Xe tăng T-90M mới nhất của Nga 'cận chiến' 2 chiếc Bradley của Ukraine

Hai chiếc xe chiến đấu bộ binh M2A2 của Quân đội Ukraine cận chiến với một xe tăng T-90M của Nga, kết quả sẽ như thế nào?

Đoạn video mới nhất trên mạng xã hội cho thấy, một xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M mới nhất của Nga đã “tao ngộ chiến” với hai xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley của Ukraine ở mặt trận Avdiivka và hai bên đã giao tranh ác liệt.

Với sự giúp sức của UAV cảm tử, hai chiếc Bradley đã làm tê liệt chiếc T-90M của Nga; ba thành viên tổ lái T-90M phải bỏ xe rút lui. Trận đánh này cũng là trận đánh hiếm hoi giữa xe tăng Nga và xe bọc thép Ukraine trên chiến trường Ukraine,

Tham gia trận đánh này về phía Ukraine là quân của Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 47; đây là lữ đoàn theo chuẩn NATO, mới được thành lập vào tháng 2 năm ngoái, được trang bị hoàn toàn bằng xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley của Mỹ viện trợ.

Trận đánh này diễn ra trên chiến trường phủ đầy tuyết gần làng Stepove, ở sườn phía bắc thành phố Avdiivka, thuộc vùng Donetsk; khi hai xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine phát hiện xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M của Nga hành động đơn độc.

Mở đầu trận đánh, chiếc T-90M của Nga bị một chiếc M2A2 thu hút từ xa, để lộ phần đuôi của nó trước ống kính của UAV tự sát; trong khi một chiếc M2A2 khác được một UAV dẫn đường, đã băng qua giao lộ, cách đó chưa đầy 500 mét tiếp cận chiếc T-90M.

Khi tiếp cận ở cự ly gần, chiếc Bradley bắt đầu khai hỏa vào xe tăng T-90M, có thể đây là một trận đánh “rất vội vàng”, hơn nữa xe đang di chuyển ở cự ly gần, nên kíp xe Bradley không thể sử dụng loại vũ khí chống tăng mạnh nhất là tên lửa chống tăng "TOW"; mà phải sử dụng pháo bắn nhanh 25 mm.

Pháo bắn nhanh 25mm “Big Viper” trang bị trên xe Bradley sử dụng đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo, về mặt lý thuyết không thể xuyên thủng giáp trước của xe tăng T-90M; nhưng có thể xuyên thủng giáp phía sau và bên hông ở cự ly gần.

Lúc này, chiếc T-90M bị áp đảo trong một trận đánh cận chiến bất ngờ, đối mặt với hai chiếc xe chiến đấu bộ binh có khả năng cơ động cao, kíp xe T-90M đã bắn hai phát đạn, nhưng không trúng mục tiêu. Hai chiếc Bradley liên tục cơ động, nên chiếc T-90M khó có thể bắn trúng.

Trong chiến đấu, khi không tiêu diệt được đối phương thì hậu quả thật thảm khốc, mặc dù pháo 25mm của xe Bradley không mạnh, nhưng cũng đủ khả năng phá hủy các hệ thống ngắm bắn và kích nổ các khối giáp phản ứng nổ (ERA) của chiếc T-90M, khiến nó mất hoàn toàn khả năng chiến đấu.

Một số nguồn tin phương Tây cho rằng, pháo 25mm của xe Bradley bắn cháy xe tăng T-90M; đây có thể khẳng định là thông tin không đúng. Thực tế là đạn pháo 25mm của Bradley đã bắn kích nổ giáp ERA của chiếc T-90M, gây ra vụ nổ lớn bên ngoài xe; khiến các thiết bị gắn bên ngoài xe tăng cũng bị phá hủy.

Mặc dù chiếc T-90M bị trúng nhiều phát đạn 25mm của hai chiếc Bradley, nhưng kíp xe vẫn điều khiển xe rút lui về phía sau. Tuy nhiên lúc này đã xảy ra một sự cố, đó là khi T-90M đang di chuyển, tháp pháo liên tục quay không biết lý do; nhưng chiếc xe tăng Nga lúc này đã mất khả năng chiến đấu.

Qua video có thể thấy lái xe tăng T-90M hoảng loạn, điều khiển chiếc xe tăng bị thương, tiếp tục chạy xuyên qua bụi rậm, hy vọng lái xe vào đống đổ nát và trốn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cuối cùng anh ta đã đâm vào một cái cây lớn và dừng lại.

Lúc này, hai chiếc Bradley của Ukraine cũng không dám đuổi theo và đã nhanh rút lui khỏi trận địa, chiếc T-90M vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Kíp xe đã kịp rời chiếc xe đã thành vô dụng, rút lui vào trong chiến hào ẩn nấp an toàn; trận đánh kết thúc.

Phân tích trận đánh “tao ngộ chiến” giữa hai chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M của Nga tại một chiến trường ác liệt như ở Avdiivka, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, xe tăng không thể chiến đấu đơn độc; trong chiến đấu việc kiểm soát tình hình là rất quan trọng. Xe tăng T-90M của Nga tiếp tục ý tưởng thiết kế nhất quán về thiết giáp hạng nặng và pháo hạng nặng; nhưng hệ thống quan sát của nó vẫn còn tương đối yếu.

Trong một môi trường chiến đấu ác liệt như vậy, chỉ có một chiếc T-90M “đơn độc”, không có bộ binh đi kèm, không có UAV trinh sát hỗ trợ, không có pháo binh yểm trợ khi nguy cấp; hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng “mất hút”, khiến chiếc T-90M rơi vào tình thế bất lợi khi cận chiến “1 chọi 2”.

Để so sánh, phía Ukraine đã sử dụng UAV để trinh sát trên không trong suốt trận đánh, giúp họ có khả năng kiểm soát tổng thể tốt hơn. Đặc biệt trong tình huống chiến đấu ác liệt, UAV trinh sát giúp kíp xe chiến đấu của Ukraine lợi thế về nắm tình hình địch, từ đó lựa chọn chiến thuật thuận lợi hơn để chiến đấu.

Thứ hai, kiểm soát hỏa lực là rất quan trọng. Mặc dù xe tăng T-90M đã được cải thiện về hệ thống điều khiển hỏa lực, nhưng trình độ tổng thể của nó vẫn còn yếu so với các xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba tiên tiến. Đặc biệt là khả năng bắn trong khi xe đang di chuyển.

Trong trận cận chiến này, T-90M khai hỏa hai phát đạn pháo nhưng không trúng chiếc Bradley nào đang lộ sườn, làm mất cơ hội tiêu diệt địch. Sau đó pháo của hai chiếc Bradley bắn nổ giáp ERA trên tháp pháo của T-90M, khiến toàn bộ hệ thống quan sát của xe bị phá hủy, khiến nó trở nên “mù” hoàn toàn và mất đi hiệu quả chiến đấu.

Thứ ba, lựa chọn chiến thuật là rất quan trọng. Vũ khí chống tăng tốt nhất của xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley là tên lửa chống tăng TOW, nhưng vũ khí này phải được khai hỏa ở cự ly tối thiểu là 500m và xe phải dừng lại và bệ phóng được nâng lên.

Có thể thấy qua video, trên chiến trường có rất nhiều tàn tích, cây lớn và các vật cản khác, M2A2 rõ ràng không khóa được mục tiêu nên liều lĩnh đánh gần xe tăng. Pháo 25 mm rõ ràng không thể bắn thủng giáp trước của T-90M, nhưng chắc chắn có thể bắn thủng thân sau và thiết bị quan sát phía trên.

Để làm được điều này, hai chiếc M2A2 đã sử dụng một chiếc để thu hút sự chú ý của T-90M, chiếc còn lại tấn công phía sau, khóa chiếc tăng T-90M vào đó; sau đó cả hai bên tuyến hỏa lực bắn cùng lúc và cuối cùng làm “mù” chiếc T-90M.

Sau khi chiếc T-90M “nằm bất động”, thì hai kíp xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine cũng “biết mình, biết ta”, nhanh chóng rời khỏi trận đánh và để nhiệm vụ tiêu diệt chiếc T-90M đã “nằm bất động” cho UAV tự sát giải quyết nốt.

Điều này cũng cho thấy tính đúng đắn về quyết định chiến thuật của hai kíp xe Bradley, nhằm tránh được nguy cơ xe của họ có thể bị Không quân Nga tấn công, nếu lộ diện trên chiến trường quá lâu.

Tóm lại, trận đánh giữa hai chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley với một chiếc T-90M, chỉ là một trận đánh nhỏ ở một chiến trường ác liệt, nhưng đã thể hiện đầy đủ cảnh giao tranh giữa xe tăng hiện đại và xe bọc thép. Trận đánh có ý nghĩa rất lớn cho cả hai bên trong việc sử dụng lực lượng tăng-thiết giáp trên chiến trường.

Pháo bắn nhanh 25mm của chiếc Bradley làm nổ giáp phản ứng nổ của chiếc T-90M. Nguồn: Topwar.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-tang-t-90m-moi-nhat-cua-nga-can-chien-2-chiec-bradley-cua-ukraine-1948521.html