Xuất khẩu Trung Quốc sang Nga giảm mạnh do Mỹ áp lệnh trừng phạt

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu điện tử, phương tiện và máy móc của Trung Quốc sang Nga vào tháng trước đã giảm lần đầu tiên kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu vào năm 2022.

Nga là thị trường xuất khẩu chính của ô tô Trung Quốc. Ảnh AFP

Thay đổi này diễn ra khi các công ty Trung Quốc chuyển sang né tránh các biện pháp trừng phạt thứ cấp mà Chính quyền Biden đưa ra nhằm siết chặt các ngành công nghiệp được cho là đang hỗ trợ chuỗi cung ứng và khả năng quân sự của Nga.

Thương mại giữa hai nước láng giềng tăng vọt lên tầm cao mới sau cuộc xung đột ngày 24/2/2022 ở Ukraine. Điều này đã hỗ trợ nền kinh tế bị cô lập của Nga trong bối cảnh bị áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng cũng khiến nước này phụ thuộc hơn bao giờ hết vào Trung Quốc.

Thương mại Nga-Trung đã tăng vọt lên 240 tỷ USD vào năm ngoái nhờ nhập khẩu dầu của Nga và xuất khẩu điện tử, phương tiện và máy móc của Trung Quốc, tăng 50 tỷ USD so với kim ngạch thương mại kỷ lục vào năm 2022.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) trong tháng trước cho thấy mức giảm mạnh 15,7% so với kim ngạch vào tháng 3/2023.

Sự sụt giảm này xảy ra khi ngày càng nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc bắt đầu hạn chế thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đối với các thương nhân Nga.

Moscow đã phụ thuộc nhiều hơn vào đồng nhân dân tệ để tiến hành thương mại quốc tế kể từ khi nước này bị chặn khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Điều này khiến Moscow không thể giải quyết các giao dịch thương mại bằng đồng đô la.

Dữ liệu GACC vào tháng 3 cũng cho thấy, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022, xuất khẩu máy móc thiết bị của Trung Quốc đã giảm do đang chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga chưa có bình luận gì về việc này.

Chris Weafer, CEO của công ty phân tích chính trị và đánh giá rủi ro Macro-Advisory, nói với Newsweek, “mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ là thách thức nghiêm trọng nhất đối với thương mại song phương Nga-Trung kể từ khi lệnh trừng phạt bắt đầu và là mối đe dọa trực tiếp đến sự ổn định kinh tế của Nga nếu không được giải quyết trong vòng vài tháng”.

Tuy nhiên, Weafer cho biết ông hy vọng Moscow và Bắc Kinh sẽ tìm cách vượt qua mối đe dọa trừng phạt này. Ông nói: “Mối quan hệ chính trị và chiến lược giữa Nga và Trung Quốc quá quan trọng khiến cả hai chính phủ không thể tìm ra giải pháp thay thế”.

Nga là thị trường xuất khẩu chính của ô tô Trung Quốc và ngày càng trở thành điểm đến quan trọng của hàng tiêu dùng Trung Quốc. Trong khi đó, “Nga bán cho Trung Quốc dầu khí giá rẻ, than đá, kim loại công nghiệp và trong những năm gần đây là lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác. Các giao dịch này được thực hiện thông qua các tuyến đường bộ an toàn, điều này có thể rất quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai với Mỹ và lực lượng hải quân hùng mạnh của nước này”, Weafer nói.

Trong chuyến thăm Trung Quốc trong tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc He Lifeng rằng sẽ có “những hậu quả đáng kể” đối với các công ty Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Một quan chức Bộ Ngoại giao nói với truyền thông hôm thứ Bảy tuần trước rằng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken dự kiến sẽ nhắc lại thông điệp này trong chuyến đi tới Bắc Kinh vào tuần này.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xuat-khau-trung-quoc-sang-nga-giam-manh-do-my-ap-lenh-trung-phat-710003.html