Xem xét thay đổi định mức sử dụng điện sát thực tế hơn

Quy định về định mức sử dụng điện tại các đơn vị hiện đang thực hiện theo Nghị định số 76/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ và Thông tư số 36/2017/TT-BQP ngày 16-2-2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về định mức sử dụng điện năng sở chỉ huy sẵn sàng chiến đấu, kỹ thuật và các nhiệm vụ khác.

Sau một thời gian áp dụng, hiện nay, số lượng thiết bị sử dụng điện được đầu tư, nhất là điện 3 pha đã tăng lên đáng kể nên chỉ khoảng hết quý III là các đơn vị đã sử dụng hết định mức quy định.

Theo các quy định nêu trên, định mức sử dụng điện đối với hạ sĩ quan, binh sĩ là 11kWh/người/tháng; cấp úy là 28kWh/người/tháng; cấp Thiếu tá, Trung tá là 38kWh/người/tháng và 115kWh/người/tháng đối với cấp Thượng tá, Đại tá. Nhằm tăng cường tiết kiệm điện, nước, các đơn vị đều ban hành quy chế, hướng dẫn, chỉ thị và tổ chức quản lý sử dụng đúng tiêu chuẩn quy định, định mức. Tìm hiểu thực tế tại các đơn vị cho thấy, hằng ngày, trực ban nội vụ và cơ quan hậu cần đều kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiết kiệm điện, nước; lập biên bản và ghi sổ theo dõi, tổng hợp báo cáo trong giao ban tuần, tháng để có biện pháp xử lý theo quy định đối với bộ phận, cá nhân không tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, sử dụng điện, nước lãng phí, sai quy định...

Thành viên Tổ kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn điện, nước của Lữ đoàn Công binh 543 kiểm tra, ghi số điện sử dụng hằng tháng của các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị tổ chức lắp đặt đồng hồ điện tại các đầu mối, bộ phận để theo dõi, tính toán lượng điện sử dụng hằng tháng; cụ thể hóa nội dung tiết kiệm điện đưa vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm. Ngoài ra, các đơn vị cũng tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên. Điều hòa nhiệt độ chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết vào khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút ở chế độ làm mát từ 250C trở lên. Tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại Lữ đoàn Công binh 543 và Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2); Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) cho thấy, việc thực hiện tiết kiệm điện, nước được duy trì rất nghiêm theo quy chế của đơn vị. Vào giờ học tập, huấn luyện, các thiết bị điện trong phòng ở của cán bộ, chiến sĩ gồm quạt, điện chiếu sáng đều được tắt; không có các thiết bị sử dụng điện khác sai quy định.

Mặc dù triệt để tiết kiệm nhưng lượng điện tiêu thụ hằng năm vẫn vượt mức quy định nên các đơn vị phải trích số tiền không nhỏ từ quỹ vốn để bù đắp. Nguyên nhân chính là số lượng thiết bị sử dụng điện, nhất là hệ thống công suất lớn, thiết bị sử dụng điện 3 pha tăng đáng kể so với thời điểm ban hành các quy định trên. Cụ thể, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Lan, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn Công binh 543, số lượng bóng điện, thiết bị sử dụng điện ở phòng ở, phòng làm việc, nhà ăn, nhà bếp đều tăng lên rất nhiều; hệ thống điện chiếu sáng công cộng, điện bảo vệ sân vườn được lắp đặt đồng bộ theo dự án đầu tư xây dựng. Đặc biệt là các thiết bị sử dụng điện 3 pha mà trước đây không có như: Hệ thống điều hòa và âm thanh công suất lớn ở hội trường; máy bơm; máy nén khí; hệ thống phòng cháy, chữa cháy; bếp điện... Chính vì vậy, kinh phí sử dụng điện được cấp hằng năm chỉ đến tháng 9, tháng 10 là hết, đơn vị phải trích quỹ để bù.

Đại úy Trần Anh Tuấn, Trợ lý Doanh trại, Ban Hậu cần-Kỹ thuật Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 cho biết thêm: “So với trước đây, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và huấn luyện của bộ đội như máy bơm nước, máy lọc nước, hệ thống nấu ăn hóa dầu và các tủ hấp bằng điện, hệ thống máy làm đậu và làm giò đều tăng, hoạt động phải sử dụng điện 3 pha. Bên cạnh đó, nhu cầu đòi hỏi đáp ứng công việc trong tình hình hiện nay, việc sử dụng máy tính cá nhân, máy in, máy chiếu cũng tăng lên, các thiết bị cá nhân bảo đảm cho đời sống bộ đội từ hệ thống bóng đèn chiếu sáng, quạt điện các loại, tủ lạnh, bình thủy... cũng tăng lên nhiều hơn và công suất sử dụng cao hơn. Hiện tại, cấp đại đội được trang bị hệ thống âm thanh, loa đài mà các quy định về định mức điện đối với các thiết chế văn hóa là chưa cụ thể. Ngoài ra, tổn hao trên đường dây điện là rất lớn... nên lượng điện tiêu thụ tăng. Định mức điện theo tiêu chuẩn thì được cấp trên đã cấp đủ theo chỉ tiêu quy định như ở Nghị định số 76/2016/NĐ-CP nhưng đơn vị chỉ sử dụng đến tháng 8 là hết, đơn vị phải trích quỹ vốn và các nguồn trên bảo đảm để bù”.

Tại các đơn vị, nguồn quỹ chủ yếu đến từ công tác tăng gia sản xuất và thường được trích ra để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Vì thế, những khoản phát sinh như bù đắp tiền sử dụng điện hằng năm sẽ ảnh hưởng một phần tới đơn vị. Rất mong các cơ quan chức năng xem xét vấn đề này và có hướng giải quyết thấu đáo.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Cần tăng tiêu chuẩn sử dụng điện, nước

Điện, nước là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thường xuyên của bộ đội ở đơn vị. Thời gian qua, đơn vị triển khai lắp hệ thống đèn năng lượng mặt trời trên đường nội bộ, một số vị trí nhà ở, công viên thanh niên, nơi tiện quan sát, canh gác nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động của bộ đội. Đồng thời, các giờ học tập ngoài thao trường của bộ đội, đơn vị cắt điện để giảm tải đường dây, tránh rò rỉ điện.

Đối với nước thì trên tinh thần tiết kiệm, bộ đội sử dụng đủ theo tiêu chuẩn; nước sau sinh hoạt, đơn vị tận dụng để tăng gia sản xuất và cán bộ ngành doanh trại thường xuyên kiểm tra đường ống, hệ thống van để tránh thất thoát. Các thiết bị điện trong phòng ở của cán bộ trung đội đến tiểu đoàn thực hiện theo quy định, thiết kế của ngành doanh trại và cán bộ tự mua thêm quạt điện mỗi khi thời tiết nắng nóng.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của bộ đội, nhiệm vụ của đơn vị ngày càng nhiều, vì vậy cần phải tăng tiêu chuẩn điện, nước so với quy định tại Nghị định số 76/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ. Bởi như vậy mới phục vụ tốt hơn các hoạt động ngoài trời, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cho bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Trung tá LÊ THANH BẢO

(Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9)

-------------

Khi điều kiện chưa cho phép cần cố gắng tiết kiệm

Tổng cục Hậu cần đã nắm được những bất cập về định mức sử dụng điện, nước đối với cán bộ, chiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 76/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ. Từ năm 2020, Tổng cục Hậu cần đã có chủ trương đề xuất sửa đổi Nghị định số 76/2016/NĐ-CP và đã tiến hành đến bước tổ chức hội thảo, mời các bộ liên quan đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến ngân sách các bộ đều khó khăn, cùng nhiều yếu tố liên quan khác nên việc sửa đổi nghị định là chưa khả thi.

Trước tình hình đó, cùng với việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, các đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, chiến sĩ bằng các biện pháp phù hợp để nâng cao nhận thức trách nhiệm về tiết kiệm điện. Quản lý, sử dụng điện đúng tiêu chuẩn quy định, đúng mục đích, phù hợp với tổ chức, biên chế.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định về quản lý, sử dụng và tiết kiệm điện đối với mỗi cơ quan, đơn vị. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị hoặc cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng. Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết...

Chủ động nắm thông tin về cung ứng điện, theo dõi tình hình khô hạn tại địa phương nơi đóng quân để có kế hoạch công tác phù hợp với việc sử dụng điện. Chuẩn bị máy móc, thiết bị phát điện để duy trì các hoạt động bảo đảm cho công tác chỉ huy, thông tin, quân y, huấn luyện phục vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác khi mất điện...

Đại tá HOÀNG VĂN VƯƠNG

(Trưởng phòng Tham mưu-Kế hoạch, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần)

------

Nhiều giải pháp chủ động khắc phục khó khăn

Định mức sử dụng điện, nước hằng tháng đối với cán bộ, chiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 76/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 36/2017/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cơ bản đủ và đã đáp ứng được các nhu cầu phục vụ việc sinh hoạt thường xuyên, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đơn vị.

Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, các thiết bị sử dụng điện (điện 3 pha) như trạm chế biến, khu chăn nuôi tập trung, trạm xay xát, máy móc, thiết bị phục vụ làm việc trên sở chỉ huy sư đoàn, điều hòa nhiệt độ... đã tăng thêm khá nhiều nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên được cấp trên giao nhiệm vụ đăng cai các lớp tập huấn, diễn tập, hội thi, hội thao nên đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cục bộ trong thời gian ngắn.

Nhân viên Phòng Hậu cần Sư đoàn 2 vận hành máy bơm nước sử dụng điện 3 pha. Ảnh: THUẬN AN

Trước tình hình đó, Phòng Hậu cần Sư đoàn 2, Quân khu 5 đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức của bộ đội trong việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý điện, nước; phân bổ định mức điện, nước đến từng người, cơ quan, đơn vị để thực hiện tiết kiệm điện. Đầu tư, mua sắm các vật tư, trang bị, máy móc tiết kiệm điện; tích cực trồng thêm nhiều cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên doanh trại, góp phần bảo vệ môi trường, giảm bớt nắng nóng trong những tháng mùa khô.

Trước mỗi cửa phòng ở, phòng làm việc đều có ghi chú, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ khi ra khỏi phòng phải kiểm tra, tắt hết các thiết bị điện không sử dụng, vừa hạn chế nguy cơ cháy, nổ vừa tiết kiệm điện năng; khuyến khích các đơn vị huy động nội lực, quỹ vốn để đầu tư, mua sắm các thiết bị điện chiếu sáng năng lượng mặt trời. Đồng thời tích cực khơi thông, nạo vét giếng khơi và tận dụng nguồn nước mưa, nước sạch tự nhiên để bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho bộ đội, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa khô.

Thiếu tá NGUYỄN VĂN TRÃI

(Trưởng ban Doanh trại, Phòng Hậu cần, Sư đoàn 2, Quân khu 5)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xem-xet-thay-doi-dinh-muc-su-dung-dien-sat-thuc-te-hon-736639