Xét xử 'kỳ án' ở Bắc Giang: Viện Kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm

Trong phần nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ chứng cứ buộc tội đối với bị cáo Vi Văn Phượng.

Bị cáo Phượng đứng nghe đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án

Chiều 23/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Vi Văn Phượng (SN 1968, ở Bắc Giang) bị cáo buộc có hành vi giết mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926) đã khép lại phần xét hỏi, đại diện VKS đã nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Theo đại diện VKS, Tòa cấp sơ thẩm cáo buộc bị cáo Phượng giết mẹ với 2 chứng cứ là chiếc áo trắng dính máu cùng con dao quắm là hung khí. Tuy nhiên, chiếc áo này có nhiều nhân chứng khai, bị cáo Phượng không mặc hôm đó.

Nhân chứng Lăng Đức M, người làm cùng bị cáo sáng hôm bà Vui bị sát hại, có lời khai tại tòa thể hiện, bị cáo Phượng mặc áo trắng. Tuy nhiên, kiểm sát viên đánh giá lời khai này mâu thuẫn với lời khai ban đầu của chính ông M, khi từng khẳng định không biết hoặc nói bị cáo không mặc chiếc áo này.

Vụ án xảy ra ngày 5/10/2012, thời tiết oi bức nên việc Vi Văn Phượng “mặc 2 chiếc áo có cổ” đi làm là không có căn cứ, theo kiểm sát viên.

Bị cáo Phượng được Thư ký tòa cho nhận dạng áo dính máu trên bản ảnh do áo thực đã bị tiêu hủy

Về con dao quắm là tang vật, đại diện VKS nêu quan điểm nếu dùng công cụ này chém bà Vui khi đang nằm trên giường sẽ để lại dấu vết trên giường, chiếu, nhưng hồ sơ không thể hiện. Các nhân chứng cũng không thấy vết máu trên người Vi Văn Phượng khi tới hiện trường.

Động cơ phạm tội được cấp sơ thẩm xác định do mâu thuẫn liên quan vay mượn 1,5 chỉ vàng và “cuộc sống khó khăn mẹ lại không thông cảm” nhưng Kiểm sát viên cho rằng, gia đình bị cáo Phượng khi đó kinh tế đã ổn định, vợ vừa gửi 50 triệu đồng từ nước ngoài về. Anh trai và hàng xóm cũng nói bị cáo Phượng “là con có hiếu”, chăm sóc mẹ nhiều năm nên động cơ gây án chưa rõ.

Về thời gian bà Vui tử vong, bị cáo Phượng từng có lời khai giết mẹ vào 9h sáng rồi lại đi làm cùng mọi người nhưng lời khai này bị các nhân chứng bác bỏ. Họ làm cùng ông Phượng cả buổi sáng rồi ăn trưa với nhau, bị cáo chỉ ra về sau 11h trưa.

Nếu thời gian bà Vui tử vong từ 11h – 11h23', đại diện VKS cũng nói chưa thể khẳng định chính xác. Lý do là các nhân chứng có lời khai thể hiện bị cáo Phượng ra về lúc 11h14 và trên đường còn mua 2 gói mì tôm cho mẹ.

Đến 11h23’, bị cáo Phượng gọi điện cho mọi người báo mẹ “đã mất” và 3 phút sau, nhân chứng Vi Văn Th. có mặt, thấy máu nạn nhân đã thâm đen. Kết luận giám định cũng thể hiện, bà Vui mất khoảng hơn 3 tiếng sau khi ăn mỳ tôm sáng (lúc 6h30). Vì vậy, thời gian nạn nhân tử vong có mâu thuẫn, cần làm rõ.

Cũng theo đại diện VKS, bị cáo Phượng có “6 giai đoạn khai báo”. Ban đầu là không nhận tội nhưng sau khi bị bắt ngày 19/10/2012 lại khai đang làm việc thì quay về giết mẹ lúc 9h rồi tiếp tục đi làm. Hai ngày sau, bị cáo khai giết mẹ lúc hơn 11h nhưng đến 31/10/2012 lại kêu oan.

Sau đó, bị cáo Phượng nhận tội rồi lại kêu oan từ năm 2013 tới nay. Đại diện VKS nói: “Các lời khai thay đổi thời gian, lúc nhận tội lúc không. Phượng khai báo không nhất quán”.

Đặc biệt, VKS cũng cho rằng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm lần 2 chưa làm rõ 7 yêu cầu của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong Quyết định giám đốc thẩm năm 2016.

Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ các mâu thuẫn, do các chứng cứ buộc tội bị cáo Vi Văn Phượng chưa vững chắc, chưa đủ căn cứ.

Trong phần xét hỏi trước đó, ông Lăng Đức M, là một trong những nhân chứng quan trọng của vụ án lại thể hiện sự thiếu đồng nhất trong các lời khai.

Cụ thể, trong các phiên tòa trước đó, ông M cho biết khi đi làm cùng bị cáo vào sáng 5/10/2012, bị cáo Phượng chỉ mặc một áo, màu xanh bộ đội, bên trong có mặc áo hay không thì không biết. Tuy nhiên, sau đó, nhân chứng này lại khai là thấy ông Phượng mặc 2 áo, áo trong màu trắng đục.

Tại phiên tòa hôm nay, nhân chứng khẳng định là thấy Phượng mặc 2 áo, áo ngoài màu xanh, áo bên trong màu “cháo lòng”. Giải thích về tình tiết này, ông M nói đây là thói quen của người lao động, thường mặc thêm áo bên trong để thấm mồ hôi.

Sau đó, HĐXX chất vấn về chiếc áo màu trắng dính máu, được vắt trên chiếc thang tại hiện trường. Nhiều lần, Thẩm phán cho bị cáo, nhân chứng được xem ảnh chiếc áo trong hồ sơ nhằm xác nhận đó chính xác là tang vật mà cơ quan điều tra thu giữ tại hiện trường.

Xem xong, bị cáo Phượng phủ nhận một chiếc áo trong hồ sơ không phải của mình. Tương tự, một nhân chứng cũng cho biết chiếc áo được đưa đi giám định trong hồ sơ không giống với áo mà người này nhìn thấy tại hiện trường.

Xét hỏi một nhân chứng khác là ông Vi Văn Th– người đầu tiên đến hiện trường, HĐXX đặt câu hỏi về thời điểm ông được báo về vụ án.

Theo lời khai của nhân chứng này, trong khoảng thời gian 11h-12h, ông bất ngờ nhận điện thoại của Phượng, được thông báo: “Mẹ cháu mất rồi”. Mất khoảng trên dưới 5 phút, ông Th. đã xuất hiện tại nhà của Phượng. Khi đó, ông Th. thấy bị cáo đang đứng hiên nhà, thái độ bình tĩnh, tay cầm điện thoại, mặc áo màu xanh.

Đặc biệt, nhân chứng không thấy vết máu trên bất kỳ phần cơ thể nào trên người của Phượng, cũng như trên quần của bị cáo. Vài phút sau, vợ ông Thắng cũng đến hiện trường, trở thành nhân chứng thứ 2 phát hiện vụ án.

“Vào hiện trường, tôi thấy máu ở chân tường đã khô đen”, ông Th. nói trước HĐXX và đưa ra nhận định cá nhân là cái chết của bà Vui xảy ra từ trước đó khá lâu. Sau khi Cảnh sát đến hiện trường, ông Th. chứng kiến việc cơ quan điều tra thu giữ nhiều tang vật, trong đó có chiếc áo dính máu vắt ở thang và con dao gây án.

Vợ của bị cáo cũng được triệu tập đến phiên tòa và được yêu cầu lên bục khai báo. Trước tòa, vợ Phượng kể lại về món vay 1,5 chỉ vàng.

“Chồng tôi trả vàng cho mẹ khoảng 1 tháng trước khi vụ án xảy ra. Bà Vui khi đó còn nói là mẹ đã hỏi đâu mà trả. Tôi bảo mẹ cứ cầm, khi nào các cháu có việc thì bà lại cho”, vợ bị cáo Phượng khai và chia sẻ chồng mình trong mắt người nhà, hàng xóm là người hiếu thảo, chăm lo gia đình, đặc biệt mối quan hệ giữa Phượng và bà Vui rất tốt, hòa thuận.

Khi HĐXX hỏi vợ Phượng là có nghi ngờ ai khác là hung thủ không? Người phụ nữ không có linh cảm nào về kẻ gây án.

Trước khi khép lại phần xét hỏi, luật sư xác nhận lại với bị cáo về hành trình của Phượng trước khi về nhà. Cụ thể, bị cáo cho biết trên đường về đi qua một trường học, gặp nhiều học sinh đang tan trường. Đi qua cổng trường, Phượng dừng ở quán tạp hóa mua mì tôm. Khi về đến nhà, bị cáo đã thấy mẹ chết.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/xet-xu-ky-an-o-bac-giang-vien-kiem-sat-de-nghi-huy-an-so-tham-379285.html