Xin đừng để con trẻ rơi vào tay 'ác mẫu'

Hãy thận trọng ngay từ khi chọn nơi gửi con; tìm hiểu nơi mình dự kiến gửi con có hoạt động hợp pháp, có đảm bảo cơ sở vật chất, người trực tiếp trông trẻ có kiến thức, có tình yêu thương với trẻ...

Mở đầu cho chuỗi hành vi tội phạm là khi "bé quấy khóc, chân đạp liên tục không cho thay tã", thay vì xử trí như một con người bình thường khi trông nom con trẻ thì Linh lại "dùng tay đánh 2-3 cái vào đầu bé". Cứ vậy, khi bé không chịu uống sữa, Linh tiếp tục chuỗi hành vi không có tình thương, không có tình người với một đứa trẻ 6 tháng tuổi. Hành động của Linh đã khiến bé nhập viện với tiên lượng xấu; 7 tháng sau thì qua đời.

Bị cáo Võ Thị Mỹ Linh. Ảnh: AN BÌNH

Như vậy, chỉ sau 7 ngày gửi con, cha mẹ của bé đã phải trải qua 7 tháng hồi hộp, lo toan, nguyện cầu. Nhưng rồi điều tốt lành đã không đến, đứa bé là thiên thần đã bay xa nhưng nỗi đau người ở lại thì âm ỉ, kéo dài mãi.

Trong vụ án này, bị cáo Linh không có việc làm, tự đăng tin nhận giữ trẻ từ 1-2 tuổi trên mạng xã hội. Có 4 bé được cha mẹ tin tưởng giao cho Linh trông giữ, chăm sóc...

Với hành vi bạo hành trẻ dẫn đến cái chết, pháp luật xử lý Linh tội giết người. Từ câu chuyện đau lòng này, nhiều phụ huynh vì nhiều lý do mà phải gửi con ở những nhóm trẻ tự phát đã thực sự hoang mang. Làm sao tìm được nơi tốt nhất trong khả năng có thể để yên tâm trao đứa con bé bỏng của mình trong 8 tiếng/ngày.

Theo Điều lệ Trường mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư 52/2020 ngày 31-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên được nhận vào các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập, hoặc tư thục. Các trường chịu sự quản lý của UBND cấp quận, huyện. Phòng Giáo dục và Đào tạo giúp ủy ban kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường...

Nhà trường và giáo viên có trách nhiệm bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường; nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non; đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; thực hiện quy tắc ứng xử của giáo viên, các quy định về đạo đức nhà giáo theo quy định...

Quy định là vậy, nhưng thực tế các cơ sở mầm non không dám nhận trẻ quá nhỏ. Thường trẻ sau 18 tháng tuổi mới dễ tìm lớp học, trong khi mẹ chỉ được nghỉ thai sản 6 tháng. Vì vậy, dù có lo lắng về nguy cơ mất an toàn cho trẻ như không đủ điều kiện cơ sở vật chất, người giữ trẻ không có bằng cấp, không có kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh nhưng nếu không có người thân hỗ trợ thì cha mẹ thường lựa chọn việc gửi con ở nhóm trẻ tự phát.

Pháp luật cũng đã có những quy định nghiêm ngặt đối với việc giáo dục mầm non như Luật Trẻ em, BLHS, Nghị định 46/2017, Nghị định 135/2018, Nghị định 130/2021... Theo đó, cơ sở mầm non phải đảm bảo diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm... Giáo viên phải đạt trình độ chuẩn; nghiêm cấm bạo lực với trẻ em.,,

Đã có nhiều vụ bạo hành trẻ em bị xử lý hình sự như vụ ở trường Mầm Xanh (quận 12), vụ ở trường Phương Anh (Thủ Đức) và các vụ xảy ra ở các cơ sở giữ trẻ tự phát... Tuy nhiên, thực tế có nhiều vụ pháp luật không xử lý hết, hoặc không xử lý được; khi đó phụ huynh phải đồng ý thương lượng, rồi chuyển con đến một cơ sở khác mà mình yên tâm hơn.

Trước khi trông cậy vào một ai đó, các bậc cha mẹ hãy thận trọng ngay từ khi chọn nơi gửi con. Hãy tìm hiểu tất cả các thông tin về nơi mình dự kiến gửi con: có hoạt động hợp pháp, có đảm bảo cơ sở vật chất; người trực tiếp trông trẻ có kiến thức về chăm sóc con trẻ, có kiến thức sơ cứu cơ bản, hiểu tâm lý trẻ, có tính kiên nhẫn và có tình yêu với trẻ hay không; cơ sở mầm non có dư luận xấu hay khiếu nại tố cáo liên quan đến hành vi bạo hành trẻ, có từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào không...

Những thông tin này có thể tìm hiểu từ hàng xóm lân cận với trường, chính quyền địa phương nơi trường trú đóng. Thậm chí có thể hỏi chính những giáo viên từng làm, những phụ huynh từng gửi con ở đó mà nay đã nghỉ vì lý do nào đó. Hãy tìm họ trong các hội nhóm, cộng đồng trên mạng xã hội..., hay gõ cửa chính quyền nhờ giúp đỡ.

Rồi từ những thông tin thu thập được, cân nhắc, đắn đo bằng trái tim của người làm cha làm mẹ, bạn sẽ chọn được môi trường tốt đẹp, an bình cho con mình.

Khi bạn đi mua một căn nhà, bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin liên quan, phòng tránh rủi ro, mất mát tiền của. Khi bạn gửi con đi nhà trẻ, bạn càng phải kỹ lưỡng hơn nữa, chỉ trao con cho người có tấm lòng "cô giáo như mẹ hiền". Bởi con cái là tài sản quý giá nhất, là hạnh phúc, là tình yêu; con bị bạo hành hoặc con mất đi là nỗi đau không bao giờ liền da của cuộc đời. Xin đừng để con trẻ rơi vào tay những “ác mẫu”.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/xin-dung-de-con-tre-roi-vao-tay-ac-mau-post787806.html