Xưa nay không có 'hàng đầu tướng quân'

Một cán bộ hưu trí nọ đọc một bài báo thấy tít Hàng đầu tướng quân Nguyễn Trung Trực thì rất bức xúc, Nguyễn Trung Trực đầu hàng giặc bao giờ? Và ông đã đề nghị báo ấy phải viết lại cho đúng: Nguyễn Trung Trực (1838-1868) là Anh hùng dân tộc (AHDT) cho tới lúc thế cùng lực kiệt phải nộp mình để cứu dân khỏi bị giặc thảm sát, người anh hùng ấy đã hiên ngang bước lên máy chém tuẫn quốc khiến quân thù phải nể phục. Chuyện này làm nhớ đến Bình Tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng (1860-1887), cùng thời với Nguyễn Trung Trực. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 4 Âm lịch, huyện Bình Khê - quê hương Mai anh hùng, lại tổ chức cúng giỗ vị lãnh tụ Cần Vương 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận này.

Người dân tỉnh Bình Định cúng giỗ Bình Tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch hàng năm (Ảnh tư liệu)

AHDT Mai Xuân Thưởng là người huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Năm 25 tuổi, ông thi đỗ cử nhân khoa Ất Dậu (1885) dưới triều vua Hàm Nghi. Vừa nhận áo mão tân khoa thì “... kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Phụng chiếu Cần Vương, công dấy nghĩa binh chống Pháp. Lập mật khu nơi Linh Đỗng. Đắp chiến lũy nơi Hương Sơn. Thanh thế lẫy lừng. Các sĩ phu tỉnh nhà đều ra phò tá. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đều chịu quyền chỉ huy (...). Trên dưới một lòng. Trong ngoài chung sức. Lấy hỏa mai, giáo sào đương cùng súng trường, đại bác. Gian khổ nhưng kiên trì. Lực yếu nhưng khí mạnh. Chiến đấu ba năm trời, khi thua khi được. Chí tiêm cừu, lòng địch khái, được càng hăng, thua vẫn hăng. Những trận Đông Viên, Đồng Vụ, Lục Phú, Cẩm Văn. Lòng dũng cảm, đức hy sinh, khiến quân địch phải khiếp phục (...). Rồi quân địch thêm viện binh bao vây công kích. Nghĩa quân tuy đá vàng gan dạ, cũng phải lui dần trước nanh vuốt đối phương. Và trải bao pháo đụt đạn xông, cuối cùng bị đại bại trận Bàu Sấu. Binh tan tướng lạc, công đơn thân độc mã vào Linh Đổng quyết gây lại lực lượng diệt thù. Quân giặc truy tầm, nhưng không dò ra tung tích. Tên ngoại nô Trần Bá Lộc liền hạ độc thủ: Sanh cầm Mai thái mẫu, thảm sát lương dân. Và ngày bắt lý hương hai thôn Phú Lạc, Phú Phong ra tra tấn. Tình thế khó liệu cơ cứu vãn, công không muốn kéo dài cuộc kháng chiến, sợ nhân dân thêm nặng thương vong. Bèn hướng về tây lạy bốn lạy từ giã mẹ. Rồi thản nhiên bước lên đoạn đầu đài..." (trích Văn bia đền thờ Mai Xuân Thưởng trên núi Hoành Sơn, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định).

Đến cuối năm Bính Tuất (1886), nghĩa quân Cần Vương bị tay sai giặc Pháp Trần Bá Lộc kéo đại binh trang bị đầy đủ súng đạn vây hãm các yếu địa trong căn cứ kháng chiến của nghĩa quân. Dù vậy, “... Chiếu Cần Vương (vẫn) sôi nổi tấm trung can/ Gươm địch khái quyết tru loài hổ báo. Xúm tay hào kiệt mãi mã chiêu binh/ Góp sức nhân dân dồn lương tích thảo/ Đàn Nguyên soái xây cao tình đất nước/ Ba quân thề hết dạ khuôn phò (...)/ Nên cho dù đoản kiếm trường côn/ Vẫn chống lại liên thanh trọng pháo (...)/ Vẫy vùng pháo đụt đạn xông/ Xáp mấy trận quân thù điên đảo” (trích Văn tế Anh hùng Mai Xuân Thưởng của đồng bào Bình Định). Nhưng rồi càng kéo dài, lực lượng càng tiêu hao nên Mai Nguyên soái đã tổ chức một trận mất còn với địch. Vũ khí thô sơ kịch chiến với trọng pháo, súng trường phương Tây suốt 2 ngày đêm, lớp này ngã xuống, lớp khác xông lên, gây cho địch nhiều tổn thất nhưng cuối cùng, quân ta vẫn đại bại, Tổng Chỉ huy Mai Xuân Thưởng bị trúng đạn địch, máu chảy ướt đẫm cả chiến bào, bất tỉnh nhân sự. Con chiến mã khôn ngoan cố sức băng qua đầm lầy Bàu Sấu, đưa chủ tướng về nhà ở Phú Lạc cho mẹ và vợ ông cứu tỉnh, rồi đưa ông vào mật khu Linh Đổng. Các văn thân, võ tướng Cần Vương đón Mai Nguyên soái về xiết bao mừng vui. Vị anh hùng 27 tuổi liền cảm tác bài thơ trấn an mọi người: Không tính làm chi cuộc mất còn/ Nợ trai trả đặng ấy là khôn/ Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước/ Đá tạc lòng trung núi mấy hòn/ Tái ngắt mặt gian xương tợ giá/ Đỏ lòa bìa sách máu là son/ Rồi đây ngọc luật đưa xuân lại/ Một gốc mai già nảy rậm non.

Đây là lúc tên Việt gian Trần Bá Lộc hậm hực, tức tối vì đã tung người tìm Mai Xuân Thưởng khắp ngõ ngách mà không ra tung tích, y bèn bắt mẹ và những người thân trong gia đình cùng dân làng của Mai anh hùng ra giam giữ, kỳ hạn trong vòng 10 ngày mà không bắt được Mai Xuân Thưởng, y sẽ chém mỗi ngày 10 đầu người mà y đã bắt. Y còn ra yêu sách buộc thân hào nhân sĩ khắp 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận phải nộp 18 vạn tiền gọi là quân phí do y tự đặt ra.

Lăng Anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng ở tỉnh Bình Định

Lăng Anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng ở tỉnh Bình Định

Chuyện tới tai thủ lĩnh Mai Nguyên soái cùng các chiến hữu, bàn tình thế quá khốn cùng, hãy để cho Mai anh hùng ra nộp mạng cứu dân chứ không còn cách nào khác, còn các vị văn thân nên ẩn náu đâu đó, chờ thời cơ nổi lên kháng chiến cứu nước. Nói rồi, Mai Nguyên soái lên ngựa. Mọi người trông theo kêu khóc nức nở. Mai Nguyên soái bèn cảm khái ngâm mấy vần thơ: Chết nào có sợ, chết như chơi/ Chết bởi vì dân, chết bởi thời/ Chết hiếu chi nài xương thịt nát/ Chết trung bao quản cổ đầu rơi/ Chết nhân tiếng tốt bia ngàn thuở/ Chết nghĩa danh thơm rạng mấy đời/ Thà chịu chết trong hơn sống đục/ Chết nào có sợ, chết như chơi. Rồi giục ngựa đi thẳng đến đình Phú Phong gặp Trần Bá Lộc, dõng dạc nói: “Ta là Mai Xuân Thưởng đây. Ta vì nước mà dấy binh. Việc không thành nên phải chịu chết. Mẹ ta cùng đồng bào, thân hào nhân sĩ trong 4 tỉnh đều vô can. Rất mong đừng sát hại”. Trần Bá Lộc cả mừng vì phen này bắt được Mai Xuân Thưởng, y sẽ được quan thầy Pháp khen thưởng lớn. Y bèn đổi thái độ trọng đãi hòng mua chuộc, dụ hàng,... Mai Nguyên soái khẳng khái nhìn thẳng mặt tên Việt gian ác ôn, dõng dạc nói: “Ta mang danh nghĩa Bình Tây, lẽ đâu lại hàng Tây. Huống nữa xưa nay chỉ có “đoạn đầu tướng quân” chớ không có “hàng đầu tướng quân”. Trần Bá Lộc giận xanh mặt, quát lính trói vị tướng trận bất khuất đưa lên ngựa giải về thành Bình Định. Tại đây, Mai Nguyên soái gặp viên trú sứ Aymonier. Qua trao đổi, y gọi Nguyên soái là giặc. Nguyên soái dõng dạc đáp trả: “Ta tự xét chưa hề đem quân đi chiếm nước người, đoạt tài sản người như các ngươi. Thế mà ngươi không biết rằng chính mình mới là giặc, lại bảo ta là giặc ư?”. Aymonier nổi giận, hô quân đưa Mai Nguyên soái vào ngục, đợi ngày lên đoạn đầu đài.

Cũng như trường hợp AHDT Nguyễn Trung Trực thất trận ở Rạch Giá phải kéo quân ra đảo Phú Quốc lập căn cứ thì đến tháng 9/1868, tên tay sai giặc Pháp Huỳnh Công Tấn dẫn đường đổ quân lên đảo Phú Quốc vây hãm, dồn nghĩa quân đang thế cùng lực kiệt vào chỗ không còn đường sống. Huỳnh Công Tấn cũng đã áp dụng chiêu trò tàn độc như Trần Bá Lộc trên đây. Trần Bá Lộc cũng từng bắt dân chúng huyện Quảng Đức cùng mẹ của thủ lĩnh Trần Đường ở Khánh Hòa để buộc lãnh tụ cuộc kháng chiến phải ra nộp mình, nếu không, y sẽ giết dân cả huyện cùng người mẹ già đáng thương kia. Lịch sử nước nhà cũng ghi chuyện tướng nhà Trần bị quân Nguyên bắt sống, dù gươm đã kề cổ, quân địch gọi hàng để chúng phong làm vương, Trần Bình Trọng vẫn hùng oai thét lên: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không bao giờ chịu làm vương đất Bắc!”. Đó chính là tinh thần bất khuất, đậm đà tình yêu nước của dân tộc ta mãi mãi trường tồn cùng hồn thiêng sông núi./.

Quang Hảo

Nguồn: Nước non Bình Định - Quách Tấn (NXB Thanh Niên-1965) và Tạp chí Xưa & Nay (tháng 6/2018)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xua-nay-khong-co-hang-dau-tuong-quan-a157192.html