Xét tuyển đại học: Mở rộng cơ hội trúng tuyển từ các kỳ thi riêng

Những năm gần đây, thí sinh có xu hướng tham gia các kỳ thi riêng (thi Đánh giá năng lực, thi Đánh giá tư duy...) để tăng cơ hội được xét tuyển vào trường đại học,

Hiện cả nước có khoảng 10 cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ công tác tuyển sinh như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an…

Năm 2024, kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (tăng 3 tỉnh so với năm 2023). Quy mô dự kiến tổ chức cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi (tăng 5.000 lượt so với quy mô đề xuất ban đầu của năm 2023).

Lịch thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024.

Lịch thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024.

Đối với kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, theo GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi của ĐH Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển.

Hướng dẫn thí sinh ôn tập để tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2024, GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo cho biết, kho đề thi đánh giá năng lực tương đối lớn, phổ quát chương trình THPT, đủ rộng để cho thí sinh có những câu hỏi riêng biệt. Ở kỳ thi đánh giá năng lực, mỗi bạn thí sinh sẽ có một đề riêng biệt, độc lập. Do vậy, thí sinh có ôn cũng không bao giờ "trúng tủ" một đề nào đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em cần nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, nếu xác định rằng chỉ "ôn tủ" một nhóm kiến thức nào đó sẽ thất bại.

Theo ông Thảo, năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khảo sát hơn 2.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả bước đầu cho thấy, 63% thí sinh trả lời rằng tham dự kỳ thi với tâm thế tự ôn tập hoặc chỉ ôn tập trên lớp. Một lượng nhỏ thí sinh có tham gia các lớp luyện thi nhưng điểm cũng không cao. Đặc biệt, phần lớn thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực trong những năm qua đều chủ yếu tập trung ở khu vực 2 nông thôn và kết quả điểm thi giữa hai lần thi của thí sinh thường không có nhiều thay đổi.

Từ dữ liệu trên, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thí sinh cần học tập một cách nghiêm túc, đầy đủ trên lớp sẽ giúp các em có đủ kiến thức và kỹ năng để dự thi đánh giá năng lực cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 6 đợt thi, trải dài từ tháng 12 năm 2023 – tháng 6 năm 2024, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động bằng căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh nhằm triệt để chống việc thi hộ và gian lận trong thi cử.

Để giúp thí sinh giảm những băn khoăn và lo lắng khi các em tham gia kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện tại đã có khoảng trên 40 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh năm nay. Với sáu đợt thi đánh giá tư duy, kỳ thi của ĐH Bách khoa Hà Nội có thể đáp ứng cho khoảng 30.000 lượt thí sinh dự thi.

Khối quân sự mới có Học viện Kĩ thuật Quân sự lấy điểm kì thi này để xét tuyển theo hợp tác toàn diện giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Kĩ thuật Quân sự. Tuy nhiên thời gian tới, nếu kỳ thi Đánh giá tư duy mở rộng cho các đối tượng thí sinh hơn thì tôi cho rằng khối trường công an, quân đội sẽ xem xét sử dụng kết quả để xét tuyển.

Thí sinh dự thi Đánh giá tư duy đợt 1 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh dự thi Đánh giá tư duy đợt 1 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, ĐH Bách khoa Hà Nội cố gắng một cách tối đa để thí sinh không lệ thuộc vào các lớp ôn tập. "Chúng tôi biết quỹ thời gian của các em rất hạn hẹp. Vì vậy, cách ôn thi tốt nhất là học tốt kiến thức ở trên lớp. Kỳ thi Đánh giá tư duy được thiết kế để tránh dùng mẹo mực làm bài. Mới đây, ĐH Bách khoa Hà Nội đã xuất bản cuốn hướng dẫn ôn tập Đánh giá tư duy cho thí sinh để giảm lo lắng, băn khoăn khi các em tham gia kỳ thi này".

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ tổ chức duy nhất một đợt thi đánh giá năng lực, dự kiến diễn ra ngày 11/5. Cấu trúc bài thi giữ ổn định như các năm trước. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học mà các em đã từng quen ở cấp THPT.

ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Thí sinh đăng ký thi đợt 1 từ 21/1 - 4/3 và đợt 2 từ 16/4 - 7/5. Kì thi đánh giá năng lực đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4 tại 23 tỉnh, thành (tăng 2 địa phương là Bình Phước và Tây Ninh so với năm 2023). Đợt 2 dự kiến vào ngày 2/6.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xet-tuyen-dai-hoc-mo-rong-co-hoi-trung-tuyen-tu-cac-ky-thi-rieng-169240202160257548.htm