Xóm Gò Sau giữ nghề truyền thống

Ông Nguyễn Khắc Nhân năm nay 65 tuổi hàng ngày vẫn cặm cụi chẻ tre vót nan đan giỏ, giữ nghề truyền thống. Ảnh: LÊ TRÂM

Người dân thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, bao đời nay làm nghề đan ky, bồ, rổ, rá, giỏ, vỉ… Khi nhịp sống hiện đại dần len lỏi vào những làng quê yên bình thì người làm nghề đan cũng thưa vắng hơn.

Hiện nay, thôn Thạnh Đức chỉ còn người dân ở xóm Gò Sau giữ nghề đan truyền thống này. Chủ yếu họ đan vỉ phơi bánh tráng, giỏ cắt cỏ nuôi bò…

Mai một làng nghề

Ba mươi năm trước, nhắc tới thôn Thạnh Đức, ngoài những cánh đồng lúa màu mỡ phù sa ven sông và mía sắn, khắp làng trên xóm dưới đâu đâu cũng có người ngồi đan ky, bồ, rổ, giỏ… bằng cây mò o, tre. Nhưng khi nhịp sống hiện đại dần len vào những làng quê, nhiều sản phẩm được đan ra từ cây tre, mò o dần được thay thế bằng đồ nhựa cộng với việc rừng cây mò o mất dần do bị đốn hạ để trồng keo, thì làng nghề cũng ngày càng thưa vắng. Những đồ dùng hàng ngày được đan khéo léo bằng mò o giờ chỉ còn là ký ức.

Người dân xóm Gò Sau sinh ra và lớn lên bên dòng sông Cái (sông Kỳ Lộ) và sông Con (sông Trà Bương). Hầu như người lớn tuổi nào ở xóm nhỏ này cũng có đôi bàn tay với chằng chịt vết cắt của tre, mò o. Hàng ngày, họ cần mẫn đi chặt mò o, vót nan đan vỉ phơi bánh tráng, giỏ cắt cỏ nuôi bò... Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ: Hồi trước ở đây nhiều đứa trẻ lớn lên một buổi đi học chữ, một buổi ở nhà được mẹ cha dạy cách vót nan, đan ky, giỏ. Còn nam nữ thanh niên lên rừng chặt mò o thả bè theo sông về bến. Đêm đêm, bên ánh đèn dầu, mọi người cần mẫn chẻ mò o đan bồ, ky cho kịp sáng ngày mai gánh đi phiên chợ sớm. Nhờ thế mà xóm làng đông vui. Nay thì nam nữ lớn lên đi xa làm ăn, trong xóm gần như chỉ còn người già và trẻ con.

“Con gái ở đây với bàn tay khéo léo, đem nghề đan đát truyền thống của làng mình về quê chồng. Chiếc sống chén tinh xảo, cái giỏ nhốt gà, cái giỏ đựng cỏ cho bò… cũng lần lượt ra đời và phát triển thêm ở vùng quê khác. Nhưng rồi người dân ở các làng quê lân cận cũng bỏ nghề, người thì đi lột keo, người thì gánh dưa mướn. Tại thôn Thạnh Đức, chỉ còn xóm Gò Sau còn giữ nghề đan đát”, bà Hương nói.

20 năm đan vỉ, giỏ

Con đường nhỏ vào xóm Gò Sau được đổ bê tông sạch đẹp, khang trang. Hai bên lề đường, nhà nhà trồng hoa mười giờ đỏ rực. Bà Huỳnh Thị Kim Trang, 52 tuổi, hàng ngày cần mẫn với nghề đan vỉ phơi bánh tráng mà ông bà để lại. Bà vừa nói chuyện với khách vừa léo viền - công đoạn khó nhất của nghề đan vỉ. Bà Trang cho hay: Cái vỉ này dài 2,2m, rộng 3,8 tấc phủ gọng. Mỗi ngày cả vót nan và đan, tôi làm được 5 vỉ, bán với giá 60.000 đồng/vỉ. Đó là vỉ đặt hàng đan nan cật, chỗ léo viền cũng đan nan cật. Còn vỉ đem ra chợ bán chỉ 25.000 đồng/vỉ, đan nan nghiêng có cật có ruột, chỗ léo viền đan bằng nan ruột phía trong cây mò o. Nhà tôi đan bỏ mối cho năm lò bánh tráng, một lò ở TX Sông Cầu, một lò ở Quy Nhơn (Bình Định) và ba lò ở huyện Đồng Xuân.

Theo bà Trang, vỉ đan có giá thành cao vì làm công phu, khi đan xong thành phẩm phải dùng lửa thui bằng cách dùng bó đuốc hơ ngang hơ dọc, không còn cạnh sắc bén chỗ mối chắp và để cho nan không bị mọt. “Thời buổi bây giờ đi chặt mò o rất xa, phải qua bên kia sông Cái. Đan cái vỉ cũng lắm công phu, tính ra thu nhập ngày công lao động không là bao, chủ yếu lấy công làm lời. Nhiều khi cũng nản nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ nghề của cha ông. Trong xóm có nhiều người đan vỉ nhưng họ tranh thủ lúc nông nhàn, còn gia đình tôi tính ra 20 năm ngày nào cũng vót nan đan vỉ”, bà Trang tâm sự.

Phía trước nhà bà Trang là nhà ông Nguyễn Khắc Nhân. Năm nay 65 tuổi, hàng ngày ông vẫn cặm cụi chẻ tre vót nan đan giỏ đựng cỏ. Ông Nhân cho hay: Nan tre chắc hơn nan mò o. Vì vậy giỏ phải đan bằng tre vì khi đựng cỏ, cái giỏ chịu được sức nặng. Tre phải mua ở tận bờ sông rồi chặt vác về chẻ nan. Trước đây tôi đan bồ cuốn, sau đó chuyển qua đan giỏ, tính ra cũng đã mấy chục năm. Mỗi ngày tôi chẻ nan rồi đan được 5 cái giỏ như thế này, bán với giá 20.000-25.000 đồng/cái, tùy lớn nhỏ. Sản phẩm làm ra không ế vì miền quê ai cũng nuôi bò mà là nuôi nhốt nên cần giỏ để cắt cỏ mang về cho bò ăn.

Xóm Gò Sau giờ đây chỉ có 8 hộ theo nghề đan vỉ, giỏ. Đó là những hộ có người già và trung niên làm kiếm thêm nguồn thu nhập nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống gia đình. Ở chợ Phước Lộc (xã Xuân Quang 3), phiên chợ nào cũng có người bán, người mua loại sản phẩm được làm bằng tre, mò o này.

Ông Võ Xuân Lộc, Trưởng thôn Thạnh Đức

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/272408/xom-go-sau-giu-nghe-truyen-thong.html