Xói mòn giá trị của khu vực Schengen

Khu vực miễn thị thực Schengen thường được ví như viên ngọc quý của châu Âu khi người dân có thể di chuyển qua lại suôn sẻ ở những vùng cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU). Song những giá trị của Schengen đang dần mất đi.

Lực lượng an ninh thực hiện công tác kiểm soát ở biên giới Đức - Áo. Ảnh: DPA

Từng là niềm tự hào của châu Âu, Schengen ngày nay đã mất đi những giá trị lý tưởng vốn có và đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Schengen được thành lập vào năm 1995 và nhanh chóng được coi như viên ngọc quý của sự hội nhập châu Âu, hoặc được ví như trái tim không ngừng đập của “lục địa già”.

Việc người dân được miễn thị thực khi qua lại nhiều quốc gia đã trở thành một tiêu chuẩn gần như tất yếu trong suốt 2 thập kỷ. Song, năm 2015 diễn ra cuộc khủng hoảng di cư lớn ở châu Âu, từ đây, thách thức đối với những giá trị của Schengen đã ngày càng gia tăng khi nhiều quốc gia tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn bao giờ hết vì lo ngại về di cư và khủng bố.

Không khó để tìm kiếm những phản ánh về giá trị thực chất của khu vực miễn thị thực này trên truyền thông châu Âu. Nổi bật như những đánh giá về việc di chuyển bằng tàu từ Áo sang Đức có thể tạo ra cảm giác như không hề tồn tại khu vực Schengen. Một du khách qua châu Âu có thể bị dừng lại khoảng 10 lần để tiến hành các công đoạn kiểm soát thị thực, được thực hiện bởi một nhóm quốc gia từ chối duy trì quy định của khu vực Schengen. Không chỉ đơn thuần là cảm giác nhiêu khê khi di chuyển trong một “mái nhà chung”, mà thực tế còn phải trả giá bằng sự chậm trễ và chi phí kinh tế trên mỗi hành trình vận chuyển hàng hóa.

Bình luận từ giới chuyên gia chính trị quốc tế, Schengen là một dự án hữu hình hàng đầu của châu Âu, từng là khu vực không biên giới, nhưng nay có các trạm kiểm soát biên giới của Pháp dưới danh nghĩa chống khủng bố. Đức tiến hành kiểm tra biên giới với Áo, trong khi Cộng hòa Séc tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại biên giới với Slovakia...

Đặc biệt, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát của Áo với Slovakia diễn ra ngay sau quyết định tương tự của Cộng hòa Séc. Tiếp bước là các nước Bắc Âu, điển hình như Na Uy tiến hành kiểm tra tại các thành phố cảng; Thụy Điển cũng đang “âm thầm” kiểm tra tất cả các biên giới của mình... Những diễn biến này cho thấy sự xói mòn Schengen sau mỗi cuộc kiểm tra biên giới.

Nổi bật từ góc độ chính quyền, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg thẳng thắn tuyên bố rằng, Áo ủng hộ mạnh mẽ Schengen và được hưởng lợi lớn. Song Schengen không hoạt động khi 1/4 các nước Schengen thực hiện kiểm tra biên giới, gây ảnh hưởng đến một nửa dân số trong khu vực này, khiến Áo cũng buộc phải thực hiện biện pháp đáng buồn là kiểm tra riêng ở biên giới Slovenia và Hungary.

Tương tự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, việc kiểm tra biên giới hiện nay là điều không thể thiếu. Trong khi đó, nhiều khối doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp của Đức đã chỉ trích gay gắt việc tái áp dụng kiểm tra biên giới gây tác động to lớn đối với kinh tế, gián đoạn thương mại khu vực.

Ở góc độ chuyên gia, Sergio Carrera - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ở Schengen dễ thấy nhất là một nhóm quốc gia thành viên có hành vi sai trái, không tuân thủ luật pháp. Leon Zullig - nhà nghiên cứu về Schengen tại Đại học Gieben (Đức) thẳng thắn nói: “Schengen đang bị hủy hoại”. Cùng chung nhìn nhận, Nghị sĩ EU của Pháp Sylvie Guillaume cho rằng, việc áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới đang hủy hoại bản chất của Schengen.

Từ giới chức tới doanh nghiệp, cũng như giới chuyên gia đều cho rằng, Ủy ban châu Âu dường như không quá quan tâm đến Schengen và coi đây là việc quản lý biên giới bên ngoài EU. Với tư cách là cơ quan bảo vệ các hiệp ước, Ủy ban châu Âu thực sự nên bảo vệ khu vực Schengen. Trong dư luận châu Âu có những kỳ vọng rằng, sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào năm tới, sẽ có một Ủy ban châu Âu mới. Các cơ quan này gắn liền với điều kiện có đủ khả năng giải quyết vấn đề Schengen.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xoi-mon-gia-tri-cua-khu-vuc-schengen-post467315.html