Xuân no ấm trên các miền quê

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Không khí chuẩn bị đón tết rộn ràng khắp các miền quê. Người dân hân hoan chào đón năm mới ấm no, hạnh phúc, yên bình.

1. Tết năm nay, cụ Lê Thị Mè (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) tròn 100 tuổi. Nhân dịp cuối tuần, gần tết, các con, cháu tổ chức buổi lễ mừng thượng thượng thọ cho cụ. Trong căn nhà tường khang trang, gia đình trang trí nhành mai, phông bạt mừng thượng thượng thọ màu đỏ nổi bật. Bánh mừng thọ và quà cũng được chuẩn bị sẵn từ sớm.

Mặc bộ áo dài trang trọng, cụ Mè nở nụ cười hạnh phúc khi nhận thư chúc thọ của Chủ tịch nước, quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng như những lời chúc mừng và quà tặng của con, cháu trong nhà.

Con, cháu quây quần, chính quyền địa phương đến chúc thọ trong ngày lễ thượng thượng thọ của cụ Lê Thị Mè (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành)

Con, cháu quây quần, chính quyền địa phương đến chúc thọ trong ngày lễ thượng thượng thọ của cụ Lê Thị Mè (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành)

Tròn 100 tuổi, cụ Mè vẫn khỏe mạnh, đi lại được và tinh thần minh mẫn, nụ cười móm mém lộ rõ niềm hạnh phúc. Mùa xuân dường như đến sớm trong gia đình cụ. Ông Võ Xuân Hòa (con trai cụ Mè) vui vẻ kể: “Má tôi tròn 100 tuổi và vẫn khỏe mạnh cùng con, cháu đúng là chuyện vui lớn của gia đình nên chúng tôi tổ chức bữa tiệc để con, cháu trong nhà mừng thọ má. Chính quyền cũng đến chúc thọ, tặng quà cho má tôi, niềm vui như được nhân lên. Gia đình tôi chỉ cần bình yên đủ đầy như vậy là hạnh phúc lắm rồi!”.

Gia đình ông Hòa chủ yếu trồng thanh long, các con, cháu của ông đều được chăm lo học hành, có việc làm ổn định. Sau một năm làm việc chăm chỉ, tết là dịp để gia đình quây quần bên nhau, thêm niềm vui thượng thượng thọ của cụ Mè, tết của gia đình ông ấm áp hơn.

An Lục Long là xã đầu tiên của huyện Châu Thành hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu (Trong ảnh: Tuyến đường trục xã được nhựa hóa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân)

An Lục Long là xã đầu tiên của huyện Châu Thành hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu (Trong ảnh: Tuyến đường trục xã được nhựa hóa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân)

An Lục Long là xã đầu tiên của huyện Châu Thành hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống của người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Các ngõ xóm, đường quê được bêtông hóa 100%; nhiều tuyến đường trồng hoa, cây xanh, một số tuyến được địa phương đầu tư trồng cây ăn trái, cũng vừa đến mùa thu hoạch. “Số cây dừa dọc mấy tuyến kênh trên địa bàn xã trước đây do các đoàn thể phối hợp ban ấp, người dân trồng và chăm sóc. Bây giờ có trái để người đi đường qua lại ai cần thì hái. Làng quê thì phải bình yên và tình cảm để dù có đi đâu xa thì người dân cũng nhớ về” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Lục Long - Nguyễn Thị Mộng Xuyên chia sẻ.

Nhờ tiếp cận vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông Thái Hòa Bình (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) đầu tư cải tạo đất và lắp hệ thống tưới tự động cho vườn rau

Nhờ tiếp cận vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông Thái Hòa Bình (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) đầu tư cải tạo đất và lắp hệ thống tưới tự động cho vườn rau

2. Tết đến gần, khắp các miền quê rộn ràng không khí mùa xuân. Vừa thu hoạch xong đợt rau, ông Thái Hòa Bình (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) tranh thủ chăm sóc vườn để kịp có rau phục vụ “3 ngày tết”. Gia đình ông Bình trước giờ sống bằng nghề trồng rau. Với 3.000m2 đất vườn, vợ chồng ông nuôi 2 người con học đại học. Mới đây, gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm đất, cải tạo vườn rau và đầu tư hệ thống tưới tự động. Nhờ vậy, năng suất rau được nâng lên, gia đình có thêm thu nhập.

Ông Bình bộc bạch: “Kinh tế ổn định, các con tôi học hành tới nơi tới chốn cũng nhờ có vườn rau. Gần đây, được vay vốn cải tạo đất và lắp đặt hệ thống tưới tự động, gia đình tôi đỡ phần vất vả, tôi có thêm thời gian đi làm đất thuê để có thêm thu nhập. Thỉnh thoảng, tôi cũng nhận vốn từ tổ góp vốn xoay vòng của Hội Nông dân xã. Nhờ những hỗ trợ kịp thời như vậy, gia đình tôi mới có thể phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống”. Theo Chủ tịch UBND xã Long Thượng - Nguyễn Minh Vương, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại xã là 62 triệu đồng/năm. Xã không còn hộ nghèo từ năm 2019.

Long Thượng là một trong những xã có dân số đông tại huyện Cần Giuộc. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ,... Địa phương đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất.

“Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã cũng rất chú trọng việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Mới đây, nghề chế tác kim hoàn bằng vàng tại xã được công nhận là nghề truyền thống, cùng với Lễ hội Vía Bà và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xã có định hướng phát triển du lịch trên các tiềm năng sẵn có” - Chủ tịch UBND xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Minh Vương thông tin.

Cụm tiểu cảnh chợ Long Đinh (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) thu hút người dân đến chụp ảnh, vui xuân

Cụm tiểu cảnh chợ Long Đinh (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) thu hút người dân đến chụp ảnh, vui xuân

Mùa xuân này, xã Long Thượng xây dựng cụm tiểu cảnh chợ Long Đinh xưa trong khu vực trung tâm xã, gần miếu Bà Ngũ hành. Cụm tiểu cảnh gồm nhiều khu vực: Tiệm may, phố ông đồ, dòng sông, cầu khỉ,... tái hiện khu chợ Long Đinh theo trí nhớ và lời kể của các bậc cao niên. Toàn bộ chi phí thực hiện công trình được xã hội hóa và giao cho các chi bộ trong xã thực hiện. Khu vực tiểu cảnh trở thành nơi vui chơi, chụp ảnh tết của người dân trong xã. Không khí ngày xuân tại Long Thượng nhờ vậy thêm vui tươi.

Theo ông Nguyễn Minh Vương, cụm tiểu cảnh sẽ được chăm sóc đến qua Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, phục vụ khách thập phương đến dự Lễ hội Vía Bà vào đầu tháng Giêng.

3. Là một trong những xã khó khăn của huyện Đức Hòa, sau 3 năm “về đích” nông thôn mới, xã Tân Phú có nhiều thay đổi, cuộc sống người dân từng bước được nâng lên. Cả hệ thống chính trị xã vẫn đang chung tay nâng chất các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới nhằm nâng chất đời sống của người dân.

Thông qua các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, người dân từng bước phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Người dân được tiếp cận gần hơn, nhiều hơn với các dịch vụ công. Các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Xã cũng đạt chuẩn quốc gia về y tế. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90%. Các tuyến đường quê không chỉ được bêtông hóa, nhựa hóa mà còn được trồng hoa, lắp đặt đèn thắp sáng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Thành cho hay: “So với trước đây, đời sống người dân trong xã được nâng lên rõ nét. Tuy nhiên, xã vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt so với bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nên cả hệ thống chính trị vẫn đang nỗ lực.

Lộ trình, kế hoạch nâng chất, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt đã được đề ra và sẽ được tập trung thực hiện trong năm mới nhằm có thể nâng cao hơn nữa đời sống người dân, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Hiện tại, chúng tôi tập trung thực hiện xã hội hóa kinh phí chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cái tết đủ đầy, ấm áp”.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Không khí chuẩn bị đón tết rộn ràng khắp các miền quê. Người dân hân hoan chào đón năm mới ấm no, hạnh phúc, yên bình.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Không khí chuẩn bị đón tết rộn ràng khắp các miền quê. Người dân hân hoan chào đón năm mới ấm no, hạnh phúc, yên bình.

Một mùa xuân nữa lại về, không chỉ trên những cành mai hé nụ mà trên cả khuôn mặt rạng ngời của người dân ở khắp nơi. Hành trình chăm lo đời sống cho người dân luôn được quan tâm tại tất cả các địa phương trong tỉnh để mỗi độ xuân về, tết đến, niềm vui lại rộn ràng ở khắp các miền quê./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xuan-no-am-tren-cac-mien-que-a170989.html