Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu biện pháp bảo đảm an toàn khi thi công công trình

Lại một vụ đuối nước xảy ra ở công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đó là, vào lúc 16 giờ chiều 28/10/2023, ba học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Cam Thủy đến chơi và tắm ở hố công trình đường cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc địa phận thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ), không may xảy ra đuối nước. Một em được bạn cứu sống, còn một em tử vong. Tại hiện trường cho thấy, vị trí hố công trình nơi đang thi công cống hộp băng qua cao tốc không có biển cảnh báo và rào chắn.

Qua báo chí, mạng xã hội chúng ta biết, tình trạng trẻ em bị đuối nước ở các hố “nhân tạo” nói chung, công trình đang thi công nói riêng khá nhiều. Trong phạm vi bài viết, xin điểm lại ba vụ đuối nước tại công trình đang thi công ở tỉnh Quảng Trị trong mấy năm gần đây.

Chiều 13/6/2021, cháu trai 6 tuổi (trú tại Khu phố 5, Phường 3, TP. Đông Hà), khi chơi ở khu vực tuyến đường Lê Thánh Tông nối dài đang thi công thì trượt chân ngã xuống hố chứa đầy nước mưa và tử vong do đuối nước. Được biết, trước đó ngày 11/6, khi giải phóng mặt bằng dự án này đã phát hiện hố sâu khoảng 1,5 m, không có nước. Đơn vị thi công không rào chắn, không đặt biển cảnh báo, mà dự định dùng cát để lấp hố. Tuy nhiên, khi thực hiện thì máy xúc bị hỏng, phải sửa chữa. Hai ngày tiếp theo trời mưa nên không làm được và đến chiều 13/6 thì sự việc đáng tiếc xảy ra.

Cuối tháng 5/2018, tại cánh đồng Ruộng Trộ, thôn Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, một học sinh lớp 3 trong lúc đi bắt ốc đã bị chết đuối ở hố nước của một công trình dở dang. Cái hố do đơn vị thi công đào trước đó 3 ngày để phục vụ dự án xây dựng mô hình cá - lúa tại địa phương nhưng không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

Đầu tháng 4/2017, một cháu bé 5 tuổi (trú tại Khu phố 3, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà), không may trượt chân rơi xuống hố cống thoát nước và chết đuối. Vị trí xảy ra tai nạn nằm ở giữa đồng ruộng, nơi công trình có nhiều hạng mục đang thi công dở dang thuộc Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Bắc sông Hiếu. Hố cống lúc mới đào không có nước nhưng do nằm gần một mương thủy lợi nên sau đó nước thấm vào. Cơ quan chức năng xác nhận thời điểm cháu rơi xuống hố, công trình không có biển báo nguy hiểm và rào chắn.

Bốn vụ đuối nước kể trên có những điểm chung, như các hố sâu đều mới tạo ra ở các công trình đang thi công; trước khi xảy ra chết đuối, các hố đều không có nước (nhưng ngay sau đó lại chứa đầy nước, trong đó có cả nguyên rất hi hữu, đó là không do trời mưa mà do nước từ nơi khác thấm vào); vị trí xảy ra tai nạn ít người qua lại và nạn nhân đều là trẻ em.

Theo quy định thì mọi công trình đang thi công đều phải có biển báo, rào chắn, nhất là những hạng mục, địa điểm tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian thi công. Nếu không có các biện pháp bảo đảm an toàn dẫn đến xảy ra tai nạn thì ngoài trách nhiệm dân sự, có thể còn bị xử lý hình sự.

Điều này các nhà thầu thừa biết nhưng vì sao cả bốn trường hợp trên đều không thực hiện? Có lẽ các chi tiết như hố không có nước, nằm ở vị trí ít người qua lại, cùng với dự kiến sẽ được thi công hoàn trả mặt bằng, đảm bảo an toàn trong thời gian ngắn sau đó, nên mấy ai nghĩ đến xảy ra đuối nước, dẫn đến tâm lý chủ quan, không rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Nhưng trẻ em là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được nhiều về những nguy hiểm đang rình rập, lại thiếu kỹ năng thoát hiểm, vì vậy, các cháu cứ là nạn nhân của những tai nạn mà chúng ta thường nghĩ là không bao giờ xảy ra.

Những câu chuyện trên thật đau lòng mà người lớn gây ra cho trẻ em. Nguyên nhân chính là do chủ quan, bất cẩn, cho đó là điều “không thể”. Vậy nên, cách tốt nhất, cứ chỗ nào có hố sâu thì rào chắn lại ngay, đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Về phía cơ quan chức năng, phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn do thi công công trình mà thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn.

Tùng Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/xu-ly-nghiem-to-chuc-ca-nhan-thieu-bien-phap-bao-dam-an-toan-khi-thi-cong-cong-trinh/181080.htm