Xu hướng du lịch bền vững tại Thái Lan

Chính sách carbon thấp và định hướng du lịch phát triển bền vững đang được Thái Lan áp dụng nhằm thực hiện cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Du khách thăm quan bên ngoài Hoàng cung Thái Lan ở Bangkok ngày 8/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Thái Lan đang chịu các tác động của biến đổi khí hậu vốn ngày càng hiển hiện như một thách thức toàn cầu. Nhà chức trách Thái Lan nhận thức rằng để phát triển bền vững, các nguồn tài nguyên cần được sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, và không thể đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách và vấn đề liên quan biến đổi khí hậu, do đó, cần được tích hợp vào chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và du lịch cũng không ngoại lệ.

*Chính sách carbon thấp và định hướng du lịch mới theo lối bền vững

Tai Hội nghị COP 26 diễn ra năm 2021, Thái Lan đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và đưa mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính về 0 vào năm 2065. Quốc gia Đông Nam Á cũng phấn đấu nâng cao mức đóng góp quốc gia nhằm giảm 30-40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 từ mục tiêu trước đây là 20-25%, nhằm tiến tới các mục tiêu trung hòa carbon và không phát thải.

Để thực hiện các cam kết khí hậu, Thái Lan bắt đầu chuyển đổi sang Mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) nhằm cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên. Chính phủ cũng đã vạch ra một “Bản đồ Môi trường” nhằm thúc đẩy sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông minh và giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu, cũng như tiến tới một xã hội carbon thấp ở tất cả các khu vực của Thái Lan vào năm 2027.

Trong lĩnh vực du lịch, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới chất lượng các điểm đến du lịch dựa vào tự nhiên. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra, chẳng hạn như đóng cửa một số điểm du lịch ở giai đoạn nguy cơ cao, thay đổi lịch du lịch để tương ứng với những thay đổi trong mô hình theo mùa và sử dụng dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động du lịch khác nhau, chẳng hạn như ẩm thực, y tế và sức khỏe, và các sự kiện văn hóa.

Ví dụ, các điểm đến du lịch đảo sẽ đóng cửa trong mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 9 để giảm nguy cơ bão. Các thác nước và hang động ở miền Bắc và Đông Bắc cũng sẽ được đóng cửa trong mùa mưa để giảm nguy cơ lũ lụt và lở đất. Các biện pháp này đã chứng minh hiệu quả trong nỗ lực bảo tồn, cho phép thiên nhiên tự phục hồi trong giai đoạn đóng cửa.

*Du lịch nông nghiệp và mùa hái quả ở miền Đông Thái Lan

Một tour du lịch nông nghiệp ở Chanthaburi, Thái Lan. Ảnh: Thinking lifestyle

Các tỉnh miền Đông Thái Lan vốn nổi tiếng là vựa trái cây của đất nước. Thời điểm tháng Tư cũng là mùa thu hoạch nhiều trái cây nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, nhãn… Từ thế mạnh này, các tỉnh đã xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp như một điểm nhấn để thu hút khách. Khách du lịch tới đây sẽ có cơ hội tận mắt thăm các vườn trái cây, xem cách nông dân thu hoạch hoa quả và đặc biệt là cơ hội nếm thử các loại hoa quả nhiệt đới thơm ngon đặc biệt.

Cũng như các tỉnh Trat và Rayong lân cận, Chanthaburi là một một khu vực nổi tiếng về du lịch nông nghiệp của Thái Lan. Chanthaburi đang hướng tới mục tiêu phát triển thành một “thủ phủ trái cây” không chỉ của Thái Lan mà còn cả của khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Chanthaburi là nơi trồng ra những quả sầu riêng ngon nổi tiếng của Thái Lan, trong đó có giống sầu riêng Kan Yao quý hiếm, được coi là vua của các loại quả nhiệt đới và được nhiều người châu Á ưa chuộng.

Vườn KP nơi chúng tôi đến thăm là một trong rất nhiều vườn trái cây ở Chanthaburi. Bà Apiradee Sirivijitkul, chủ vườn và cũng là Cố vấn Hiệp hội du lịch Chanthaburi, hồ hởi mời chúng tôi nếm thử các loại trái cây từ vườn nhà . Bà Apiradee cho biết trước đây hoa quả của cả vùng này có giá rất rẻ vì thu hoạch nhiều nhưng bán không kịp. Nhiều ngày nung nấu với suy nghĩ làm sao để tăng giá trị cho vườn cây trái, nữ chủ vườn nhận ra rằng “hoa quả không có chân để đi đến với du khách, vậy thì phải tìm cách để du khách đi đến với vườn quả”. Từ suy nghĩ này, bà Apiradee cho biết đã liên kết với hơn 20 chủ vườn khác trong khu vực để cùng thực hiện mô hình quảng bá du lịch thăm vườn trái cây và nếm thử hoa quả. Mô hình này ngày càng thu hút nhiều khách du lịch đến với các vườn trái cây nhiệt đới bạt ngàn ở Chanthaburi.

Không chỉ thế, các nhà vườn ở đây cũng đang hướng tới lối canh tác hữu cơ, giảm sử dụng thuốc trừ sâu nhằm hạn chế phơi nhiễm hóa chất trong cộng đồng nông thôn và người tiêu dùng. Có thể nói, du lịch nông nghiệp là một loại hình nông nghiệp gia tăng giá trị thông qua du lịch, không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy các tập quán nông nghiệp tốt.

*Koh Mak - hình mẫu về du lịch carbon thấp

Nằm cách đất liền 38 km, Koh Mak là một hòn đảo nhỏ có cảnh đẹp tự nhiên ở Vịnh Thái Lan. Được biết đến nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hòn đảo cho đến nay vẫn giữ được sự quyến rũ hoang sơ, với cộng đồng cư dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cây cao su, cây ăn quả và đánh cá.

Koh Mak là đảo lớn thứ ba của tỉnh Trat sau Koh Chang và Koh Kut. Cái tên Mak của hòn đảo này được cho là bắt nguồn từ chữ “maphrao” có nghĩa là quả dừa. Trước đây, cây dừa từng được trồng bạt ngàn trên hòn đảo này và đến nay dừa vẫn là loại trái cây mang lại thu nhập cho người dân trên đảo bên cạnh cây cao su.

Năm ngoái, Koh Mak đã được Chính phủ Thái Lan lựa chọn để thí điểm chính sách du lịch xanh theo Mô hình kinh tế BCG, theo đó hòn đảo này được đinhh hướng phát triển thành một điểm đến du lịch vừa có thể tạo ra thu nhập cho người dân vừa thúc đẩy quản lý tốt và cung cấp các điểm du lịch trên đảo với sự sạch sẽ, thuận tiện và an toàn.

Cô Panupan Suvachananonda, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại tỉnh Trat, cho biết Koh Mak không nhắm đến mục tiêu thu hút thật nhiều khách du lịch mà là hướng đến những khách du lịch chất lượng, những người sẵn sàng tuân thủ “Điều lệ Koh Mak” – một hương ước được những người dân trên đảo lập ra nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, ví dụ như khuyến khích sử dụng xe đạp và xe điện để vận chuyển trên đảo, hay tránh sử dụng các hộp đựng thực phẩm từ xốp hoặc các vật liệu có thể làm tăng ô nhiễm môi trường. Cô Panupan nói: “Với những khách du lịch ưa thích sự sôi động hay tiện lợi thì Koh Mak không phải là nơi thích hợp bởi ở đây không có sự náo nhiệt của cuộc sống về đêm, cũng không có cửa hàng tiện lợi 7/11.

Nhưng mục tiêu của Koh Mak là hướng du khách tới những hoạt động có trách nhiệm với môi trường và giảm thiểu dấu chân carbon của họ”. Tới đây, du khách có thể tìm thấy niềm vui qua các hoạt động thân thiện với môi trường như trồng san hô, lặn biển hay trải nghiệm sự độc đáo từ việc nhuộm vật phẩm lưu niệm bằng các phẩm màu tự nhiên của người dân địa phương.

Là một tình nguyện viên của tổ chức dọn rác Trash Hero, cô Rong Rong Zhu, chia sẻ cô đã “phải lòng” Koh Mak và mong muốn hòn đảo này sạch đẹp hơn. “Chúng tôi đã đặt thêm các giỏ đựng rác trên bãi biển ở đây để mọi người có thể tự dọn rác của họ”, cô nói. Zhu cho biết bản thân cô đã cố gắng hạn chế thải chai nhựa ít nhất có thể sau khi chứng kiến lượng lớn vỏ chai nhựa trên bãi biển mà nhóm của cô thu lượm được.

Tình nguyện viên đến từ Mỹ này tin tưởng rằng việc giáo dục trẻ em về trách nhiệm với môi trường thông qua việc giảm thải rác nhựa có ỹ nghĩa quan trọng để góp phần thực hiện mô hình carbon thấp.

Theo Tổng cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn, định hướng của Koh Mak trở thành “điểm đến carbon thấp” đầu tiên của Thái Lan rất phù hợp với phương châm du lịch bền vững hơn và có trách nhiệm hơn thông qua chủ đề “Năm du lịch Thái Lan 2022-2023: Những chương mới tuyệt vời” và mô hình BCG. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực nhằm bảo tồn tự nhiên và văn hóa để duy trì sức hấp dẫn của hòn đảo xinh đẹp.

Không chỉ được biết đến ở Thái Lan, Koh Mak vừa qua đã được vinh danh ở tầm quốc tế khi hòn đảo này được xếp thứ hai trong danh sách những điểm đến xanh tại Hội chợ du lịch quốc tế Berlin 2023. Năm ngoái, Koh Mak cũng được chọn đưa vào danh sách 100 điểm đến bền vững trên toàn cầu. Theo tổ chức Green Destinations, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang tích cực thúc đẩy để Koh Mak đạt được các tiêu chuẩn du lịch toàn cầu vào năm 2027. /.

Đỗ Sinh – Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-du-lich-ben-vung-tai-thai-lan/289561.html