Xe tăng M2020 'Armata Triều Tiên' là bản nâng cấp dựa trên T-62?

Triều Tiên đã sẵn sàng bắt đầu sản xuất hàng loạt xe tăng M2020 mới nhất, cỗ chiến xa này vừa được trưng bày tại một trong những cuộc thi.

Mặc dù chiếc xe tăng M2020 này đã được gọi là "Armata Triều Tiên", nhưng thực chất nó dựa trên một mẫu chiến xa cũ của Liên Xô, tạp chí Mỹ National Interest (NI) đưa ra nhận xét

Tờ NI đã hướng sự chú ý đến các cuộc thi xe tăng diễn ra gần đây ở Triều Tiên, phần nào gợi nhớ đến cuộc thi Tank Biathlon của Nga. Những chiếc M2020 mới nhất - lần đầu tiên được giới thiệu tại cuộc duyệt binh vào năm 2020 - đã tham gia.

Chiến xa mới được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Kang Song Nam và Tổng tham mưu trưởng Ri Yong Gil giám sát chặt chẽ. Theo ghi nhận, ông Kim Jong-un thậm chí còn ngồi vào ghế lái và điều khiển cỗ chiến xa đi một đoạn đường.

Tại cuộc thi, Triều Tiên đã giới thiệu 6 xe tăng M2020 mới sản xuất, mặc dù theo truyền thông phương Tây, Bình Nhưỡng đã chế tạo tới 9 nguyên mẫu như một phần của cuộc thử nghiệm.

Đánh giá dựa trên thực tế là xe tăng đã tham gia nhiều sự kiện khác nhau, cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên đã sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt chiếc M2020 này.

Theo tờ NI, mặc dù trên thực tế M2020 của Triều Tiên giống T-14 Armata của Nga hay Zulfiqar của Iran, nhưng nó lại dựa trên nguyên mẫu xe tăng T-62 của Liên Xô. Cần lưu ý rằng Bình Nhưỡng có nhiều kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa T-62.

Và M2020 đã được tạo ra trên cơ sở dòng chiến xa cũ, xe tăng có vỏ giáp composite và pháo 125 mm, đây là một loại xe tăng hoàn toàn hiện đại, tuy rằng vẫn mang phần nào thiết kế cũ của T-62.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi M2020 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực “mạnh nhất” thế giới, mang lại cho Bình Nhưỡng điều đáng tự hào.

Trên tờ Topwar, chuyên gia xe bọc thép người Nga Andrii Tarasenko cho rằng cấu tạo của M2020 khá "cổ điển" với kíp vận hành gồm 4 người, có khoang dự trữ đạn được đặt trong một hốc phía sau tháp pháo, đi kèm các ống phóng đạn khói ngụy trang.

Có lẽ tổ lái được bố trí tương tự như chiếc Abrams của Mỹ, vị trí nạp đạn được đặt ở bên trái trong tháp pháo. Sự sắp xếp này giúp binh sĩ có thể làm việc thuận tiện hơn, khi đạn dược trong hốc phía sau.

M2020 được trang bị thêm súng phóng lựu tự động 30 mm và bệ phóng cho hai tên lửa chống tăng (ATGM), cho thấy khả năng cao nó không thể phóng ATGM qua nòng.

Xe tăng còn được trang bị tổ hợp phòng vệ chủ động (APS), có 2 cảm biến bức xạ laser và 4 radar ở hai bên tháp pháo. Để tiêu diệt đạn tấn công, chiến xa được lắp sẵn 12 quả đạn đánh chặn, cung cấp khả năng phòng thủ đủ 360 độ cho phương tiện chiến đấu.

Vị trí đặt radar và đạn đánh chặn của hệ thống APS trên M-2020 gần giống với APS dòng GL-5 của Trung Quốc. Chiếc xe tăng này có thể lặp lại hiệu suất của "người tiền nhiệm" Songun-915, theo một số chuyên gia, tương ứng với mức độ T-72 nâng cấp của Liên Xô.

Xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất do Triều Tiên chế tạo được trang bị pháo chính nòng trơn 125 mm và động cơ diesel công suất 1.200 mã lực.

Khả năng bảo vệ hai bên sườn và tháp pháo đã được thể hiện trong một số cuộc tập trận, giáp xe được thiết kế để chống lại đạn mang đầu nổ lõm song song, nhưng chưa rõ mức độ cụ thể.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xe-tang-m2020-armata-trieu-tien-la-ban-nang-cap-dua-tren-t-62-post570450.antd