Xu hướng tiểu thuyết về trải nghiệm làm mẹ

Từ cú sốc và nỗi sợ hãi khi chuyển dạ đến cảm giác cô lập trong chính căn nhà của mình, ngày càng nhiều tác giả viết thuật lại trải nghiệm làm mẹ trong tiểu thuyết của mình.

Ảnh minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels.

Tiểu thuyết viết về tình mẫu tử xuất hiện theo từng làn sóng một: vào những năm 1950, đại diện tiêu biểu có thể kể đến Life among the savage của Shirley Jackson, thập niên 1960 có The millstone của Margaret Drabble, The golden notebook của Doris Lessing và The feminine mystique của Betty Friedan; thập niên 1970 có The women's room của Marilyn French, Of woman born của Adrienne Rich và In search of our mothers' gardens của Alice Walker.

Trong những năm 1980, văn chương về tình mẫu tử trở nên táo bạo và giàu trí tưởng tượng hơn, với Beloved của Toni Morrison, The handmaid's tale của Margaret Atwood và Nights at the circus của Angela Carter.

Đầu những năm 2000 chứng kiến sự bùng nổ của thể loại sách phi hư cấu, trong đó có các bài viết của Rachel Cusk và Anne Enright. Và cứ thế, cho đến ngày nay, dù có viết bao nhiêu về tình mẫu tử đi chăng nữa, người ta vẫn có cảm giác như còn nhiều điều để khai thác.

Là một độc giả đã qua trải nghiệm này, cây viết Rhiannon Lucy Cosslett của tờ Guardian cho biết bà muốn tìm kiếm câu trả lời, muốn cảm thấy được đồng cảm và tìm kiếm sự ghi nhận trên những con chữ. Bà kể tên ba cuốn tiểu thuyết được xuất bản gần đây đã khiến bà thỏa mãn và ấn tượng: The nursery của Szilvia Molnar, Soldier sailor của Claire Kilroy, và Reproduction của Louisa Hall.

"Những tác phẩm này được dẫn dắt bằng một giọng văn giàu nội tâm, phù hợp với trạng thái tâm lý đặc biệt này. Tôi cho rằng các tác giả bị ảnh hưởng nhiều bởi tự truyện và sách phi hư cấu sáng tạo cũng như các tiểu thuyết khác", Lucy Cosslett viết.

Những cuốn sách này thường không có nhiều biến cố tiểu thuyết, phần lớn cốt truyện chỉ xoay quanh trải nghiệm của người phụ nữ, cách cuộc sống họ thay đổi một khi họ có con. Có cả niềm vui cũng như những cơn giận. Những cảm xúc này đẩy nhân vật chính đến ngưỡng như muốn phát điên, và họ vật lộn, giằng xé lớp màng bọc của cái thế giới mà họ hằng biết. Đối với Lucy Cosslett, chính cuộc vật lộn này khiến cho cuốn tiểu thuyết trở nên hấp dẫn.

Những tiểu thuyết gần đây về tình mẹ khám phá đa dạng chủ đề như công việc và bản sắc, sự sáng tạo và mất mát, tình yêu, mâu thuẫn, thậm chí cả sự hối tiếc. Những tác phẩm ấy mang tính chính trị mà không tỏ ra mô phạm.

Một điểm đáng lưu ý là những tiểu thuyết về trải nghiệm làm mẹ ngày nay không ngần ngại động chạm đến những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề tăm tối tựa như cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết gothic. Chính sự khai thác thẳng thắn ấy khiến cho nhiều độc giả cảm thấy đồng cảm.

Theo Rhiannon Lucy Cosslett, thế hệ nhà văn sáng tác những tác phẩm này dường như chịu ảnh hưởng nhiều bởi hai tác giả không sáng tác bằng tiếng Anh là Elena Ferrante (người Italy) và Annie Ernaux (người Pháp). Cả hai cây viết này đều mổ xẻ những trải nghiệm thật từ cuộc đời và cơ thể họ một cách thản nhiên đến trần trụi. Họ đã giúp xóa mờ ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu, đồng thời đề cao một điều mà trước đây khó nắm bắt trong tiểu thuyết tiếng Anh: cơ thể con người và sức sống tự nhiên của nó.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/xu-huong-tieu-thuyet-ve-trai-nghiem-lam-me-post1458550.html