Xu hướng vẽ henna lên mặt bị chỉ trích

Henna, loại thuốc nhuộm theo truyền thống của người Nam Á được áp dụng cho bàn tay và bàn chân, trở nên phổ biến khi mọi người sử dụng nó để tạo tàn nhang.

Henna là loại thuốc nhuộm có nguồn gốc từ thực vật, được nền văn hóa ở các châu lục khác nhau sử dụng như hình thức nghệ thuật trên cơ thể trong nhiều thiên niên kỷ.

Trong hai năm qua, henna đã bùng nổ trên mạng xã hội. Nhiều người sử dụng nó để vẽ tàn nhang bán vĩnh viễn trên khuôn mặt của họ.

Người da trắng thử xu hướng vẽ henna nhưng sai cách bởi henna vốn không được vẽ lên mặt. Ảnh: SCMP.

Chiếm đoạt văn hóa

Một số người Nam Á đã lên tiếng chống lại xu hướng này, gọi đó là hành động chiếm đoạt văn hóa. Họ cho rằng người da trắng chiếm đoạt văn hóa khi sử dụng henna để làm đẹp sai cách và sai mục đích, thiếu tôn trọng giá trị truyền thống.

Hồi tháng 1, một sinh viên 20 tuổi người Australia gốc Ấn, Jasmine Diviney, cho biết cô đã xem một video về "tàn nhang henna" bị lỗi. Trong đó, cô gái da trắng than phiền rằng mọi người không nên thử vẽ henna vì chúng không xóa được.

Jasmine Diviney ngay sau đó đã phản hồi: "Người Ấn Độ đã không hướng dẫn các bạn cách sử dụng henna như vậy. Ở đất nước chúng tôi, henna không được vẽ lên mặt”. Cô cũng cho biết thêm rằng kiến thức phổ biến về henna là tuyệt đối không sử dụng cây lá móng trên mặt vì vùng da này rất nhạy cảm.

Henna theo truyền thống được áp dụng cho bàn tay và bàn chân, thường là trong lễ kỷ niệm và đám cưới ở các cộng đồng Nam Á. Ảnh: Shutterstock.

Theo tạp chí làm đẹp Allure, các bác sĩ da liễu cảnh báo rằng “tàn nhang henna” có thể gây kích ứng da. Họ khuyên bạn nên sử dụng thuốc nhuộm henna tự nhiên thay vì các sản phẩm có hóa chất và chất bảo quản.

Theo Đại học St. Thomas ở Canada, henna - được gọi là mehndi trong tiếng Hindi và Urdu - theo truyền thống được áp dụng cho bàn tay và bàn chân, thường là trong các lễ kỷ niệm và đám cưới ở cộng đồng Nam Á. Các nền văn hóa Trung Đông và châu Phi cũng sử dụng nó để nhuộm tóc, móng tay và vải.

Lakshmi Nair, một phụ nữ Ấn Độ 18 tuổi sinh ra ở Canada tin rằng khi mọi người tham gia vào các xu hướng sử dụng henna “không đúng cách”, điều đó sẽ “làm mất uy tín” về tầm quan trọng của nền văn hóa và cách sản phẩm thường được sử dụng.

Bị phân biệt vì có henna trên cơ thể

Ome Khan, 30 tuổi, người Mỹ gốc Pakistan nói rằng khi còn nhỏ, những đứa trẻ khác thường chế nhạo cô vì những vết henna trên cơ thể. Cô ấy nói rằng những người da trắng “chỉ muốn có tàn nhang” vì họ chạy theo xu hướng làm đẹp chứ không thực sự hiểu về văn hóa henna.

Hình xăm henna tạm thời được ưa chuộng cho những người không chắc chắn về quyết định của bản thân. Ảnh: Denver Henna.

Khan và Nair, cả hai đều nói rằng họ bị chế giễu vì henna trên cơ thể, rằng xu hướng này chỉ "tuyệt" khi được những người da trắng quan tâm đến.

Luật sư và nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Kudrat Dutta Chaudhary chia sẻ những so sánh này có liên quan đến "cảm giác nôn nao thuộc địa". Bà cho biết về quan điểm cho rằng người da trắng vượt trội về trí tuệ và văn hóa so với người da màu vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Hệ quả của điều này là các sản phẩm làm trắng da, phần lớn để thúc đẩy lý tưởng làm đẹp của người châu Âu, vẫn còn phổ biến ở Ấn Độ.

“Lớn lên ở Ấn Độ, tôi nhận thấy bất kỳ sản phẩm nào được ủng hộ bởi người da trắng luôn được coi là hợp pháp hơn”, Chaudhary nói.

Sunaina Maira, giáo sư Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại UC Davis ở bang California, Mỹ, nói rằng trong khi các nền văn hóa luôn vay mượn lẫn nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang, điều quan trọng vẫn là xem xét ai đang thu lợi từ những xu hướng này.

Giống như Maira, chuyên gia tiếp thị và quảng cáo Davina Rajoopillai, cho biết những xu hướng này chỉ ra vấn đề lớn hơn về sự bất bình đẳng trong ngành công nghiệp làm đẹp, bởi vì phụ nữ Nam Á đã phải “làm việc chăm chỉ để được đại diện". Khi những người da trắng lan truyền xu hướng với các sản phẩm Nam Á, điều đó như lời nhắc nhở về “sự tiến bộ chậm chạp đã đạt được trong những năm gần đây”.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-huong-ve-henna-len-mat-bi-chi-trich-post1323277.html