan chức cấp cao của Hamas - trong một cuộc họp báo ngày 7/2 cho biết một phái đoàn Hamas do quan chức cấp cao Khalil Al-Hayya dẫn đầu sẽ tới Cairo ngày 8/2 để theo đuổi đàm phán với Ai Cập và Qatar về một lệnh ngừng bắn.

Bên cạnh đó, một nguồn tin của Hamas xác nhận phong trào này đã đồng ý đàm phán, với mục tiêu đạt được "ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh và một thỏa thuận trao đổi tù nhân".

Trước đó, một quan chức Ai Cập tiết lộ Cairo và Doha đang thúc đẩy cho một vòng đàm phán mới bắt đầu vào ngày 8/2 tại Cairo nhằm đạt được "sự bình ổn" ở Gaza cũng như thỏa thuận trao đổi tù nhân-con tin.

Cũng trong ngày 7/2, phát biểu tại buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm tới Bờ Tây, Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas kêu gọi Washington công nhận Nhà nước Palestine bao gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza.

Ông Abbas cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ Palestine trở thành một thành viên đầy đủ của LHQ, đồng thời nhấn mạnh chỉ có thể đạt được hòa bình và an ninh thông qua giải pháp hai nhà nước.

Nhà lãnh đạo cũng kêu gọi nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn Israel khiến người Palestine phải sơ tán khỏi Dải Gaza, cũng như chấm dứt các cuộc tấn công do người định cư Do Thái thực hiện, nhằm vào người Palestine, đặc biệt là ở Thung lũng Jordan.

Trước đó, Phong trào Hồi giáo Hamas vừa đề xuất một kế hoạch ngừng bắn tại Dải Gaza trong vòng 4 tháng rưỡi, khi đó tất cả các con tin sẽ được phóng thích. Đổi lại, Israel phải rút binh lính khỏi vùng lãnh thổ này và hai bên sẽ ký kết thỏa thuận về việc chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Hamas đề xuất kế hoạch ngừng bắn gồm 3 giai đoạn với bên trung gian là Qatar và Ai Cập. Phong trào này sẽ thả các con tin Israel mà họ bắt giữ trong cuộc đột kích hôm 7/10/2023 để đổi lấy các tù nhân Palestine, đảm bảo việc tái thiết, cũng như việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và trao đổi thi thể các nạn nhân của mỗi bên.

Cũng theo đề xuất trên, trong giai đoạn 45 ngày đầu tiên, tất cả con tin là phụ nữ Israel, nam giới dưới 19 tuổi, người già và người bệnh sẽ được thả. Đổi lại, Tel Aviv sẽ thả phụ nữ và trẻ em Palestine. Ngoài ra, vào đầu giai đoạn này, Israel sẽ rút quân khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza.

Việc thực hiện giai đoạn thứ hai sẽ không thể bắt đầu cho đến khi các bên kết luận "cần có các cuộc đàm phán gián tiếp về những yêu cầu cần thiết để chấm dứt các chiến dịch quân sự chung và mang lại sự bình yên hoàn toàn (tại Gaza)".

Giai đoạn hai sẽ bao gồm việc thả những con tin là nam giới còn lại và việc các lực lượng Israel rút quân khỏi biên giới của tất cả các khu vực thuộc Dải Gaza.

Trong khi đó, dự kiến vào giai đoạn ba sẽ diễn ra việc trao trả thi thể, hài cốt của các binh lính và dân thường ở mỗi bên.

Trong diễn biến khác, ngày 6/2, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ dự luật do Đảng Cộng hòa thúc đẩy cung cấp 17,6 tỉ USD cho Israel, trong khi phía đảng Dân chủ muốn một biện pháp rộng hơn, bao gồm cả hỗ trợ Ukraine, tài trợ nhân đạo quốc tế và kinh phí mới cho an ninh biên giới.

Với 180 phiếu ủng hộ và 250 phiếu chống, dự luật đã bị bác bỏ vì không hội đủ sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ theo quy định đối với việc bỏ phiếu cấp tốc. Dự luật do Đảng Cộng hòa thúc đẩy, song có 14 nghị sĩ Cộng hòa phản đối dự luật này, trong khi 46 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ dự luật.

Trước đó, ngày 4/2, Thượng viện Mỹ đã công bố một dự luật an ninh trị giá 118 tỉ USD, bao gồm việc tăng cường bảo vệ biên giới, viện trợ cho Ukraine và Israel, hỗ trợ các đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho dân thường tại Dải Gaza, khu vực Bờ Tây và Ukraine.

Tổng thống Joe Biden, người ủng hộ dự luật của thượng viện, khẳng định sẽ dùng quyền phủ quyết dự luật chỉ hỗ trợ Israel mà Hạ viện đề xuất. Các thành viên Quốc hội Mỹ đã đàm phán trong nhiều tháng qua để tìm cách gửi hỗ trợ an ninh ra nước ngoài, đặc biệt là Ukraine.

Tổng thống Biden đã 2 lần yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật chi tiêu khẩn cấp bổ sung tài trợ cho Ukraine và Israel, lần gần đây nhất vào tháng 10/2023. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa đòi hỏi bất cứ hỗ trợ an ninh nào cũng phải gắn với thay đổi về chính sách nhập cư và an ninh ở biên giới giáp Mexico.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/313175/xung-dot-hamas-israel--thu-tuong-netanyahu-tuyen-bo-sap-chien-thang-hamas.html