Xử lý gần 800 vụ tụ tập đông người liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý gần 800 vụ tham gia tụ tập đông người; tấn công, vô hiệu hóa hàng chục ngàn tài khoản, bài viết có nội dung xấu độc

Ngày 29-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nhật Bắc

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, đại diện Tiểu ban An ninh, trật tự, cho biết chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ tư, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã huy động trên 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

"Lực lượng CAND đã có trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ bị mắc COVID-19 và có 11 cán bộ, chiến sĩ tử vong do COVID-19, trong đó có 6 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ phòng chống dịch" - ông Tuyến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, lực lượng CAND đã phát hiện, xử lý, tham mưu xử lý gần 800 vụ tham gia tụ tập đông người liên quan đến công tác phòng chống dịch. Tấn công, vô hiệu hóa hàng chục ngàn tài khoản, bài viết có nội dung xấu độc tuyên truyền trên không gian mạng, xuyên tạc về chủ trương, công tác phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước ta.

Đã xử phạt vi phạm hành chính trên 550 đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch. Phát hiện, xử lý hành chính 1.295 vụ với 3.232 trường hợp xuất nhập cảnh vi phạm quy định về xuất nhập cảnh.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý gần 800 vụ tham gia tụ tập đông người

Lực lượng công an đã chủ động phối hợp, phát hiện xử lý 365 vụ với 413 đối tượng lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để thực hiện các hành vi như đầu cơ nâng khống giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch...

Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để tham nhũng tiêu cực, đặc biệt là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các vụ mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo, như vụ án Việt Á.

Từ điểm cầu TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu lên các bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, đã sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

TP HCM cũng đã rút ra là ứng xử chính sách và sự phối hợp điều hành của các ngành, các cấp trên địa bàn kịp thời đã có tính chất quyết định đến kết quả phòng chống dịch như việc bố trí nguồn lực cho phòng chống dịch, chiến lược vắc-xin; việc sản xuất, lưu thông, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND TP HCM, việc ra các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định "mở cửa" càng khó hơn và TP HCM đã "mở cửa" nền kinh tế từ ngày 1-10-2021.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn, thành lập hệ thống chỉ đạo từ trung ương tới cơ sở.

"Chúng ta xác định đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra 2 lần ra Lời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.

Kết quả là Việt Nam đã "đi sau về trước" trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước từ 11-10-2021 và mở cửa với quốc tế từ 15-3-2022.

Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tính đến 31-12-2022, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451 ngàn tỉ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 50 ngàn tỉ đồng; hỗ trợ trên 47,2 ngàn tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120 ngàn tỉ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150 ngàn tấn gạo được xuất cấp...

"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế...).

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch.

Thủ tướng cho rằng dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/xu-ly-gan-800-vu-tu-tap-dong-nguoi-lien-quan-den-phong-chong-dich-covid-19-20231029133001323.htm