Xuất khẩu sẽ 'lội ngược dòng' trong chặng đua về đích?

Những ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam đang có tín hiệu khả quan về thị trường, không còn trong tình cảnh 'khát' đơn hàng như giai đoạn đầu năm. Liệu rằng xuất khẩu có thể 'lội ngược dòng' trong chặng đua về đích, giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023?

Sau nửa đầu năm đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam), chia sẻ với VnBusiness rằng, những tháng cuối năm nhu cầu cao hơn, xuất khẩu tôm phục hồi rút ngắn khoảng cách “thua sút” ở 6 tháng đầu năm so cùng kỳ 2022.

Đơn hàng trở lại

Với Sao Ta, doanh nghiệp đang có mức phục hồi tốt 2 tháng qua, dự kiến hết năm sẽ đạt trên 90% so với năm trước, tốt hơn so mức phục hồi toàn ngành.

Xuất khẩu kì vọng sau "cơn mưa" trời sẽ sáng.

Cùng với đó, đơn hàng cũng trở lại với các ngành hàng XK tỷ USD như dệt may, da giày, đồ gỗ… Trong 9 tháng đầu năm nay, XK dệt may của Việt Nam đạt đỉnh 4.06 tỷ USD vào tháng 8/2023, đến tháng 9/2023, kim ngạch XK tuy có giảm nhưng XK sang thị trường Mỹ và Trung Quốc ghi nhận mức tăng lần lượt là 2% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết 9 tháng năm 2023, Vinatex dự kiến doanh thu đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do ngành dệt may Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như tổng cầu thế giới giảm do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng; Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao…

Tuy vậy, ông cao Hữu Hiếu cho biết, xu hướng thị trường quý IV/2023 có những chuyển biến tích cực khi FED không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 4,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9%. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, so với mục tiêu kim ngạch XK năm 2023 đạt 394 tỷ USD, tăng trưởng 6%, thì 3 tháng cuối năm, XK cần phải thu về khoảng hơn 135 tỷ USD. Đây vẫn là con số thách thức?

Dự báo ‘trời chưa hết bão’

Thực tế, dù tín hiệu đã khởi sắc nhưng khó khăn vẫn hiện hữu. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam), nhận định sắp tới, ngành tôm vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn lớn như: Lạm phát, suy thoái kinh tế chưa dừng khiến sức mua yếu; các cường quốc tôm như Ecuador tiếp tục có kế hoạch tăng sản lượng cung với giá rẻ; tôm Việt có giá thành nuôi còn quá cao, khó cạnh tranh.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 394 tỷ USD, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, ông Lực cho rằng, ngành tôm phải nỗ lực giải quyết hai thách thức to lớn là tăng tỉ lệ nuôi thành công thông qua kiểm soát chất lượng tôm giống chặt chẽ, quyết liệt và tăng đầu tư thủy lợi nuôi; Sớm tìm phác đồ phòng chống bệnh trên tôm nuôi, bệnh EHP dai dẳng mấy năm qua và bệnh TPD mới xuất hiện 2 năm nay. Nguyên nhân chủ yếu tôm giống nhiễm hai bệnh này là từ tôm bố mẹ. “Có như vậy mới tạo yên tâm cho người nuôi và tăng sức cạnh tranh quốc tế cho tôm Việt”, ông Lực nói.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex dẫn dự báo, tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục giảm khoảng 9% xuống còn khoảng 710 tỷ USD (thấp hơn tổng cầu năm 2020 khi xảy ra đại dịch COVID-19), sau khi đã giảm 5% trong năm 2022, và xu hướng cầu thấp được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2024.

Trong đó, dự báo tổng cầu dệt may của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam vào năm 2023 sẽ chỉ còn khoảng 115 tỷ USD, giảm khoảng 13% so với 2022, tương đương mức nhập khẩu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo ông Trường, DN dệt may Việt Nam còn gặp khó khăn trong lãi suất cao, tiếp cận tín dụng khó. Hiện nay, lãi suất cho vay của Trung Quốc ở mức 3,5%, Bangladesh 7%, Indonesia 5,7%, trong khi đó Việt Nam ở mức 10-12%.

Bên cạnh đó, yếu tố chi phí logistics cũng là một rào cản lớn đối với việc XK dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh. Theo trang Vietnam Credit, chi phí logistics bình quân trên tổng doanh thu của DN Việt Nam hiện là gần 17%, cao hơn so với các quốc gia khác.

Theo đó, ông Trường kiến nghị, Chính phủ xây dựng nhóm giải pháp hỗ trợ DN tổng thể như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất. Đồng thời, điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vi mô theo hướng có lợi cho hoạt động XK để làm động lực thúc đẩy các DN XK trong thời gian tới như chính sách tiền tệ, chính sách thuế XK, các dịch vụ hỗ trợ XK như logistics.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kinh tế toàn cầu trong những năm tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường với rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, chu kỳ khủng hoảng kinh tế, gây ra những hệ lụy về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát…

Đáng lo ngại, XK phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng quy chuẩn xanh như tại EU, từ ngày 01/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBMA) - một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao - bắt đầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn thực hiện đầy đủ CBMA dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2026.

Trong bối cảnh đó, XK hàng hóa, một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế cần có những định hướng chính sách, giải pháp căn cơ mang tính chiến lược nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Theo đó, các nhóm giải pháp trước mà Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị trước mắt: Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho DN, hoãn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hoàn thuế.

Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, cần hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất XK. Đặc biệt, đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường XK cho các mặt hàng của Việt Nam; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới.

TS. Vũ Minh Khương

Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore

Muốn đẩy mạnh XK, DN Việt nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, vai trò yểm trợ của Chính phủ rất cần được chú ý, như đầu tư vào khoa học công nghệ, đào tạo người lao động có tay nghề ra sao… Đối với DN, cần chú ý 3 trụ cột, đó là quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đây là những mũi nhọn mà DN phải có chiến lược để nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới.

Ông Ngô Chung Khanh

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Trong thời gian tới, EVFTA đi vào quá trình thực thi một cách sâu sắc hơn, bởi vì chúng ta biết rằng lộ trình cắt giảm thuế trong EVFTA là 7 năm. Bây giờ, chúng ta bước vào năm thứ 3, bắt đầu bước vào năm cắt giảm sâu thuế, dần tiệm cận dần mức độ 0 – 5% thì rõ ràng cơ hội nhiều hơn. Cũng như các DN cần phải nắm bắt cơ hội từ EVFTA hơn nữa khi tổng cầu thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao. Tuy vậy, DN Việt cần làm chuẩn, bài bản, chúng ta phải cùng một tư duy với họ, cùng một đẳng cấp với họ.

Ông Nguyễn Văn Đôn

Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng

Trung bình mỗi năm, Việt Hưng XK khoảng 120.000 - 150.000 tấn gạo/năm, đến nay DN đã xuất được 90.000 tấn. Thị trường chủ yếu XK qua châu Phi, Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia. Trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu 2024, giá gạo XK của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao, không dưới 650 USD/tấn. Đồng thời, cơ hội XK gạo sẽ gối đầu sang năm 2024, nông dân được hưởng lợi nhờ giá thu mua lúa tốt.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-se-loi-nguoc-dong-trong-chang-dua-ve-dich-1096025.html