Xử lý nghiêm chiêu trò trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bài 1: Lật tẩy thủ đoạn làm giả giấy tờ để trục lợi

Công an TP.Biên Hòa mới đây đã đồng loạt khám xét 6 phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn và thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu nhằm làm rõ hành vi bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cấp khống giấy khám sức khỏe… Đây là hành vi đáng lên án và cần xử lý nghiêm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách quốc gia; đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và nhiều vấn đề khác.

Lực lượng công an khám xét Phòng khám Đa khoa Tam Đức (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) ngày 30-5. Ảnh: T.D

Thượng tá Ninh Văn Đẳng, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, qua công tác nắm tình hình, phản hồi từ phía các cơ quan chức năng, lực lượng trinh sát phát hiện trên địa bàn TP.Biên Hòa có một số nhóm đối tượng có hành vi mua, bán các giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận nghỉ bệnh để được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Do đó, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, xử lý.

Vụ khám xét gây rúng động dư luận

Sáng 30-5, Công an TP.Biên Hòa bố trí hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng công an một số phường, xã trên địa bàn đồng loạt kiểm tra, khám xét tại 6 phòng khám đa khoa tư nhân và nhà của 2 đối tượng có liên quan.

6 phòng khám tư nhân bị Công an TP.Biên Hòa tiến hành khám xét gồm: đa khoa Long Bình Tân; đa khoa Tân Long (P.Long Bình Tân); đa khoa Hoàng Minh Trí (P.Bửu Hòa); đa khoa Mỹ Đức (P.Long Bình); phòng khám Hiền Phước (P.Trảng Dài) và đa khoa Tam Đức (P.Tân Hiệp).

Có 40 đối tượng liên quan đến vụ việc được công an triệu tập. Bước đầu, các đối tượng đã khai nhận một số hành vi làm giả các loại giấy tờ.

Riêng 2 đối tượng L.T.H. (nam, 43 tuổi) và H.T.Đ. (nữ, 39 tuổi, cùng ngụ TP.Biên Hòa) được xác định là “cò” giữa một số nhân viên của các phòng khám đa khoa tư nhân và công nhân lao động (có nhu cầu) đang làm việc tại các công ty trên địa bàn đã bị bắt giữ. Khám xét nhà của 2 đối tượng, công an phát hiện có 233 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do nhiều phòng khám đã lập khống nội dung chờ các đối tượng giao bán cho khách hàng.

Khai với cơ quan điều tra, H.T.Đ. cho biết, thời gian đầu, giá bán mỗi tờ giấy khám sức khỏe từ 80-90 ngàn đồng. Thời gian sau này, khi có nhiều “mối”, đối tượng này bán với giá 40 ngàn đồng/giấy, lấy hoa hồng 10 ngàn đồng/giấy.

Trong khi đó, đối tượng L.T.H. khai thường nhận mối làm giấy tờ cho công nhân của Công ty TNHH P.C (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) và một số công ty ở Khu công nghiệp Amata. Có những nơi làm với số lượng lớn (hàng ngàn giấy), các phòng khám chỉ lấy của “cò” từ 20-30 ngàn đồng/giấy. Sau đó, “cò” bán lại cho công nhân và lấy tiền chênh lệch 10 ngàn đồng/giấy.

Theo cơ quan công an, để thực hiện trót lọt chiêu thức này, các đối tượng môi giới đã móc nối với các nhân viên y tế đang làm việc tại các phòng khám đa khoa tư nhân nhằm làm giả hồ sơ, giả chữ ký của người khám bệnh, khám sức khỏe khống để lập hồ sơ hòng rút tiền từ quỹ BHXH. Theo ước tính sơ bộ, mỗi năm, các phòng khám đa khoa tư nhân bị khám xét đã làm khống hàng chục ngàn giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH, trục lợi số tiền lớn.

Ngoài ra, các đối tượng còn lập hồ sơ khống để rút tiền từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Nghĩa là, trên thực tế công nhân không bị bệnh, không đi khám bệnh nhưng các phòng khám vẫn kê khống hồ sơ để được hưởng tiền khám, chữa bệnh từ nguồn quỹ BHYT, gây thất thoát nguồn quỹ.

Bước đầu điều tra, cơ quan công an xác định, đường dây làm giả giấy tờ để trục lợi các khoản tiền bảo hiểm này đã hoạt động trong một thời gian dài, có sự tham gia của nhiều đối tượng với các thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp.

Vì lợi nhuận mà bất chấp cảnh báo

Khai báo tại cơ quan công an, dược sĩ T.M.H. (Phòng khám Đa khoa Tam Đức, P.Tân Hiệp) cho biết, hàng ngày, chị có nhiệm vụ tiếp nhận, làm giấy khám sức khỏe cho người thi bằng lái xe và xin việc làm.

Theo báo cáo BHXH tỉnh Đồng Nai gửi BHXH Việt Nam, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH của 6 phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa không đúng quy định như: người bệnh không đi khám nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

An Yên

Ngoài một số người trực tiếp đến khám tại phòng khám còn có nhiều trường hợp có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe nhưng không đến phòng khám. Những trường hợp này đều được quản lý phòng khám chỉ đạo làm giấy và thu số tiền 70 ngàn đồng/giấy.

Theo chị H., sau khi đăng ký số thứ tự, ghi tên vào giấy khám bệnh, nhân viên y tế sẽ đưa giấy khám bệnh khống đến các bộ phận khác để ghi đầy đủ những thông tin cần thiết trên giấy khám bệnh rồi đóng mộc, giao cho khách.

Trong khi đó, chị B.N.Q. (nhân viên Phòng khám Đa khoa Tam Đức) cho hay, để làm một giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm, hàng ngày các nhân viên được phân công nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ, chuyển giấy cho bác sĩ nhập toa thuốc rồi ký, đóng dấu mộc.

Mỗi ngày, đơn vị này lập và bán ra khoảng 15-20 giấy nghỉ bệnh để hưởng BHXH. Số tiền được đơn vị này quy định, mỗi ngày nghỉ (ghi trên giấy) là 25 ngàn đồng, 2 ngày nghỉ là 50 ngàn đồng. Người nào xin nghỉ bao nhiêu ngày thì cứ nhân số tiền đó lên để thu.

Còn chị T.T.H.N. (nhân viên kế toán Phòng khám Đa khoa Tam Đức) cho biết, nếu tính cả việc bán giấy khám sức khỏe và giấy nghỉ hưởng BHXH, mỗi ngày phòng khám thu về khoảng 2 triệu đồng.

Các phòng khám hưởng lợi từ nhiều nguồn

Thượng tá Ninh Văn Đẳng cho biết, qua công tác điều tra xác định, các đối tượng đã móc nối với nhau để làm giả các loại giấy tờ trên bán cho nhiều người để trục lợi.

Khách hàng mua giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH, BHYT đa số là công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Biên Hòa và một số khu vực lân cận. Bên cạnh đó, một số khác có nhu cầu làm các loại giấy khám sức khỏe để thi bằng lái xe, hoặc làm các việc khác đã liên hệ với các phòng khám để mua các loại giấy tờ này.

Thiếu tá Đỗ Hồng Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa cho hay, qua công tác điều tra, cơ quan công an xác định, nguồn thu lợi bất chính của các phòng khám chủ yếu từ việc bán các loại giấy khám sức khỏe để xin việc làm, thi bằng lái xe.

Đặc biệt, trong vụ án này, cơ quan công an xác định, các phòng khám đã lập khống hồ sơ của bệnh nhân gồm: chi phí khám, điều trị và tiền thuốc để quyết toán hưởng BHYT; lập khống giấy nghỉ bệnh để hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH.

“Để làm các hồ sơ, thủ tục này, các phòng khám đã lấy thông tin từ những bệnh đã từng đến khám tại phòng khám trước đây hoặc thông tin từ những hồ sơ khám sức khỏe tại các cơ sở này để làm khống giấy tờ” - thiếu tá Đỗ Hồng Trường nói.

Lực lượng công an đã thu giữ hơn 130 ngàn giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hơn 400 tờ giấy khám sức khỏe (đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám); 100 thùng tài liệu, hơn 40 đầu CPU máy vi tính, điện thoại di động và nhiều tài liệu, tang vật khác có liên quan tại 6 phòng khám bị khám xét.

Trần Danh

Bài 2: Nhiều chiêu trò tinh vi, phức tạp

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202307/xu-ly-nghiem-chieu-tro-truc-loi-quy-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-3170479/