Xung đột bùng nổ ở Sudan, Dinh Tổng thống bị chiếm giữ

Bạo lực bùng phát giữa Quân đội chính phủ và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), nhóm bán quân sự ở Sudan bị cáo buộc là lực lượng 'nổi loạn', do những bất đồng trong tiến trình chuyển đổi quản trị đất nước cho chính quyền dân sự.

Tiếng súng và các vụ nổ lớn đã được nghe thấy ở khu vực gần trụ sở quân đội, Bộ Quốc phòng và sân bay ở thủ đô Khartoum của Sudan hôm 15/4, trong một cuộc đụng độ bùng nổ giữa Quân đội chính phủ và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), nhóm bán quân sự chính ở quốc gia Bắc Phi, lực lượng vốn cùng với quân đội Sudan đã lật đổ nhà độc tài cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir vào năm 2019.

RSF cho biết họ đã giành quyền kiểm soát Dinh tổng thống, nơi ở của Tư lệnh quân đội và sân bay quốc tế Khartoum.

Các video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông có vũ trang xuất hiện trên đường băng sân bay Khartoum với một số đám cháy.

 Xe quân sự xuất hiện trên đường phôc ở Khartoum vào ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Xe quân sự xuất hiện trên đường phôc ở Khartoum vào ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Đụng độ cũng đã diễn ra tại trụ sở của Đài truyền hình nhà nước Sudan, một phát thanh viên xuất hiện trên màn hình thông báo ngắn gọn.

Cùng với vũ khí hạng nặng, xe bọc thép trên đường phố, máy bay quân sự cũng được nhìn thấy trên bầu trời thủ đô Khartoum.

Không chỉ ở Khartoum, giao tranh đã được báo cáo ở Marawi, Darfur và Tây Nam Sudan.

RSF xác nhận đã chiếm giữ các sân bay ở thành phố Merowe phía bắc và El-Obeid ở phía tây đất nước.

Ủy ban bác sĩ Sudan cho biết, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ.

 Binh sĩ quân đội triển khai ở Khartoum ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Binh sĩ quân đội triển khai ở Khartoum ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Đụng độ nổ ra khi RSF cáo buộc quân đội tấn công một căn cứ của họ, trong khi quân đội Sudan cho biết, RSF đã cố gắng tấn công lực lượng này ở một số vị trí.

Người đứng đầu RSF, cựu lãnh đạo lực lượng bán quân sự, tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được gọi là Hemedti), cho biết, quân đội đã bao vây một trong những căn cứ của họ và nổ súng bằng vũ khí hạng nặng.

Bộ Ngoại giao Ai Cập bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ đụng độ và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

Đại sứ Mỹ tại Sudan John Godfrey cho biết, diễn biến bạo lực ở Sudan là cực kỳ nguy hiểm và khẩn thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao ngừng giao tranh.

 Ông Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo lực lượng bán quân sự RSF ở Sudan. Ảnh: Reuters.

Ông Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo lực lượng bán quân sự RSF ở Sudan. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình tại Sudan, kêu gọi các cuộc đụng độ bạo lực ở Sudan giữa quân đội và các nhóm bán quân sự phải chấm dứt ngay lập tức.

Người đứng đầu phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS), ông Volker Perthes lên án mạnh mẽ việc bùng nổ giao tranh ở Sudan.

Trong một tuyên bố, UNITAMS cho biết, ông Perthes đã liên hệ với cả hai phía, yêu cầu ngừng giao tranh lập tức để đảm bảo an toàn cho người dân Sudan và tránh cho đất nước rơi vào vòng xoáy bạo lực.

Đại sứ quán Nga tại Sudan cho biết lo ngại về sự leo thang bạo lực ở nước này, kêu gọi các bên ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán.

 Máy bay quân sự xuất hiện trên bầu trời thủ đô. Nguồn: Reuters/ Stringer.

Máy bay quân sự xuất hiện trên bầu trời thủ đô. Nguồn: Reuters/ Stringer.

“Chúng tôi kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột thể hiện ý chí chính trị và sự kiềm chế, đồng thời thực hiện các bước ngay lập tức hướng tới một lệnh ngừng bắn.”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã kêu gọi tất cả các bên ở Sudan kiềm chế, xuống thang và nỗ lực hướng tới chấm dứt khủng hoảng thông qua đối thoại.

Các đảng chính trị dân sự từng ký thỏa thuận ban đầu về chia sẻ quyền lực giữa quân đội và RSF kêu gọi dừng các hành động thù địch.

Một cuộc đối đầu kéo dài giữa RSF và quân đội có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh trên khắp Sudan, quốc gia đang phải đối phó với sự suy sụp kinh tế và bùng phát bạo lực sắc tộc.

Đụng độ diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng giữa quân đội và RSF, điều có thể làm suy yếu những nỗ lực lâu dài nhằm đưa Sudan trở lại chế độ dân sự sau các cuộc tranh giành quyền lực và đảo chính quân sự.

Văn Phong/Reuters, Aljazeera

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/xung-dot-bung-no-o-sudan-dinh-tong-thong-bi-chiem-giu-138572.html