Xúc tiến thương mại mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên

Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Tiềm năng lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn

Với ưu thế địa lý như đất đai màu mỡ, phong phú, khí hậu thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Tây Nguyên là vùng đất trọng điểm sản xuất các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, mắc ca, chanh dây..., cùng nhiều loại cây ăn quả khác.

Ngoài ra, Tây Nguyên còn có nhiều diện tích trồng các loại dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Trong 2 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, trong đó kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt gần 3,8 tỷ USD năm 2022 và trên 3,7 tỷ USD năm 2023, khoảng hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cà phê là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên

Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng chủ yếu tập trung vào một số nhóm hàng cây ăn quả, một số loại cây công nghiệp, cà phê, gia vị, cây dược liệu, khai thác tài nguyên.

Nhiều doanh nghiệp của vùng Tây Nguyên dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế nhưng còn thụ động trong công tác xúc tiến thương mại. Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, khả năng tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế.

Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Tây Nguyên dù hội đủ những điều kiện để phát triển nhưng hiện tại lại gặp nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, thiếu nhân lực chất lượng cao, hạ tầng logictics và cơ sở vật chất còn yếu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, đem lại giá trị không cao cho người dân, doanh nghiệp.

Xúc tiến thương mại mở rộng lợi thế cho nông sản Tây Nguyên

Đầu năm 2024 đến nay, qua nắm bắt thông tin sơ bộ từ một số cơ quan đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, số lượng các đoàn doanh gia nước ngoài vào Việt Nam tăng lên đáng kể so với 2 năm trước. Đặc biệt, số lượng các đoàn từ các tỉnh, thành của một số thị trường quan trọng đối với thương mại Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… sang Việt Nam khá tấp nập, quan tâm đến nhiều nhóm mặt hàng nông lâm sản là thế mạnh của vùng Tây Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng có cơ hội xúc tiến thương mại trực tiếp ngay tại cơ sở.

Cây mắc ca có giá trị kinh tế cao, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người trồng

Bên cạnh đó, sự phát triển của đa dạng các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên vốn eo hẹp về kinh phí xúc tiến thương mại trực tiếp tại nước ngoài, nay có thể tận dụng được các nền tảng này để quảng bá hàng hóa tới nhiều thị trường xa.

Việc hỗ trợ kết nối thông qua các nền tảng mạng xã hội như Vie4biz, trang fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại, các nhóm B2B Toàn cầu và B2B theo khu vực thị trường; các hoạt động tư vấn, kết nối giao thương trực tiếp theo yêu cầu và đặt hàng riêng của doanh nghiệp… sẽ giúp ích rất nhiều cho tiêu thụ nông sản của vùng.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm bên cạnh việc giảm chi phí bán hàng, bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm là nâng cao nhận thức về thương hiệu sản phẩm và gắn thương hiệu với giá trị của sản phẩm. Cục Xúc tiến thương mại đặt trọng tâm giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn về sự quan trọng của thương hiệu. Từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững và hiệu quả thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia - Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện có rất ít doanh nghiệp của vùng Tây Nguyên quan tâm, nỗ lực tận dụng chương trình này.

Ngoài ra, tăng cường nghiên cứu, triển khai các phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số mới; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và đưa các mô hình này lan tỏa tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên cả nước nhằm giúp doanh nghiệp thuộc vùng Tây Nguyên thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.

Đơn cử như mặt hàng cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, thủ phủ cà phê của Tây Nguyên, là điểm đến không thể không nhắc đến khi nói về cà phê Việt Nam. Ông Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết “Tận dụng cơ hội lớn từ xúc tiến thương mại và nguồn lực quan trọng từ các quyết sách của Đảng và Chính phủ, cùng với sức hút của Lễ hội cà phê, Buôn Ma Thuột đã và đang rộng mở cánh cửa để đưa cà phê Buôn Ma Thuột chinh phục thị trường quốc tế. Điều quan trọng lúc này là cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên.

Vy Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-mo-rong-khong-gian-cho-nong-san-tay-nguyen-317534.html