Xu hướng phát triển của các vùng đô thị Pháp

Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng quá trình đô thị hóa của Pháp vẫn tiếp tục. Điều đáng chú ý là các đô thị vùng ven đang ngày càng thu hút người dân hơn, thậm chí còn nhiều hơn các thành phố trung tâm.

Khu vực gần Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Khu vực gần Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày càng nhiều người Pháp sống trong một khu vực đô thị, hoặc các khu vực vùng ven của một thành phố. Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE) vừa công bố hai cuộc khảo sát về chủ đề này, mặc dù khác nhau trong cách tiếp cận, nhưng các lĩnh vực nghiên cứu và các tiêu chí được sử dụng không giống nhau.

Kết luận của cả hai cuộc khảo sát chỉ ra cùng một thực tế rằng quá trình đô thị hóa của Pháp vẫn tiếp tục. Điều đáng chú ý là các đô thị vùng ven đang ngày càng thu hút người dân hơn, thậm chí còn nhiều hơn các thành phố trung tâm.
Nghiên cứu đầu tiên là đơn vị đô thị. Các nhà thống kê của INSEE định nghĩa đó là một tập hợp các thành phố chia sẻ một khu vực được xây dựng liên tục và có ít nhất 2.000 dân. Trong vòng 10 năm (2007-2017), có 2,8 triệu người được tính bổ sung vào 2.467 đơn vị đô thị trên lãnh thổ Pháp.

Các khu vực này hiện có dân số 52,9 triệu người, tương đương tỷ lệ 8/10 người Pháp sống tại đô thị. Con số này là 5/10 nếu tính riêng các đơn vị đô thị trên 100.000 dân.
Nghiên cứu thứ hai liên quan đến các khu vực chịu ảnh hưởng của một thành phố. Nói cách khác, đó là việc đo lường ảnh hưởng mà một thành phố tạo ra đối với các địa phương xung quanh. Mỗi khu vực được tạo thành từ một đô thị hạt nhân, được xác định trên cơ sở các tiêu chí về dân số và việc làm, và các đô thị vệ tinh nơi ít nhất 15% lực lượng lao động làm việc tại đô thị hạt nhân.

Vào năm 2020, hơn 9/10 người Pháp, hoặc 93% dân số Pháp, sống tại 699 khu vực như trên. Hơn một nửa dân số (51%) ở các đô thị hạt nhân và 43% ở xung quanh. Với 13 triệu dân, khu vực ảnh hưởng của Paris thu hút gần 1/5 dân số Pháp.
Sự gia tăng dân số ở những khu vực này chủ yếu liên quan đến động lực nhân khẩu học. Pháp đã hoàn thành quá trình chuyển đổi đô thị. Di cư từ nông thôn lên thành phố đã dừng lại vào những năm 1970 và 1980. Do đó, sự gia tăng số lượng dân cư chủ yếu dựa trên tỷ lệ sinh.

Tuy nhiên, các mức sinh không đồng nhất giữa các địa phương. Ở những khu vực ảnh hưởng với hơn 700.000 dân, mức sinh cao hơn nhiều so với những nơi khác. Dân cư ngày càng trẻ, sự cân bằng tự nhiên (chênh lệch giữa sinh và tử) do đó rất tích cực.
Trong số các khu vực trên 700.000 dân, một số đô thị ở miền Nam như Bordeaux, Toulouse, Montpellier, cũng như các đô thị biên giới như Annemasse sát Geneva (Thụy Sỹ) có tầm ảnh hưởng lớn.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Thụy Sỹ, ngày 4/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Thụy Sỹ, ngày 4/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài tỷ lệ sinh cao, số người dân định cư nhiều hơn số rời đi. Nghiên cứu của INSEE - phù hợp với các tiêu chí của Eurostat và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - cho phép lần đầu tiên quan sát được tầm ảnh hưởng của một số thành phố nước ngoài tại Pháp.

Cụ thể, bảy khu vực ảnh hưởng trên lãnh thổ Pháp có đô thị trung tâm là một thành phố nước ngoài: Basel, Geneva và Lausanne (Thụy Sỹ), Charleroi (Bỉ), Saarbrücken (Đức), Luxembourg và Monaco.
Ở các khu vực trung bình (từ 50.000 đến 700.000 dân), mức tăng trưởng dân số ít hơn. Những địa phương ít hơn 50.000 dân và nằm ngoài tầm ảnh hưởng đô thị thậm chí ghi nhận mức sinh giảm nhẹ trong 5 năm qua. Số người cao tuổi nhiều hơn. Tỷ lệ di cư vẫn dương, nhưng không bù đắp được suy giảm dân số tự nhiên.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của thành phố cho thấy các vùng ngoại vi hiện nay hấp dẫn hơn các đô thị hạt nhân. INSEE chỉ rõ rằng ở các thành phố vệ tinh, cán cân di cư là dương và lớn hơn cân bằng tự nhiên, do ngày càng nhiều hộ gia đình định cư ở ngoại ô các thành phố lớn. Nội đô Paris cũng không nằm ngoài quy luật: Thủ đô đang ngày càng vắng so với các đô thị ngoại ô.
Điều này tương ứng với chu kỳ sống truyền thống. Những người trẻ tuổi và độc thân chuyển đến trung tâm thành phố, sau đó họ chuyển nhà khi có con đầu lòng. Điều này không có gì mới. Việc các gia đình chuyển đến những khu vực thông thoáng hơn đã trở thành trào lưu vào những năm 1960, khi hệ thống đường sắt đô thị phát triển. Cuộc khủng hoảng nhà ở chỉ củng cố hiện tượng này.
Theo ông Eric Verdeil, Giáo sư địa lý và nghiên cứu đô thị tại trường đại học Sciences Po, ngay cả những vùng được coi là nông thôn cũng được tích hợp vào lối sống thành thị. Những người lao động sống cách đô thị hạt nhân 70 km, nhưng vẫn sáng đi làm tối về nhà.
Ông dự đoán rằng phong trào này ngày càng tăng vì dịch bệnh COVID-19 và sự phát triển của phương pháp làm việc từ xa. Các khu vực nông thôn sẽ là nơi sinh sống của những người làm việc từ xa. "Sau đó, chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhân khẩu nông thôn nhưng với lối sống thành thị", ông Verdeil nhấn mạnh.

Điều này hoàn toàn có thể diễn ra ở Pháp vì chất lượng cơ sở hạ tầng rất tốt, với Internet tốc độ cao, hệ thống đường sắt và đường cao tốc phủ khắp và thuận tiện./.

Linh Hương (TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-phat-trien-cua-cac-vung-do-thi-phap/176355.html