Xem 50 Sắc sắc, tìm về bản ngã chân thật

Quan niệm về cái đẹp thay đổi qua thời gian và bối cảnh văn hóa, thể hiện rõ nhất qua thể loại tranh tượng khỏa thân, hay đúng hơn là miêu tả thân thể trong trạng thái trần trụi và tự nhiên nhất của con người như khi mới chào đời.

1.

Người nữ hiện thân cho vẻ đẹp từ cổ xưa tới nay là điều không phủ nhận, như họa sĩ-nhà thơ William Blake nói: “Sự trần truồng của người nữ là tác phẩm của Thượng Đế”.

Nàng cũng chính là nguồn gốc của nghệ thuật biểu hình, khảo cổ phát hiện ra vô số tượng điêu khắc nữ thần khỏa thân trong các nền văn hóa tiền sử được gọi là “Venus”, với tượng Venus Hohle Fels cổ nhất cách đây 40.000 năm, nàng mang vẻ đẹp lý tưởng của tính phồn thực. Điều này khiến ta không ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ tranh khỏa thân nữ so với nam chiếm tới 85% ở một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới như Metropolitan ở New York.

Tuy vậy, trong nghệ thuật đương đại, kể từ những năm 1960, do ảnh hưởng chủ nghĩa Hiện sinh với triết học về thân xác, ý thức về bản ngã và sự tự do, cùng với cuộc cách mạng tính dục đặc biệt của phụ nữ hướng tới quyền làm chủ bản thân, thì thân thể được các nghệ sĩ dùng như một phương tiện, hoặc như khí giới chính trị để phản kháng, hoặc để xác định tự thân, một khi lớp y phục bên ngoài được trút bỏ, như trong hình thái Nghệ thuật Thân thể (Body Art). Từ đây, những cách biểu hình trong thể loại tranh vẽ cơ thể khỏa thân cũng đã lột xác, đưa ra một lối tiếp cận mới, mang tính đa chiều, và thân thể trần trụi không còn đề cao vẻ đẹp thể hình lý tưởng nữa, mà đã được giải phóng thay cho sự thu hút tính dục và phơi bày trước con mắt phán xét của người xem.

Loại tranh khỏa thân của hội họa giá vẽ từ đó cũng được phục hồi bằng một dung mạo mới, tưởng chừng đã “hết thời”, do các xu hướng mới của nghệ thuật đương đại, nhất là trong kỷ nguyên đa phương tiện; ta có thể đơn cử tác phẩm của những họa sĩ Trường phái London như Lucian Freud với những chân dung trần trụi về bạn bè già nua và béo phì, hoặc những cơ thể biến dạng và cô lập của Francis Bacon.

2.

Cuộc trưng bày nhan đề 50 Sắc sắc là một nỗ lực của Huyen Art House, do Lý Đợi làm giám tuyển, có thể coi là một đột phá bằng sự tập hợp khoảng 50 họa phẩm của hơn 20 họa sĩ thuộc 4-5 thế hệ hội ngộ trong “cõi sắc” của loại tranh khỏa thân.

Ta được nhìn thấy một quang phổ đa sắc thái về phong cách biểu hình khỏa thân, từ trường phái Paris cho tới tượng trưng, biểu hiện, tân biểu hiện, siêu thực, tân hiện thực, trừu tượng biểu hình… Và rõ ràng sự nở rộ này có nguyên do từ 30 năm nay, kể từ thời kỳ Đổi mới trong thập niên 1990, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu.

Ở đây ta được nhìn lại dấu ấn quen thuộc về hình thể người nữ của lớp họa sĩ đàn anh như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ… từ đầu thập niên 1960, và thế hệ thời kỳ đổi mới và bản lề như Trần Lưu Hậu, Bửu Chỉ, Đặng Xuân Hòa…

Bước sang thế kỷ 21, ta chứng kiến sự bộc phá về hình thể của những họa sĩ đương đại như Đỗ Hoàng Tường, Phương Quốc Trí, Nguyễn Công Hoài, Vũ Ngọc Vĩnh, Bùi Tiến Tuấn…

Tác phẩm của Đỗ Hoàng Tường.

Tác phẩm của Nguyễn Công Hoài.

Tác phẩm của Hồ Hữu Thủ.

Tác phẩm của Trần Lưu Hậu.

Trong 50 Sắc sắc, ta cũng được thưởng thức những “trái cấm” chín muộn vào những năm cuối đời của hai họa sĩ lão thành như Lưu Công Nhân, và trường hợp hy hữu là Trần Lưu Hậu, càng vào cuối đời, sức sáng tạo của ông càng sung mãn và thăng hoa hơn bao giờ hết với những khỏa thân theo phong cách tân biểu hiện lẫn trừu tượng, như được “tư duy” bằng nét cọ và màu sắc rất choáng ngợp.

Và nhiều tác phẩm của những họa sĩ khác với những sắc thái thú vị, mới mẻ, không thể nêu cụ thể trong bài, chi bằng để dành cho người thưởng lãm tự khám phá theo cảm quan riêng của mình ở cuộc trưng bày.

3.

Dạo bước trong phòng tranh 50 Sắc sắc, ta không thể nào không chạm trán tới những băn khoăn và tìm cách lý giải của triết gia François Jullien khi nhìn sang một không gian văn hóa khác ngoài phương Tây, đó là Trung Quốc. Cho dù có một truyền thống hội họa và điêu khắc miêu tả nhân vật đã phát triển cao độ, nhưng hình ảnh khỏa thân lại triệt để vắng bóng trong nghệ thuật và văn hóa Trung Quốc.

François Jullien lý giải rằng do quan niệm về bản thể học và ý thức về bản ngã của văn hóa Trung Quốc khác hẳn phương Tây nên đã khiến cho cái nuy không thể có (Le Nu impossible). Hệ quả ấy, Việt Nam cũng đã chia sẻ, ngay cả dù dưới thời ảnh hưởng văn hóa Pháp thuộc đã khoảng nửa thể kỷ, thế nhưng trong thời vàng son của nghệ thuật Đông Dương từ 1925-1945, ta khó có thể tìm ra được vài bức tranh sáng tác về khỏa thân đúng nghĩa, mặc dù các sinh viên trong chương trình vẫn học vẽ nghiên cứu về cơ thể với người mẫu khỏa thân.

Một trường hợp ngoại lệ với bức điêu khắc người mẫu khỏa thân của Vũ Cao Đàm được gửi tham dự Triển lãm Paris 1931, được xem là tác phẩm khỏa thân hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Và gần đây ta bất ngờ được thấy bức sơn dầu khỏa thân của Lê Phổ vẽ năm 1931 tại Hà Nội sau khi ông ra trường, được Sotheby’s đấu giá lên tới 1,4 triệu USD. Bức tranh miêu tả một phụ nữ Tây phương đang nằm duỗi, hai tay che hai bầu vú, dường như bức này (cũng như pho tượng của Vũ Cao Đàm) được vẽ để nhằm tham dự triển lãm ở Paris.

Cái nuy không thể có ở miền Bắc, vẫn tiếp tục kéo dài thêm cho tới thập niên 1970 thì được phép thể hiện qua những đề tài sự tích, hoặc văn chương cổ điển như như Tiên dung tắm hoặc Kiều tắm của Nguyễn Phan Chánh, cho tới thập niên 1980 tranh khỏa thân với bút pháp hiện đại của Bùi Xuân Phái vẫn phải mượn cớ “minh họa” những bài của thơ của Hồ Xuân Hương.

Nhìn sang Trung Quốc, cũng vậy, hệ quả vắng mặt “cái nuy” trầm trọng trong nghệ thuật như nói ở trên từ đó có thể hiểu được sự săn lùng những bức tranh khỏa thân của họa sĩ Sanyu (Thường Ngọc) được mệnh danh “Matisse của Trung Quốc” (ông sang Paris du học về nghệ thuật từ đầu những năm 1920, phần lớn cuộc đời nghèo khổ, chết năm 1966 và bị quên lãng tới gần đây). Tính từ năm 2000-2019 giá tranh Sanyu đã tăng lên hơn 1.000 lần, được các nhà sưu tập tỷ phú của Đại Lục giành nhau mua với giá gây sốc thị trường nghệ thuật thế giới. Chẳng hạn gần đây vào năm 2019 giữa lúc đại dịch, Sotheby’s đem đấu giá 3 bức khỏa thân của Sanyu: bức một cô nuy 25 triệu USD, bức bốn cô nuy 33,3 triệu USD, và năm cô nuy 39 triệu USD.

Sự kiên hào phóng này như thể để bù đắp lại khoảng trống không thể cứu vãn của cái nuy không thể có trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc.

4.

50 Sắc sắc diễn ra tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Quận 1, TP.HCM) đến hết ngày 4.12.2023.

Trở lại với 50 Sắc sắc, ta có thể xem cuộc triển lãm này là một phần gặt hái những hoa quả từ sự hội nhập của nghệ thuật Việt Nam với thế giới từ 30 năm qua. Đây cũng là một hành trình tìm kiếm bản thể và sự hiện diện của chính mình. Một bản thể trần trụi và thuần khiết mà chúng ta đang đi tìm. Vì vậy, 50 Sắc sắc như những tấm gương mà người xem sẽ tìm thấy chính mình, bản ngã chân thật của mình. Hãy trần trụi, hãy là con người thật của mình.

Hà Vũ Trọng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/xem-50-sac-sac-tim-ve-ban-nga-chan-that-41848.html