Xử lý tài sản không xác định được chủ sở hữu

Hiện nay, có không ít các bãi giữ xe tại địa phương tiêu tốn nguồn lực để trông coi số lượng lớn xe gắn máy bị khách hàng gửi và bỏ lại nhiều năm không đến nhận. Lâm vào tình cảnh giữ không được, bỏ đi cũng không xong, nên nhiều chủ bãi xe muốn xác lập quyền sở hữu các phương tiện giao thông này để được thanh lý đúng quy định của pháp luật và giải phóng không gian bãi. Vậy, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, theo khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông bị bỏ lại nêu trên được xem là tài sản không xác định được chủ sở hữu, tức tài sản đang trong tình trạng có chủ nhưng chưa thể xác định được chủ là ai.

Để được xác lập quyền sở hữu đối với những loại tài sản này, trước hết, người phát hiện tài sản cần liên hệ cơ quan cấp xã nơi gần nhất để thực hiện thủ tục công khai, niêm yết tại địa phương. Cụ thể, khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự quy định: Người phát hiện tài sản không xác định ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp tài sản cho UBND hoặc công an cấp xã gần nhất (gọi tắt là “Cơ quan cấp xã”). Cơ quan này phải niêm yết tài sản tại địa phương để tìm kiếm chủ sở hữu; nếu hết 1 năm mà không ai đến nhận thì phải thông báo cho người phát hiện tài sản về việc không thể tìm được chủ sở hữu; thông báo này là cơ sở để người phát hiện tài sản được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu.

Trên thực tế, việc giao nộp tài sản không xác định được chủ sở hữu theo khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự đang có tình trạng khi người dân đưa tài sản lên giao nộp thì cơ quan cấp xã không tiếp nhận. Nguyên nhân cơ quan cấp xã không tiếp nhận tài sản có thể vì diện tích sân bãi của cơ quan không đủ rộng để đáp ứng việc trông giữ tài sản, nhất là khi tài sản giao nộp là vật có kích thước, giá trị lớn như xe gắn máy hoặc xe ô tô với số lượng có thể đến hàng chục chiếc; việc trông coi, giữ gìn tài sản ròng rã cả năm trời để tránh thất lạc, mất cắp, xuống cấp hoặc hư hỏng. Do việc giao nộp tài sản để tìm kiếm chủ sở hữu có những khó khăn và bất cập như trên nên người phát hiện tài sản không xác định được chủ sở hữu có thể lựa chọn tiếp tục giữ tài sản và thông báo cho cơ quan cấp xã gần nhất để niêm yết công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại theo khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự chỉ mới quy định “UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu”. Vậy, nếu người dân không “giao nộp” tài sản mà chỉ gửi thông báo về tài sản đó đến UBND hoặc công an cấp xã thì những cơ quan này thực hiện việc niêm yết như thế nào? Sau 1 năm nếu không có chủ sở hữu nào đến nhận thì cơ quan tiếp nhận thông báo sẽ xác nhận như thế nào để người phát hiện, người đang quản lý tài sản được quyền xác lập sở hữu? Do vậy, thiết nghĩ cần phải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu. Hiện nay, đã có Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu, nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thủ tục xác lập quyền sở hữu cho cá nhân đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu.

Mặt khác, Thông tư số 24 ngày 1-7-2023 của Bộ Công an quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới mới chỉ công nhận việc đăng ký chính chủ đối với xe có nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng hoặc xe bị tịch thu theo quy định của pháp luật, chứ chưa quy định về thủ tục đăng ký sở hữu đối với phương tiện giao thông là tài sản không xác định được chủ sở hữu. Do đó, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thống nhất với quy định về tài sản không xác định được chủ sở hữu tại khoản 2 Điều 288 Bộ luật Dân sự, các quy định của cơ quan nhà nước về đăng ký sở hữu tài sản không xác định được chủ sở hữu nói chung và đăng ký sở hữu phương tiện giao thông bị bỏ lại nói riêng nên có thêm quy định về đăng ký sở hữu cho cá nhân đối với tài sản có nguồn gốc là tài sản không xác định được chủ sở hữu.

Trong khi chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương cần có văn bản xác định trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc niêm yết và thông báo cho người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quyền xác lập sở hữu theo quy định của pháp luật.

Thạc sĩ LÊ XUÂN AN (Văn phòng Luật sư Kim Ngân)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202401/xu-ly-tai-san-khong-xac-dinh-duoc-chu-so-huu-8823454/