Xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất một số biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc, không đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất, cá nhân, tổ chức vi phạm phải đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH chậm đóng vào Quỹ BHXH. Kế tiếp, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đặc biệt, không xem xét thành tích đạt được, không trao tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng. Trốn đóng BHXH bắt buộc, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp tương tự. Thêm vào đó, xét thấy đủ điều kiện, pháp luật sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

BHXH Việt Nam ban hành công văn hợp nhất quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với doanh nghiệp (DN) nợ tiền BHXH. Theo đó, nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì DN có trách nhiệm đóng đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì phải xác nhận sổ BHXH cho NLĐ đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ, cơ quan BHXH xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Khi khoản tiền BHXH được DN đóng bù thì NLĐ sẽ được chi trả chế độ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, ốm đau do DN nợ tiền BHXH, khi DN đóng đủ, NLĐ sẽ được giải quyết chế độ này. Trước đây, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH lấy tiền kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo Luật Việc làm, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không có nội dung chi cho các trường hợp này.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 NLĐ bị nợ đóng BHXH do DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu… Theo quy định hiện hành, việc DN chậm đóng BHXH, không giải quyết kịp thời chế độ thai sản, ốm đau… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của NLĐ; chậm/không xác nhận quá trình tham gia BHXH cũng là hành vi tương tự.

Báo cáo về tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các DN năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, một bộ phận DN chấp hành chưa nghiêm quy định liên quan đến quyền lợi của NLĐ, nhất là về tiền lương, tiền thưởng, BHXH. Trong đó, có DN sản xuất - kinh doanh tăng trưởng, nhưng vẫn không tăng phúc lợi, hoặc cắt giảm phúc lợi đã thỏa thuận, làm số đông lao động bức xúc. Đặc biệt, một số chủ DN để lại khoản nợ lớn tiền lương, BHXH của NLĐ. Tình trạng DN trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.

Chị Lê Thị T. (ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, tháng 11/2022, chị vào làm công nhân một công ty ở TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Chị ký hợp đồng lao động với công ty thời hạn 1 năm. Hàng tháng, công ty đều trích một khoản tiền của chị để đóng BHXH. Làm việc hơn 1 năm, chị sinh con và nghỉ thai sản.

Chị nhiều lần đến trụ sở, yêu cầu công ty đóng khoản tiền BHXH mà công ty nợ để chốt sổ BHXH nhận trợ cấp thai sản. Tuy nhiên, chị không tiếp cận được lãnh đạo, trụ sở công ty “cửa đóng then cài”. Nhiều tháng qua, chế độ thai sản của chị T. “tạm để đó”.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2016 chiếm 3,75%, đến năm 2022 là 2,9% và năm 2023 là 2,7%, nhưng số tiền chậm đóng năm 2023 đã lên đến trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin, để khắc phục bất cập việc tổ chức thực hiện luật khi xử lý vụ việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng BHXH, phân định rõ hành vi. Qua đó, áp dụng biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng cụ thể.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xu-ly-doanh-nghiep-cham-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-a393880.html