Xích tùng cổ 700 tuổi giữa non thiêng Yên Tử

Ở Yên Tử, xích tùng phân bố ở khu vực am Dược, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ, đường Tùng, dốc thác Vàng, thác Bạc.

Hàng trăm cây xích tùng với tuổi đời lên đến 700 năm tại khu di tích, danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) được cho là trồng cùng thời điểm Thái Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành và lập Thiền phái Trúc Lâm.

Ở Yên Tử, xích tùng phân bố ở khu vực am Dược, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ, đường Tùng, dốc thác Vàng, thác Bạc. Trong đó, đường Tùng dài hơn 100m, nằm trên trục đường chính hành hương lên cõi Phật.

Đây là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam, mang nhiều giá trị, vừa là di sản, vừa góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần linh thiêng ở nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Vì muốn ngắm xích tùng cổ, nhiều du khách chọn cách đi bộ lên đỉnh thiêng Yên Tử thay vì đi cáp treo. Dọc theo đường Tùng, những bộ rễ tùng cổ thụ trồi lên khỏi mặt đất trở thành bậc thang nâng đỡ bước chân của du khách hành hương trong hàng trăm năm qua. Các cây xích tùng cổ ở Yên Tử có đường kính gốc từ 0,5 - 1,1m, chiều cao trên 20m.

Xích tùng thuộc loài lá kim, tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, có tên trong sách đỏ Việt Nam. Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, hiện Yên Tử còn khoảng 230 cây xích tùng 700 tuổi.

Vài năm trở lại đây, hơn 20 cây đã chết; 132 cây thân, gốc bị mục rỗng, cụt ngọn, sâu bệnh nặng... Riêng khu đường Tùng có 69 cây thì 7 cây chết, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.

Năm 2019, dự án chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử được triển khai, ngân sách từ tiền bán vé tham quan Yên Tử. Tổng số vốn cho dự án trên 26 tỷ đồng, kéo dài 5 năm. Hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục thực hiện phác đồ điều trị sâu bệnh cho cây xích tùng.

Minh Cương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xich-tung-co-700-tuoi-giua-non-thieng-yen-tu-post669208.html