Xói mòn, sạt lở đất: Lời cảnh tỉnh từ biến đổi khí hậu

Thời gian qua, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, tình trạng xói lở bờ biển nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, tình trạng xói lở bờ biển nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) được đặt ra cấp bách như hiện nay. Vì vậy, cần các giải pháp phòng tránh thiên tai tích cực, hạn chế tối đa tác hại nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Hệ sinh thái bị phá vỡ

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở, xói mòn được cho là do thời gian gần đây thiên tai diễn biến không tuân theo quy luật, cực đoan, khó lường và là hậu quả trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn là sự tàn phá thiên nhiên do chính bàn tay con người đã làm cho môi trường ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng. Với áp lực tăng trưởng kinh tế, xã hội, nhiều địa phương đã bất chấp quy luật của tự nhiên để tiến hành việc đầu tư, xây dựng, dẫn đến phá vỡ môi trường sinh thái.

Sạt lở đất là khi một lớp đất bị dịch chuyển hoặc lùi lại, thường do sự biến đổi của khí hậu, độ ẩm, độ ẩm đất, độ đàn hồi của đất hoặc do sự tác động của con người. Sạt lở đất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Nó có thể làm thay đổi địa hình, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tương lai, dưới tác động của BĐKH, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở sẽ mở rộng thêm.

Suốt một thời gian dài rừng bị tàn phá, thảm thực vật bị mất đi nên lũ về sớm, liên tiếp gây ra sạt lở nghiêm trọng. Nếu có thảm thực vật, nước sẽ ngấm xuống đất. Mưa xuống, nước sẽ chia làm các nhánh, một là sẽ ngấm xuống đất, vướng trên lá rồi bốc hơi, còn lại sẽ chảy thành lũ. Mất rừng, đất không thấm nước, không còn lá, lũ sẽ mạnh lên. Dòng chảy mặt là dòng nguy hiểm nhất, rừng mất lớp mùn thì sẽ chẳng giữ được nước, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ. Nếu có trồng lại rừng sau khi bị phá, ước tính cũng phải mất 50 năm rừng mới khôi phục lại được. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng BĐKH, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, kinh tế giảm sút...

Ngoài sạt lở đất ở vùng núi, cao nguyên thì xói lở bờ biển ở nước ta cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng ở Việt Nam cho thấy, khu vực ĐBSCL sẽ ngập chìm từ 19 - 39% nếu mực nước biển dâng thêm 1 m, từ đó làm tăng khả năng gây xói lở bờ biển, vùng cửa sông ven biển và suy thoái rừng ngập mặn ven biển. BĐKH làm tăng lưu tốc dòng chảy về mùa lũ và tạo ra chênh lệch mực nước lớn hơn trước đây giữa mùa lũ và mùa kiệt.

Ảnh minh họa

Giải pháp phòng, chống sạt lở

Theo WHO, hậu quả về vật chất và tính mạng con người do sạt lở đất gây ra có thể được giảm thiểu một cách tối đa nếu các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị, ứng phó và hỗ trợ khẩn cấp được thực hiện một cách bền vững và kịp thời.

Có nhiều phương pháp phòng chống sạt lở trực tiếp như thiết kế tường chắn, rọ đá, neo đất; cỏ chống xói mòn cùng hệ thống rãnh thoát nước từ trên đỉnh, lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá; cắm biển cảnh báo… Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google cũng đang phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên nghiên cứu, phân tích... để dự báo tình hình, nhằm giảm thiệt hại do các thiên tại, đặc biệt là mưa lũ, sạt lở đất gây ra, giúp đảm bảo sự an toàn cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Nhìn chung, có rất nhiều biện pháp hợp lý để giảm thiểu hậu quả của sạt lở đất. Chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và hỗ trợ sau sạt lở đất để giảm thiểu hậu quả, bảo vệ môi trường và con người.

Đối với phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tại Quyết định số 379/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề cập các giải pháp quan trọng để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt, cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển để hạn chế nguy cơ sạt lở; từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển...

Về giải pháp lâu dài, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, toàn dân phải có ý thức bảo vệ môi trường, ngăn chặn nạn phá rừng, tích cực trồng cây gây rừng, tạo thảm thực vật bảo vệ đất.

Ngoài ra, các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở; chủ động bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Hải Thanh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/xoi-mon-sat-lo-dat-loi-canh-tinh-tu-bien-doi-khi-hau-183230817095713198.htm