Xuất khẩu cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn

Hoạt động xuất khẩu (XK) còn nhiều khó khăn do tổng cầu thế giới sụt giảm. Song con số kim ngạch XK có dấu hiệu khởi sắc, tăng dần qua các tháng cho thấy những giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định. Gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng giúp vực dậy kim ngạch XK trong những tháng cuối năm 2023.

Chi phí đầu vào cao nhưng giá không tăng

Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn vào kết quả của XK thời gian qua. Trong tháng 6-2023, kim ngạch XK rau quả đạt 723 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 182,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, XK rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân giúp XK rau quả tăng trưởng mạnh là do Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách Zero Covid được thực thi. Các mặt hàng như: Thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua. Ngoài ra, gạo cũng là mặt hàng có tốc độ tăng cao. Cũng 6 tháng qua, XK gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ ba về giá trị XK trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị...

Nhìn vào kết quả XK 7 tháng năm 2023 cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tháng sau cao so với tháng trước (sau khi giảm mạnh vào tháng 4-2023) nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Cụ thể, về XK hàng hóa, kim ngạch XK hàng hóa tháng 4 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Tới tháng 5, 6, 7, kim ngạch XK đã có sự cải thiện, ước đạt lần lượt là 29,05 tỷ USD, 29,3 tỷ USD và 29,68 tỷ USD. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.

Hoạt động XK đã có nhiều cải thiện, song sự sụt giảm mạnh ở mức 2 con số cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và XK 7 tháng đầu năm 2023. Tính chung 7 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hiện nay, nhiều ngành hàng chủ lực như: Dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện... với thị trường XK chính là Mỹ, Liên minh châu Âu... có mức sụt giảm nhiều nhất. “Có thể thấy các DN XK hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí dừng sản xuất”, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGHI TRẦN

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGHI TRẦN

Về nguyên nhân sụt giảm XK những tháng đầu năm 2023, theo ông Trần Duy Đông, quan trọng nhất là do giảm tổng cầu và tăng cạnh tranh giữa các nước XK có cơ cấu hàng XK tương đồng. Điển hình, ngành hàng có thị trường XK chính là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)..., mặt hàng dệt may, da giày, gỗ, thủy sản đều sụt giảm rất mạnh. Ngoài ra, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng XK không tăng, thậm chí giảm. Thêm vào đó, một số ngành hàng chủ lực như: Thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại. Các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên các khách hàng ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh và bền vững. Một nguyên nhân nữa là mặc dù đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản, thiếu ổn định, chưa đồng đều, DN chậm đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi sang XK chính ngạch.

Doanh nghiệp rất cần thông tin thị trường

Kim ngạch XK tuy chưa như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh khó khăn, việc giữ được tăng trưởng XK là nỗ lực rất lớn, cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định. Để phát huy được kết quả này, nhiều ý kiến kiến nghị, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latin, Đông Âu... và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan.

Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho XK, vì vậy ngành rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Về phía DN, từ thực tế biến động thị trường, nhiều DN đã có điều chỉnh chiến lược XK như tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới hay nâng cao chất lượng sản phẩm... nhưng DN rất mong đợi các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh XK. “Việc Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm lãi suất cho vay như thời gian qua đã hỗ trợ cho DN rất nhiều. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, do đó tiếp tục kiến nghị giảm lãi suất cho vay để trợ lực tốt hơn cho DN. Ngoài ra, Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ người lao động bên cạnh việc DN tìm cách giữ chân lao động”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

Cũng với đề xuất tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho rằng: Những quy định mới và khó tại EU, Mỹ khiến DN trong nước rất lúng túng nên cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của thương vụ. Do đó, việc chia sẻ thông tin thị trường sở tại nhanh và chính xác là rất quan trọng với DN. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị, để lấy lại tăng trưởng XK cho ngành gỗ, cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các thương vụ trong tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh ngành gỗ. Ngành gỗ Việt Nam cam kết thực hiện mạnh mẽ cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU.

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Đưa ra khuyến cáo với DN, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng... với các DN XK hàng hóa vào thị trường EU. Chẳng hạn như với dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc... Với các quy định này, DN trong nước cần phải chủ động thay đổi để đáp ứng các quy định.

 Xuất khẩu thép tại cảng Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: NGHI TRẦN

Xuất khẩu thép tại cảng Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: NGHI TRẦN

Theo ông Trần Duy Đông, thời gian tới, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), cho phép DN tự in C/O từ hệ thống eCoSys (hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử) của Bộ Công Thương và đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử mẫu AK và VK điện tử sang thị trường Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của nước sở tại; cảnh báo sớm các rào cản mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, giúp các DN và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, khai thác có hiệu quả các FTA mà nước ta làm thành viên.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-cai-thien-nhung-con-nhieu-kho-khan-737159