Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm

Một học sinh tử vong và hàng chục học sinh khác phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi ăn bữa sáng tại cổng trường ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là vụ ngộ độc thực phẩm gây xôn xao dư luận những ngày đầu tháng 4 này. Nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc vẫn đang được điều tra nhưng một lần nữa vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại trở nên nhức nhối.

Ngộ độc thực phẩm do ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn, nhất là hàng rong bán ở dọc đường, cổng trường đã được cơ quan chức năng cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, do tiện lợi nên nhiều người vẫn mua, sử dụng với hy vọng chất lượng sản phẩm không đến nỗi nào. Thế nhưng, theo khuyến cáo của bác sĩ, có những loại thực phẩm có thể gây ngộ độc ngay lập tức, cũng có nhiều loại thực phẩm sau khi ăn được tích tụ và gây nguy hiểm đến sức khỏe về lâu dài. Trong đó, những loại bánh kẹo, nước ngọt… không rõ nguồn gốc, sử dụng nhiều phẩm màu được bày bán ở những hàng rong rất đáng lo ngại.

Công tác tuyên truyền về tác hại của thực phẩm mất an toàn, đặc biệt là thực phẩm bán trước cổng trường thời gian qua đã được các địa phương cùng những đơn vị có liên quan chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Dù giáo viên, cha mẹ thường xuyên nhắc nhở, thậm chí cấm đoán nhưng nhiều em vẫn xem món quà vặt bán trước cổng trường là thứ khoái khẩu. Thậm chí, món nào càng nhiều màu sắc, càng rẻ thì càng có sức hấp dẫn với các em. Trong khi đó, việc cấm bán hàng rong trước cổng trường ở nhiều địa phương khá khó khăn, do thiếu lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Hoặc cùng lắm, cấm được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Trước giờ vào lớp hoặc đến giờ tan học, cảnh học sinh xúm quanh xe bán hàng rong ở trước cổng trường vẫn khá phổ biến.

Mới đây, trong văn bản gửi các địa phương nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Chỉ khi chế tài xử lý vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đủ sức răn đe, khi ấy mới hạn chế được đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/xu-ly-nghiem-vi-pham-ve-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-e41518c/