Xử lý nghiêm học sinh cố tình vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh luôn được ngành chức năng và các nhà trường chú trọng, duy trì thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT thời gian qua vẫn diễn ra khá phổ biến. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc tăng cường quản lý của nhà trường và lực lượng chức năng, rất cần sự quan tâm phối hợp tích cực từ phía gia đình trong việc quản lý, giáo dục, uốn nắn con em mình.

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh luôn được ngành chức năng và các nhà trường chú trọng, duy trì thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT thời gian qua vẫn diễn ra khá phổ biến. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc tăng cường quản lý của nhà trường và lực lượng chức năng, rất cần sự quan tâm phối hợp tích cực từ phía gia đình trong việc quản lý, giáo dục, uốn nắn con em mình.

Thời gian qua, tình trạng học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm những quy định về TTATGT trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân và người tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường nhiều học sinh, nhất là học sinh bậc trung học phổ thông (THPT) điều khiển xe mô tô, xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm (MBH). Ở một số tuyến đường còn xuất hiện những nhóm học sinh dàn hàng ba, hàng bốn, đi không đúng làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại, nói chuyện, đùa giỡn trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây mất TTATGT và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông khác. Cá biệt, một số em còn sử dụng bộ phận giảm thanh không bảo đảm quy chuẩn về tiếng ồn, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người đi đường, dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

Học sinh dàn hàng ngang khi tan học. (Ảnh chụp tại cổng trường THPT B Phủ Lý).

Học sinh dàn hàng ngang khi tan học. (Ảnh chụp tại cổng trường THPT B Phủ Lý).

Đơn cử, tại Trường THPT B Phủ Lý (phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, nằm sát tuyến đường đông dân cư, lối thoát ra quốc lộ 1A, 21A, phương tiện lưu thông với mật độ dầy) nhưng sau mỗi giờ tan học hằng ngày luôn có khá nhiều nhóm học sinh điều khiển xe mô tô, xe máy điện không đội MBH dàn hàng ba, hàng bốn cười đùa trên đường. Cá biệt, một số em còn lạng lách, đánh võng, bất chấp những nguy hiểm rình rập.

Học sinh đi xe không đội mũ bảo hiểm dàn hàng ngang khi tan học.(Ảnh chụp tại cổng Trường THPT C Bình Lục). Ảnh: Quang Huy

Tại Trường THPT C Bình Lục (xã Tràng An, Bình Lục), tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến. Trường nằm sát quốc lộ 37B, cách đó không xa là nút giao kết nối với tuyến đường bộ nối hai cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội – Hải Phòng) đang trong giai đoạn thi công mở rộng, lưu lượng phương tiện ngược xuôi đông đúc, trong đó có nhiều xe container trọng tải lớn, tuy nhiên, giờ tan trường tại đây thường xuyên tái diễn cảnh học sinh dàn hàng ngang, không chú ý quan sát khi lưu thông trên đường. Tình trạng vi phạm quy định về TTATGT phổ biến nhất là nhiều em cố tình không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu. Cùng với đó, một số nhóm học sinh vi phạm các quy định về độ tuổi, điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc đa phần các em học sinh đang theo học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp giấy phép lái xe trên 50cm3. Anh Nguyễn Văn Thế (công dân ở xã Tràng An, Bình Lục) cho biết: Thực tế việc học sinh vi phạm các quy định về TTATGT đang xảy ra khá phổ biến, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT cho người tham gia giao thông và chính bản thân các cháu. Do đó, cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác quản lý từ phía nhà trường và gia đình cũng như cần những hình thức xử phạt nghiêm minh từ phía lực lượng chức năng.

Qua tìm hiểu được biết, tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, hoạt động TTPBGDPL về TTATGT đều được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục. Tất cả các nhà trường đều tổ chức ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về TTATGT đối với phụ huynh và học sinh. Thực hiện lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT vào các tiết học, buổi học ngoại khóa. Nhiều trường học còn phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến về kỹ năng xử lý tình huống giao thông, các hình thức xử lý vi phạm quy định về TTATGT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh.

Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh chưa cao, thích thể hiện bản thân; nhiều phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm giáo dục con em đúng mức hoặc quá nuông chiều để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích. Cùng với đó, công tác TTPBGDPL, nhất là phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT đối với học sinh tại một số nhà trường tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Việc TTPBGDPL mới chỉ dừng ở mức giúp học sinh hiểu được các quy định về bảo đảm TTATGT, tác hại, hậu quả nếu vi phạm các quy định về TTATGT. Bên cạnh đó, việc xử lý học sinh vi phạm về TTATGT mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về thì nặng nhất cũng chỉ phê bình trước lớp hoặc hạ hạnh kiểm. Thậm chí, khi bị bắt lỗi, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông chưa thể hiện rõ nét tính phòng ngừa, giáo dục, răn đe.

Công an huyện Kim Bảng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tại trường THPT Lý Thường Kiệt.

Công an huyện Kim Bảng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tại trường THPT Lý Thường Kiệt.

Chính vì vậy, việc quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm TTATGT cho học sinh cần phải được các nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, năm học 2022 – 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra xử lý, nhắc nhở trên 600 học sinh vi phạm các quy định về TTATGT, trong đó phần lớn là các hành vi: không đội MBH khi điều khiển phương tiện, chưa đủ tuổi nhưng vẫn lái xe và chở quá số lượng người quy định… Những vi phạm này đều là tác nhân trực tiếp có thể dẫn tới TNGT cho chính học sinh và người cùng tham gia giao thông.

Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về TTATGT đối với học sinh, nhất là khi năm học mới 2023 - 2024 sắp bắt đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo cần ban hành một văn bản quy định thống nhất, phù hợp về xử lý học sinh vi phạm trong lĩnh vực này, qua đó giúp các nhà trường có thêm cơ sở pháp lý đồng bộ trong quản lý, xử lý vi phạm. Cùng với đó, chỉ đạo các nhà trường yêu cầu phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe gắn máy trên 50cm3 cho học sinh theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); tổ chức cho học sinh ký cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông như: đội MBH đạt chuẩn và đúng quy cách, không dàn hàng ba, hàng bốn khi tham gia giao thông, không vượt đèn đỏ, không lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu... Coi trọng công tác phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, kỹ năng xử lý những tình huống thường gặp trên đường cho học sinh; lồng ghép nội dung TTPBGDPL về TTATGT, nhất là các quy định của Luật GTĐB cho học sinh vào các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết học giáo dục công dân…

Công an Phủ Lý kiểm tra, xử lý nghiêm học sinh vi pham Luật Giao thông đường bộ.

Công an Phủ Lý kiểm tra, xử lý nghiêm học sinh vi pham Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục của nhà trường thì việc kiên quyết xử lý nghiêm đối với những học sinh cố tình vi phạm quy định về TTATGT cũng cần được thiết lập, duy trì một cách thống nhất, đồng bộ, thường xuyên. Theo đó, Công an tỉnh cần chỉ đạo lực lượng CSGT thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là thời điểm học sinh đến trường và tan học, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, thông báo công khai danh tính học sinh vi phạm đến các nhà trường, địa phương và gia đình để có biện pháp phối hợp giáo dục, xử lý, ngăn ngừa từ sớm. Bên cạnh công tác quản lý của nhà trường và những biện pháp xử lý kiên quyết từ lực lượng chức năng, điều quan trọng hơn hết là mỗi phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn, ngăn chặn ngay từ ban đầu những suy nghĩ chưa chuẩn mực, những hành vi vi phạm, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của con em mình và người tham gia giao thông.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/an-ninh/xu-ly-nghiem-hoc-sinh-co-tinh-vi-pham-quy-dinh-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-102962.html