Xem xét công bố hết dịch Covid-19

Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và công bố hết dịch đối với dịch Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất của Bộ Y tế về việc kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Vaccine phòng Covid-19.

Vaccine phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế, việc xem xét công bố hết dịch Covid-19 căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình thực tế dịch tại Việt Nam. Ngày 5/5, WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trước đó, ngày 3/5, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%. Số liệu trên thể hiện nỗ lực của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị Covid-19 suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.

Đặc biệt, Covid-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe người dân nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh khi Việt Nam đã tiêm được hơn 266,2 triệu liều vaccine, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine ở nhóm nguy cơ cao và người có bệnh nền đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 80%.

Tuy nhiên, Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa hay là Covid-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Dịch bệnh vẫn còn đó và virus không tự biến mất, vẫn là một phần trong cuộc sống. Do vậy, các quốc gia vẫn cần nâng cao năng lực ứng phó, không được lơ là, mất cảnh giác; WHO vẫn có thể khôi phục tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19 bất kể lúc nào nếu tình hình dịch nguy cấp trên thế giới.

Các chuyên gia cũng lưu ý, người dân không được coi Covid-19 là cúm mùa, dù có những điểm tương đồng giữa cúm mùa và Covid-19. Bởi, cúm mùa thường vào mùa đông nhưng Covid-19 không theo mùa, có thể lây lan ở bất cứ loại thời tiết nào.

Bên cạnh đó, Covid-19 vẫn còn là bệnh mới mẻ đối với cả thế giới và bản thân SARS-CoV-2 vẫn có thay đổi. Theo công bố mới nhất vào đầu tháng 5, thế giới đã ghi nhận hơn 900 biến thể phụ của Omicron và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác.

Thực tế, những ngày qua, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi ngày Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 1.000 ca mắc. Khoảng 10% số ca mắc có tình trạng hậu Covid-19 làm gia tăng gánh nặng với hệ thống y tế. Do đó, khi công bố hết dịch Covid-19, chúng ta vẫn phải luôn đề cao cảnh giác và sẵn sàng các biện pháp thích hợp cho những tình huống nguy cấp có thể xảy ra.

Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025; việc phòng chống dịch trong thời gian tới sẽ được thực hiện linh hoạt, phù hợp với mức độ, diễn biến tình hình dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục tiêm đủ 2 liều vaccine cơ bản phòng Covid-19 và tiêm các mũi bổ sung, mũi nhắc lại (mũi 3 và 4).

Thiết nghĩ, nếu có xếp Covid-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác thì Covid-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì WHO vẫn chưa công bố kết thúc đại dịch Covid-19, đồng thời phải lập kế hoạch quản lý, giám sát chặt chẽ virus SARS-CoV-2 trong dài hạn. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể của đất nước đối với các loại dịch bệnh để nâng cao năng lực quản lý, điều trị, dự phòng của hệ thống y tế và nhân viên y tế trong thời gian tới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xem-xet-cong-bo-het-dich-covid-19-post461561.html