Xét tuyển môn Văn vào ngành Y cần dựa trên căn cứ khoa học

Theo đại biểu Quốc hội, việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y cần dựa trên căn cứ khoa học và có quy trình bài bản.

Sinh viên ngành Y Trường ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành, thực nghiệm. Ảnh: Website của trường.

Sinh viên ngành Y Trường ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành, thực nghiệm. Ảnh: Website của trường.

Cần nghiên cứu kỹ, tránh hậu quả khôn lường

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh), không nên tùy tiện đưa môn Văn tổ hợp xét tuyển đầu vào. Việc này cần nghiên cứu kỹ, tránh hậu quả khôn lường mà có thể tận 6 - 7 năm nữa mới thấy.

Tất nhiên, việc các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa không sai nhưng chưa thỏa đáng, làm nghi ngại từ xã hội. Các trường chưa đưa ra căn cứ hay lý lẽ thuyết phục việc sinh viên ngành Y giỏi môn Văn sẽ tốt hơn những em giỏi khoa học tự nhiên.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị: Thứ nhất, nếu chấp nhận tuyển sinh đầu vào ngành Y bằng môn Văn thì phải siết chặt chuẩn đầu ra, "không mặc định cứ thi vào được là sẽ tốt nghiệp ". Thứ hai, các trường và Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần đưa ra bảng đánh giá, khảo sát công khai về lý do tuyển sinh ngành Y có môn Văn để xã hội thấy thuyết phục, tránh điều tiếng, nghi hoặc.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: T.Vương.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: T.Vương.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận, môn Văn rất quan trọng đối với ngành Y. Cũng không nên áp đặt, chỉ các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên mới có năng lực tư duy logic. Quan niệm như thế là chưa chính xác.

Tuy nhiên, không thể đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y tùy tiện. Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, các trường cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn.

"Thời điểm này, tôi không thể nhận định việc đưa môn Văn vào để xét tuyển ngành Y là tốt hay không tốt. Trước sự thay đổi, cần thảo luận, bàn luận và quyết định phải dựa trên căn cứ khoa học”- đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Ngành Y không thể tuyển sinh bất chấp

Nhấn mạnh, ngành Y liên quan đến tính mạng con người, không thể tuyển sinh bất chấp, đại biểu đoàn TP Hà Nội bày tỏ, đào tạo ngành này không thể chạy theo số lượng, mà phải đặt chất lượng lên hàng đầu; trong đó chú trọng đến chất lượng tuyển chọn đầu vào.

“Riêng với ngành Y, người kém và không có trái tim thương yêu bệnh nhân là tuyệt đối không được làm. Ngay với học trò của tôi, có trường hợp tôi nói thẳng, em không làm được bác sĩ, em nên tìm một nghề khác” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói và nhắc lại, bất cứ sự thay đổi nào cũng cần có quy trình và phải dựa trên căn cứ khoa học chứ không phải đột ngột.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội).

Tuyển sinh năm 2023 ghi nhận một số cơ sở giáo dục đại học đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y. Cụ thể: Trong 4 tổ hợp xét tuyển vào Chương trình Bác sĩ Y khoa của Trường ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) năm 2023, có tổ hợp D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh). Hay như ngành Điều dưỡng của trường này có sử dụng tổ hợp C08: Văn, Hóa, Sinh để xét tuyển đầu vào.

Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để tuyển sinh, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) xét tuyển tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học) đối với ngành Y khoa.

Ngoài việc giữ nguyên tổ hợp môn xét tuyển truyền thống Toán, Hóa, Sinh (B00) trong đào tạo ngành Y, năm nay Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) bổ sung môn Ngữ văn trong tổ hợp môn xét tuyển (A16) gồm: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên (KHTN: Lý, Hóa, Sinh).

Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ GD&ĐT có nêu, mỗi phương thức tuyển sinh mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng, xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xet-tuyen-mon-van-vao-nganh-y-can-dua-tren-can-cu-khoa-hoc-post641051.html