'Xông đất' ruộng đồng

Với người nông dân Phú Yên, việc ra đồng thăm lúa đông xuân không chỉ khởi đầu công việc đồng áng trong năm mới mà còn là ngày họ 'xông đất' ruộng đồng, mong gặt hái mùa màng bội thu.

Nông dân xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) chăm sóc lúa đông xuân. Ảnh: NGỌC HÂN

Thăm đồng ngày tết

Mùng 5 tết, trên khắp các cánh đồng từ xã Hòa An đến các xã Hòa Định Đông, Hòa Định Tây, Hòa Hội… (huyện Phú Hòa), khá đông bà con nông dân ra đồng thăm lúa, cấy dặm, bón phân, dẫn thêm nước vào ruộng. Tiếng cười nói đầu xuân xen lẫn lời thăm hỏi, chúc tết vang cả ruộng đồng, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Ông Lê Văn Tụ ở xã Hòa Định Đông cho biết: Canh tác gần 8 sào ruộng nên ngay từ đầu năm, tôi ra đồng cấy dặm lại, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh để đẻ nhánh... Hơn nữa, vào thời gian này, tiết trời se lạnh, cây lúa thường chậm phát triển, dễ bị sâu bệnh gây hại tấn công.

Vừa nhanh tay cấy dặm, bà Nguyễn Thị Thắm ở xã Hòa Hội vui vẻ chia sẻ: Làm nông thì ai cũng vậy, phải cố gắng, chịu khó thăm nom, chăm sóc ruộng thường xuyên, bằng không cây lúa kém phát triển. Từ chiều 30 tết, tôi làm cỏ và be bờ cho ruộng sạch sẽ, giống như dọn dẹp nhà cửa đón tết vậy.

Đến mùng 5 tết mình dặm lại lúa, bón phân để cây lúa có chất dinh dưỡng trổ đòng. Hơn nữa tầm này trời hay se lạnh vào sáng sớm và nắng gắt về trưa cũng khiến cây dễ bị các loại bệnh như đạo ôn, bọ rầy… Vì vậy, việc thăm đồng ngày tết rất quan trọng, phòng ngừa sớm để giảm bớt thiệt hại.

Không tất bật với cây lúa thì nhiều hộ dân cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu phộng, dưa hấu… Người xới đất gieo trồng, người chăm sóc, thu hoạch rau màu.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa cho biết: Vụ đông xuân này, toàn huyện gieo sạ hơn 6.500ha và hơn 1.800ha bắp, mía, tiêu, rau đậu các loại. Là vụ chính trong năm nhưng cũng là vụ thường bị các yếu tố thời tiết, sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất, sản lượng đáng kể.

Vì vậy, đơn vị đang phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp và các hội, đoàn thể phát động phong trào diệt chuột để bảo vệ lúa; vận động bà con nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng để sớm phát hiện bệnh, không để bệnh gây hại nặng và lây lan.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ đông xuân 2023-2024, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 26.600ha. Hiện cây lúa trong giai đoạn mạ, bắt đầu đẻ nhánh nhưng bị ốc bươu vàng, chuột phát sinh gây hại, diện tích nhiễm nhẹ 23ha, tỉ lệ 5-10% dảnh tại các huyện Phú Hòa, Tuy An và TX Đông Hòa. Ngoài ra, một số đối tượng sinh vật gây hại như: Bọ trĩ, bọ xít, sâu đục thân bướm 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, tuyến trùng rễ… xuất hiện rải rác ở một số địa phương.

Tại các vùng trồng sắn ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa, từ trước tết đến nay, bệnh khảm lá vi rút gây hại trên cây sắn giai đoạn đang hình thành lá - thu hoạch. Sau tết, bà con nông dân đã chủ động phòng, chống nhiễm bệnh khảm lá để không ảnh hưởng năng suất cuối vụ.

Ông Trần Văn Tám ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), trồng hơn 1ha sắn cho hay: Bệnh khảm lá luôn đeo bám loại cây này nên vui ba bữa tết xong nông dân ở đây ra đồng làm cỏ, bón phân; khi phát hiện cây bị bệnh thì nhổ ngay.

Ngoài bệnh khảm lá trên cây sắn, bệnh sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại trên cây bắp. Bà Nguyễn Thị Lệ ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) cho biết: Vùng này nông dân trồng bắp tháng 3 là vụ chính (thu hoạch tháng 3 âm lịch). Riêng gia đình tôi trồng 3 sào bắp lai, sâu bắt đầu xuất hiện cắn phá. Nhờ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi phun 3 lần thuốc nên sâu bệnh đã giảm. Chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu, chụm vòi phun vào ngọn bắp mới có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên thông tin: Giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn là thời điểm cây lúa vụ đông xuân ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng; các cây trồng khác như bắp, rau đậu các loại, sắn, mía… đang giai đoạn sinh trưởng phát triển thân lá.

Do đó, những ngày trước tết Nguyên đán, chi cục đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương chăm sóc và phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng; đồng thời thường xuyên cử cán bộ và phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo Sở NN&PTNT, dự báo thời gian tới, lúa đông xuân 2023-2024 sẽ bị chuột, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu năn phát sinh gây hại. Cây rau ăn lá các loại, bắp, sắn, mía, tiêu… thường gặp các bệnh sương mai, bọ nhảy, sâu keo, bệnh khảm lá vi rút, đốm lá. Vì vậy, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân dù vui tết vẫn không quên chăm sóc cây trồng để không ảnh hưởng đến năng suất.

NGC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313319/-xong-dat--ruong-dong.html