Xuất nhập khẩu - nửa nhiệm kỳ nhìn lại

Từ năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới hứng chịu nhiều cú sốc, thử thách, với diễn biến nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, và đang tiến gần một cách nguy hiểm đến suy thoái do lạm phát, lãi suất và gánh nợ ngày càng tăng...

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đứng vững và tăng trưởng khá. Sau khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt đỉnh 500 tỷ USD vào năm 2020, năm 2021 vượt tiếp đỉnh 600 tỷ USD; và lập đỉnh mới 700 tỷ USD vào năm 2022, tăng 9,3% so với 2021. Năm 2022, xuất siêu 11 tỷ USD, nối dài mạch xuất siêu 7 năm liền (2016 - 2022).

Liên tục lập đỉnh mới

Năm 2022 với con số vượt 700 tỷ USD, xuất nhập khẩu đã tăng 7 lần so với 15 năm trước (năm 2007 - năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới). Nếu như năm 2006, nước ta xếp thứ 50 thế giới về xuất khẩu và thứ 44 về nhập khẩu, thì đến 2021 thứ hạng đó lần lượt là 23 và 20.

Với năm 2022, các thứ bậc được cải thiện, tiếp tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có xuất nhập khẩu lớn nhất toàn cầu. Các địa phương cùng nỗ lực, thị trường nào cũng được đẩy mạnh, nổi bật là các đầu tàu kinh tế, thị trường trọng điểm. Xuất nhập khẩu năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh đạt 140 tỷ USD (với Trung Quốc là 177 tỷ USD và Hoa Kỳ 123 tỷ USD). Đạt được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thay vì tiểu ngạch đã vơi đi nỗi nhọc nhằn cả thời gian dài trước đó.

Nhóm nông phẩm, thủy sản sớm hoàn thành mục tiêu với nhiều mặt hàng lập kỷ lục mới, trong đó xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn với 3,5 triệu USD. Tôm đạt 4,3 tỷ USD, tăng 30%; xuất khẩu cá tra vượt 2,5 tỷ USD, gấp rưỡi năm 2021. Cá ngừ lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD… Các loại thủy sản khác đều tăng trưởng 2 con số từ 18 - 77%. Xuất khẩu rau quả khởi sắc nhờ nỗ lực xây dựng phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ kim ngạch hùng hậu mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm điện, điện tử, quang học. Năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng này đã đạt mức 100 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 20 năm trước tỷ lệ đó là 5%. Cùng với đó là sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, toàn quốc hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có 300 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Vĩnh Phúc, Toyota Motor Vietnam đã cung cấp linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa với tỷ lệ khác nhau cho từng mẫu xe. Samsung Vietnam đã cung ứng cho các tổ hợp tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Lượng xuất khẩu dầu thô tuy giảm song do giá “nhảy vọt” dẫn tới kim ngạch xuất khẩu này tăng đột ngột tới 40%, từ đó đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu chung cũng như tăng thu ngân sách đáng kể, là cơ sở để giảm các loại thuế đánh vào xăng dầu, chủ động hạ giá bán lẻ xăng dầu.

Sau khi đạt được các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đã thưc hiện có chọn lọc: 2022 là năm thứ 4 thực thi CPTPP, xuất khẩu sang các thị trường thành viên tăng trưởng từ 75 - 100% với chủ lực là điện thoại và linh kiện, điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày… Tận dụng ưu dãi của EVFTA, nhiều sản phẩm chủ lực sang Liên minh châu Âu (EU) tăng cao. Chưa đầy 2 năm thực thi UKVFTA, hàng hóa xuất khẩu vào Anh tăng mạnh. Hiệp định RCEP là FTA mới nhất có hiệu lực từ đầu năm 2022 được tận dụng ngay để tăng xuất khẩu vào các thị trường thành viên, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia… Thông qua các FTA với đối tác châu Âu, các doanh nghiệp đã tận dụng nhiều hơn nguyên vật liệu mới, phụ tùng chất lượng cao của các đối tác FTA, đồng thời đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu càng yên tâm về chất lượng. Nhờ đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực về hợp tác kinh tế đa phương.

Chớp thời cơ Covid-19 đã được kiểm soát và xúc tiến thương mại dần sôi động trở lại, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các chương trình tư vấn, hội nghị giao thương trực tuyến, các hoạt động trực tiếp, từ tháng 7.2022 đến nay, giao ban xúc tiến thương mại với mạng lưới thương vụ nước ngoài được tổ chức hàng tháng nhằm kịp thời gỡ các “nút thắt”, và giao ban đột xuất với những địa bàn nhạy cảm, có yếu tố bất ngờ, hỗ trợ mạng lưới này nắm bắt tình hình, phối hợp triển khai nhiệm vụ chung. Kiên trì đấu tranh cho sự công bình trong thương mại quốc tế, tăng cường cảnh báo sớm nguy cơ.

Logistic với sự tham gia của khoảng 5 nghìn doanh nghiệp được đầu tư mới đã tiến bộ, đứng thứ 11/50 nền kinh tế mới nổi, hy vọng sẽ đưa hàng đi nhanh, đón lẹ hàng về, với chi phí hợp lý.

Chính sách tài khóa, tài chính tin dụng, lãi xuất, giãn hoãn thực hiện nghĩa vụ, điều hành tỷ giá, cung ứng vốn… đã và đang trợ lực tay lái con tàu thương mại vượt trùng dương.

Tuy “gập ghềnh” nhưng nhiều tín hiệu vui cùng đến

Từ tháng 5 đến tháng 6.2023 xuất khẩu đã sáng sủa hơn các tháng trước đó. Vừa vì giá đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây và dồn dập đơn hàng đến, lượng gạo xuất khẩu tăng 22%, trị giá tăng 34% so với 6 tháng 2022. Và trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả 2,8 tỷ USD, gần bằng cả năm 2022. Một số thị trường chủ lực hồi phục gần bằng cùng kỳ năm ngoái...

Tuy vậy, những “lóe sáng” đó chưa đủ lực để gồng cả “cơ nghiệp” xuất khẩu vượt qua thách thức. 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước mới chỉ được 316,6 tỷ USD, bằng 84,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương mại toàn cầu tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn rủi ro. Khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu còn tiếp diễn. Những bất lợi đó khiến con tàu kinh tế Việt Nam cũng bị “rung lắc”.

Nhà nhập khẩu xé nhỏ đơn hàng thay vì cả gói, dài hạn như trước, thời gian giao hàng gấp, giảm giá gia công. Doanh nghiệp phải nhặt nhạnh đơn hàng lẻ, cầm chừng, giảm giờ làm, nghỉ dài hạn, chấm dứt hợp đồng, dẫn tới giảm nhập khẩu nguyên liệu. Việc này tác động tiêu cực không chỉ với sản xuất hàng xuất khẩu mà với cả sản xuất nội địa...

Tình hình trên do một số nguyên nhân, đó là năng lực sản xuất công nghiệp nội địa chậm được cải thiện, đặc biệt là các ngành có tính nền tảng, then chốt; các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI chưa có chiều sâu, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chậm được cải thiện. Một số ngành công nghiệp truyền thống địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí có ngành bị mai một. Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị hạn chế, trong khi nhập khẩu vẫn cao... Tựu chung, những hạn chế nội tại của nền kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng chưa được giải quyết dứt điểm đã cộng hưởng với các yếu tố bất lợi bên ngoài, đưa đến nhiều khó khăn...

Trân trọng thành tựu, tự hào về vị thế và tiềm năng, song để phát triển lâu dài, bền vững, bên cạnh giữ ổn định kinh tế vĩ mô với tinh thần từ sớm, từ xa, thì cần tăng sức chống chịu, củng cố các động lực và tạo không gian cho tăng trưởng truyền thống, kịp thời đề ra những giải pháp khả thi. Đó là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách nhằm vào thị trường và hướng về doanh nghiệp, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế hiện đại với nhiều doanh nghiệp có tên tuổi.

Chuyển hướng tiếp cận với các thị trường đã ký các FTA chủ động với chìa khóa là xây dựng và tạo giá trị bền vững cho thương hiệu, nhằm tiếp tục khai thác có hiệu quả các FTA; củng cố, đa dạng hóa thị trường; đối sách hợp lý, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại; kiên trì đạt dược các thỏa thuận, hóa giải việc áp đặt những đòi hỏi, dựng hàng rào bảo hộ phi lý.

Sử dụng hiệu quả mọi nguyên vật liệu, khai thác nguồn thay thế nhập khẩu. Ưu tiên nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ tiên tiến, trong nước chưa sản xuất được. Kiểm soát nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu.

Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề trong thương mại quốc tế; thuận lợi hóa thương mại, ứng dụng số hóa, tiếp cận nguồn vốn; thực hiện nghiêm túc khuyến nghị của EC về “thẻ vàng” khai thác thủy sản.

Cơ hội luôn phụ thuộc vào cộng đồng doanh nghiệp với sức cạnh tranh bản năng của họ. Doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế số, ưu tiên bảo đảm nguồn nhân lực đón cơ hội thị trường hồi phục. Mỗi doanh nhân cần vượt lên tâm lý “an phận” bằng lòng với những thành công vừa qua, cũng không bi quan với khó khăn trước mắt, chấp nhận rủi ro, có chiến lược tiếp cận thị trường để sản xuất, kinh doanh linh hoạt, sáng tạo hơn. Nâng cao tính chuyên nghiệp xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin, kết nối đối tác, bồi bổ năng lực, cập nhật tình hình nắm vững các thị trường.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuat-nhap-khau-nua-nhiem-ky-nhin-lai-i346983/