Xuân trên lưng dãy Trường Sơn

Những ngày cận Tết, xuất phát từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam), phải mất 7 giờ đồng hồ, vượt qua bao cung đường cua gấp khúc mới đến được thôn 49A, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang (Quảng Nam). Đây là địa bàn nằm trên lưng dãy Trường Sơn, giáp ranh với huyện Dak Cheung của tỉnh Sekong, Lào.

Sau hai năm phải đối phó với dịch Covid-19, người Cơ Tu nơi đây không thể tổ chức các hoạt động cộng đồng thì năm nay, cả thôn 49A bừng bừng khí thế đón xuân. Ai cũng diện quần áo mới, háo hức khoe thành quả lao động và kể cho nhau nghe chuyện vui về những món quà mà Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trao tặng trước thềm xuân. Cả buôn làng tụ hội, vui thâu đêm suốt sáng trong tiếng cồng, chiêng hòa lẫn lời hát “vũ điệu dâng trời” đón năm mới của những cô gái Cơ Tu hiền hậu, trẻ trung. Bên ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng chiều 27 Tết, anh Kring Khương, thôn 49A cho biết: “Đêm nay thức trắng để vui chơi, còn ngày mai sẽ diễn ra chương trình thi các món ăn núi rừng, ban giám khảo là các đồng chí cán bộ biên phòng”.

Khi tiếng cồng, chiêng nổi lên, hàng trăm người bước quanh đống lửa tí tách reo vui, quên đi cái lạnh ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cũng bước theo vòng tròn đoàn kết đó. Lúc cuộc vui tạm dừng, anh Mẫn phấn khởi cho biết: "Năm nào BĐBP cũng tổ chức Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, nhằm thiết thực chăm lo Tết cho đồng bào vùng cao".

Người Cơ Tu càng vui hơn khi năm 2023 trôi qua thật bình yên, dải đất miền Trung cũng ít hứng chịu thiên tai như nhiều năm trước. Sự thuận hòa của thời tiết đã tạo điều kiện để quân và dân có dịp quây quần vui xuân, đón Tết. Mỗi thôn, bản thường cắm một trại nhỏ để bộ đội, thanh niên và dân làng tụ hội, cùng nổi lửa nấu những món ăn đón chào năm mới, như: Thịt heo (lợn) trộn lá rang rây; cà tím dồn ống tre lồ ô nướng than; thịt sóc nướng lá chanh...

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng tham gia vũ điệu chào năm mới với đồng bào vùng cao huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 1-2023).

Ngược Đắc Pring trở ra vùng Trường Sơn Bắc (cách khoảng 500km) theo Đường Hồ Chí Minh, qua vùng núi Bạch Mã sẽ đến khu vực bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nằm cheo leo trên lưng núi Giăng Màn, địa thế khá hiểm trở nên để vui Tết quân dân, tụ họp giữa ngày xuân, đồng bào người Chứt và BĐBP phải vượt qua không biết bao nhiêu con dốc, con suối.

Do bản làng nằm trên những khe núi cao hơn 1.400m so với mực nước biển nên chỉ cần đầu nguồn có một trận mưa thì những con suối đang chảy róc rách hiền hòa bỗng nhiên gầm gừ, hung dữ, đổ nước ào ào, biến thành trở ngại, chia cắt các bản làng. Thế nhưng người dân vẫn đến thật đông đủ, cả già, trẻ, gái, trai... Theo truyền thống và tập quán, người Chứt ở một số vùng đón Tết vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch, tạ ơn việc gieo trồng. Đến ngày 12 tháng Mười Một, bà con tiếp tục đón Tết Chăm Cha Bới, đón mừng mùa vụ bội thu. Nhưng cái Tết vui nhất, to nhất mà bà con háo hức mong chờ trong nhiều năm gần đây, đó là Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”.

Tại bản Ka Oóc, ông Hồ Văn Phương tỉ mẩn chuẩn bị các món đặc sản để đón khách quý từ xa về thăm, chúc Tết. Giọng ông Phương trầm ấm: “Có BĐBP hỗ trợ, giúp sức nên lúa, ngô năm nay được mùa, sang năm 2024 chắc sẽ càng có thêm nhiều thuận lợi”. Nhắc đến niềm vui, ông Phương chui vào gian bếp tối mịt, thổi bùng bếp lửa và chỉ một lát đã mang ra một đĩa to cá niên thơm lựng. Ông Phương lấy những phần nạc nhất đặt vào bát của cán bộ biên phòng và các cán bộ thôn.

Ngồi bên chiếc mâm đan bằng những thanh tre lồ ô, ông Phương cho biết, thanh niên địa phương vẫn thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Ra Mai đi kiểm tra đường biên, cột mốc. “Mùa xuân này cũng vậy, không cứ vui chơi mà quên trách nhiệm, đồng bào vẫn phải cùng với BĐBP góp sức giữ bình yên, hạnh phúc cho biên cương”.

Mùa xuân về ngôi làng nằm trên đỉnh Trường Sơn, độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển-thôn Dading, xã Ga Ri, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Dãy Trường Sơn dài khoảng 1.100km, bắt nguồn từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào, giáp với Nghệ An tới tận cực Nam Trung Bộ. Với ngần ấy chiều dài địa lý, ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn lại có những phong tục, tập quán đón Tết riêng biệt, đặc thù. Thế nhưng, nơi nào cũng đều ăn Tết cùng BĐBP; cùng được đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự yêu thương, chia sẻ của đồng bào mình từ dưới xuôi.

Ở đoạn qua xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đến tận bây giờ, bà con vẫn nhắc về Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Hôm ấy có đến hai vị tướng cùng tham gia vũ điệu mừng xuân với đồng bào, đó là Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP (nay là Trung tướng). Đồng bào vẫn bảo với nhau: Bộ đội của dân thật đáng quý! Trong dịp Tết không ở nhà đoàn tụ cùng người thân mà đi hàng nghìn cây số, lên tận miền núi xa xôi, nghèo khó để chăm lo, vui Tết cùng đồng bào.

Ngày xuân đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, gặp không ít già làng, trưởng bản, người lớn tuổi... vẫn kể nhiều về Bộ đội Cụ Hồ từ miền Bắc từng hành quân qua đây trong những năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chiến tranh ác liệt, gian khổ, nhiều cán bộ, chiến sĩ tuổi đôi mươi đã anh dũng ngã xuống và mãi nằm lại với Trường Sơn hùng vĩ. Nghe chuyện, chúng tôi chợt nhớ dịp Tết Nguyên đán năm 2023 từng đi qua một ngôi đền vắng nằm ở xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đồng bào vùng này phát hiện ra nhiều bộ hài cốt liệt sĩ và đã lập đền thờ để hương khói, tri ân. Ngày xuân, đồng bào dân tộc Cơ Tu và anh em BĐBP lại đến dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại giữa núi rừng để góp phần cho những mùa xuân của dân tộc tươi đẹp mãi.

Bài và ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/xuan-tren-lung-day-truong-son-763169