Xung đột Hamas - Israel: Nối lại đàm phán ngừng bắn tại Cairo

Truyền thông Ai Cập đưa tin đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza được nối lại trong ngày 31-3 tại Thủ đô Cairo, vài ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu 'bật đèn xanh' cho các cuộc thương lượng mới.

Cảnh đổ nát ở phía nam Dải Gaza sau các cuộc tấn công của Israel

Ai Cập, Qatar và Mỹ - đồng minh quan trọng của Israel, đã làm trung gian cho các vòng đàm phán trước, với hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước khi tháng lễ Ramadan bắt đầu. Tuy nhiên, tháng lễ quan trọng của người Hồi giáo đã diễn ra được hơn nửa thời gian mà tiến trình đàm phán vẫn đang bế tắc. Hôm 29-3, Thủ tướng Netanyahu đã đồng ý với kế hoạch vòng đàm phán mới sẽ diễn ra tại Doha và Cairo.

Thông tin về vòng đàm phán mới được đưa ra trong bối cảnh người biểu tình đã xuống đường tại thành phố lớn nhất của Israel hôm 30-3 để kêu gọi việc thả các con tin đang bị bắt giữ ở Gaza. Khoảng 250 con tin đã bị lực lượng Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công xảy ra ngày 7-10-2023 châm ngòi cho xung đột. Vấn đề trao trả con tin là yêu cầu quan trọng trong đàm phán hòa bình giữa hai bên, vì Palestine cũng muốn đây là điều kiện để Israel thả tất cả các tù nhân Palestine mà nước này đang giam giữ.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 30-3, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo nước này đã gửi 46.000 khẩu phần thực phẩm cho người dân ở phía Bắc Gaza. Cụ thể, hai máy bay C-17 của Không quân Mỹ đã vận chuyển và thả số hàng hỗ trợ trên cho người dân Bắc Gaza, với sự tham gia của lực lượng đặc biệt hỗ trợ không vận.

Tuyên bố của CENTCOM nêu rõ, các đợt thả hàng viện trợ nhân đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ là một phần nỗ lực của Chính phủ Mỹ và các quốc gia đối tác nhằm giảm bớt đau khổ cho người dân Palestine ở Gaza. Tuyên bố nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho những đợt thả hàng viện trợ tiếp theo.

Mỹ bắt đầu thả thực phẩm viện trợ xuống Gaza từ ngày 2-3, mỗi đợt cung cấp hàng chục nghìn suất ăn. Tuy nhiên, số người cần viện trợ ở Gaza lớn hơn nhiều so với số lượng hàng viện trợ có thể được cung cấp bằng đường hàng không. Ngày 7-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội nước này sẽ thành lập một cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để cung cấp thêm viện trợ tới đây. Lầu Năm Góc cho biết việc xây cảng sẽ đòi hỏi phải huy động hơn 1.000 binh sĩ Mỹ trong khoảng 60 ngày.

Liên quan đến tình hình nhân đạo ở Gaza, các nguồn thạo tin ngày 30-3 tiết lộ, chiếc tàu thứ hai chở hàng viện trợ đến Dải Gaza đã khởi hành từ Cộng hòa Cyprus, hơn 2 tuần sau khi chuyến hàng gần nhất đến khu vực này bằng đường biển. Hai tổ chức từ thiện gồm World Central Kitchen và Open Arms thông báo gần 400 tấn hàng viện trợ đang trên đường tới Dải Gaza bằng đường biển. Trong thông báo trên mạng xã hội X, ông Juan Camilo - đại diện tổ chức World Central Kitchen, cho biết: “Không có đủ viện trợ tới Dải Gaza và chúng ta cần mở càng nhiều con đường tới Gaza càng tốt”.

Với việc không có đủ xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza bằng đường bộ sau hơn 5 tháng xung đột, người dân ở đây ngày càng đối mặt với nguy cơ nạn đói nghiêm trọng. Tình hình đã thúc đẩy các nỗ lực đưa hàng cứu trợ vào vùng lãnh thổ này bằng đường không hoặc đường biển. Tuy nhiên, các cơ quan của Liên hợp quốc đã nhiều lần cho rằng việc vận chuyển bằng đường bộ là cách duy nhất để cung cấp đủ viện trợ cần thiết.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xung-dot-hamas-israel-noi-lai-dam-phan-ngung-ban-tai-cairo-post571807.antd